VnReview
Hà Nội

Trẻ em Trung Quốc "chạy đua" học tiếng Anh, Olympic Toán, nghệ thuật từ Tiểu học

Ở Trung Quốc, từ 'involution' (内卷, neijuan) được sử dụng để chỉ việc bị mắc kẹt, trì trệ. Từ này cũng được áp dụng cho giáo dục và là một vòng luẩn quẩn của việc trẻ em bị nhồi nhét kiến thức, cạnh tranh gay gắt để vào được các trường ưu tú.

Nhân viên tài chính 48 tuổi là Zhang Yafen (tên đã được thay đổi) khi nói về việc giáo dục cho thế hệ tiếp theo cảm thấy thực sự bất lực từ trong giọng nói. Vài ngày trước, con gái mới học lớp 6 của Zhang tham gia thi TOEFL.

Dù còn lâu con gái cô mới thi đại học, Zhang vẫn cảm thấy việc thi TOEFL ở giai đoạn này đóng vai trò đánh giá trình độ tiếng anh của con gái và là 'tấm vé mời' vào các trường trung học ưu tú tại Bắc Kinh.

Khi con gái đang học tiểu học, Zhang và chồng đã đặt cọc gần 100.000 Nhân dân tệ tại một cơ sở đào tạo tiếng Anh cho học phí các khóa học. Điều này giúp con gái cô có 3 buổi học tiếng Anh, mỗi buổi 3h hàng tuần.

So với các gia đình khác, Zhang cho biết cô không phải là người quá thúc ép con mình. Tuy nhiên, ngay sau khi con gái chào đời, cô đã bắt đầu chuẩn bị cho việc học của bé sau này. Mười năm trước, cô và chồng đã mua nhà ở một khu có nhiều trường học tốt, chuyển từ quận Đông Thành đến Hải Điến ở Bắc Kinh.

Tại các thành phố lớn của Trung Quốc, việc chi tiền mua nhà ở các khu nhiều trường học tốt là bình thường. Các bậc cha mẹ dốc hết sức lực để cho con vào các trường ưu tú, đẩy giá bất động sản ở các khu này lên cao ngất ngưởng.

Lấy ví dụ về ngôi nhà của Zhang, kể từ năm 2011 đến nay giá đã tăng từ 50.000 lên 200.000 Nhân dân tệ mỗi mét vuông. Tuy nhiên, sau khi chuyển đến Hải Điến thì cuộc chạy đua mới chỉ bắt đầu. Cô than thở:;"Chúng tôi biết một số bậc cha mẹ cư xử điên rồ và những gì chúng tôi làm cho con chỉ như muối bỏ bể".

Quận Hải Điến của Bắc Kinh chụp từ trên cao

Khóa học tiếng Anh của con gái cô có một bé chỉ mới học lớp 2. Đây là lớp học dự bị cho chứng chỉ tiếng Anh của Cambridge, tương đương với trình độ Band 4 và Band 6 trong các trường đại học Trung Quốc.

Cuộc chạy đua ngoài lớp học

Theo Zhang, những kỳ thi như vậy rất phổ biến tại Bắc Kinh. Trước đại dịch, việc kiếm được một suất thi đã là rất khó khăn. Các bậc phụ huynh không quản ngại giành lấy suất thi cho con, thậm chí còn đưa con đến Thiên Tân và Bảo Bình để thi.

Sự lo lắng của các bậc phụ huynh tại Bắc Kinh là mô hình thu nhỏ kinh điển của hệ sinh thái giáo dục cạnh tranh gay gắt, nổi lên ở Trung Quốc trong những năm gần đây.

Nếu trẻ học không tốt, cha mẹ lo lắng rằng con không có khả năng học. Nếu con cái học tốt, cha mẹ lo rằng chúng không thể vào được trường tốt hơn. Zhang nói: "Là một bậc phụ huynh, tôi không vui khi thấy con mình phải vật lộn mỗi ngày. Nhưng điều này là không thể khác được".

Khi các cuộc thi Olympic toán học và chứng chỉ tiếng Anh trở thành tiêu chuẩn của mỗi học sinh, các bậc phụ huynh càng phải nỗ lực hơn nữa để cho con theo học các lớp tài năng toàn diện, để đảm bảo rằng con mình nổi bật hơn bạn bè cùng lứa.

Phụ huynh đợi con ngoài một lớp học của trung tâm giáo dục toàn diện

Tầng 6 của Trung tâm mua sắm Golden Resources tại Bắc Kinh được biết đến là 'trung tâm giáo dục toàn diện lớn nhất Bắc Kinh'. Ở đây tập hợp tất cả các lớp đào tạo cho trẻ em như nhảy, cờ vây, múa ba lê, tiếng Anh...

Cuối mỗi tuần, hành lang ở nơi đây chật kín học sinh và phụ huynh. Liu Yu, 42 tuổi đứng bên ngoài trung tâm để đợi con gái 6 tuổi tan học. Anh cho biết chủ nhật hàng tuần, cả gia đình sẽ dành cả ngày ở đây, con anh học múa ba lê buổi sáng, sau đó là nghệ thuật và học Lego.

Cạnh tranh trong mọi lĩnh vực

Tại các thành phố lớn ở Trung Quốc, những đứa trẻ muốn vào các trường ưu tú không chỉ cần có điểm số cao mà còn cần có tài năng gì đó. Sự cạnh tranh như vậy đặc biệt rõ ràng ở một số trường tại Bắc Kinh và Thượng Hải.

Liu cho biết anh muốn cho con mình tiếp xúc với những điều khác biệt và nuôi dưỡng sở thích của bé khi còn nhỏ. Anh và vợ chi gần 100.000 Nhân dân tệ mỗi năm cho các lớp học thêm kỹ năng như vậy. Bên cạnh khiêu vũ, nghệ thuật và Lego, vào thứ 6 hàng tuần bé còn học cưỡi ngựa hoặc đấu kiếm.

Yang Liu, 18 tuổi, học tại trường trung học danh tiếng trực thuộc đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc kinh, những năm trung học cơ sở và trung học phổ thông. Cô cho rằng ngoài các lớp học ở trường thì thành tích ngoại khóa và các giải thưởng là rất quan trọng. "Bạn sẽ thấy mình phải cạnh tranh với những người khác trong mọi lĩnh vực" - Yang nói.

Hầu hết học sinh trong các trường ưu tú đều có xuất thân tốt. Ngoài cạnh tranh về điểm số và tài năng, một số phụ huynh còn sử dụng mối quan hệ xã hội để cho con thực tập trong các công ty lớn.

Giáo sư Yu Hai của Đại học Phục Đán cho biết: "Các bậc phụ huynh và toàn xã hội đang bị lôi kéo vào trò chơi điên rồ này bởi nó trở thành xu hướng chủ đạo. Có lẽ mọi người đều biết vấn đề là gì nhưng không ai có thể chống lại hiện tượng và tâm lý phổ biến này".

Hiệu ứng rạp hát trong ngành giáo dục

Guo Qian (tên đã được thay đổi), 43 tuổi nói về cuộc chạy đua trong giáo dục Trung Quốc hiện nay là hiệu ứng rạp hát. Trong rạp hát, khi người ngồi ở hàng ghế đầu đứng lên thì những người ngồi phía sau khả năng cao cũng làm vậy.

Con trai của Guo bắt đầu tham gia vào các lớp Olympic toán học khi đang học lớp 3. Điều này đến từ việc một bà mẹ nói trong nhóm chat phụ huynh nói: "Con cái chúng ta cần học lớp Olympic toán ngay để trở nên nổi trội hơn".

Lời nói này dường như 'khai sáng' cho Guo. Cô cho rằng nếu mọi đứa trẻ đều học sớm, cô không đưa con mình đi học thì đứa bé sẽ đứng cuối lớp khi lên trung học. Guo nói: "Mọi người đều cho con học trước, nếu tôi không cho con đi học sớm thì sẽ là kỳ quặc".

Trong thập kỷ qua, người Trung Quốc đã tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến nhiều hơn. Năm ngoái, tổng tỷ lệ nhập học vào đại học của học sinh là 54,4%. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ ở nước này ngày càng quyết tâm nuôi dưỡng con cái mình thông qua giáo dục bằng một cuộc chạy đua không hồi kết.

Nguyễn Dương (Theo ThinkChina)

Chủ đề khác