VnReview
Hà Nội

Lao động Trung Quốc "phát điên" vì bị giám sát, gục ngã và tự tử vì kiệt sức

Andy Wang, một kỹ sư Công nghệ thông tin tại một công ty game có trụ sở tại Thượng Hải, đã không ít lần cảm thấy tội lỗi khi làm công việc của mình.;

Hầu hết thời gian của Wang ở công ty dành cho một phần mềm giám sát có tên DiSanZhiYan, hay còn gọi là "Con mắt thứ ba". Phần mềm này được cài đặt trên máy tính xách tay của tất cả đồng nghiệp tại công ty với mục đích là để theo dõi mọi hoạt động xuất hiện trên màn hình máy tính theo thời gian thực của họ như duyệt web, chỉnh sửa tài liệu hay các cuộc trò chuyện cá nhân và đồng thời ghi nhận lại chúng. 

Bỏ việc vì bị giám sát

Mặc dù làm việc trong một tòa nhà cao tầng sang trọng ở trung tâm thành phố, nhưng hàng trăm nhân viên của công ty game này đều không cảm thấy thoải mái khi ngày nào cũng phải chịu sự kiểm soát như vậy. Trong thời gian làm việc, phần mềm DiSanZhiYan sẽ tự động gắn cờ các "hành vi đáng ngờ" của nhân viên nếu phát hiện họ truy cập vào các website, ứng dụng không liên quan đến công việc hoặc mang tính giải trí. Cuối mỗi tuần, sẽ có một "báo cáo hiệu quả công việc", trong đó tóm tắt thời gian sử dụng các trang web và ứng dụng bên ngoài của nhân viên trong giờ làm. 

"Các ông chủ sẽ kiểm tra các báo cáo thường xuyên. Đây cũng là tiêu chí mà họ căn cứ vào để đưa ra các quyết định thăng chức và tăng lương cho nhân viên. Và tất nhiên, có thưởng ắt có phạt, số liệu này còn có thể được sử dụng làm khi công ty muốn tìm cách sa thải ai đó", Wang cho biết. 

Ngay cả bản thân Wang cũng không được miễn trừ. Anh bị theo dõi bởi các camera giám sát có độ nét cao được lắp đặt xung quanh, cả trong văn phòng của anh. Wang nói rằng một nhân viên lễ tân sẽ đảm nhận việc kiểm tra cảnh quay mỗi ngày, chủ yếu là để theo dõi liệu xem có nhân viên nào nghỉ trưa quá thời gian cho phép hay không. 

Cuối cùng, sau hai năm, Wang đã bỏ việc. "Công việc này chẳng có ý nghĩa gì cả", Wang chia sẻ với Nikkei Asia"Chúng tôi không thể làm việc không ngừng nghỉ trong văn phòng. Chúng tôi cũng cần nghỉ ngơi"

Bị thuật toán kiểm soát

Ở Trung Quốc, "trào lưu" áp dụng công nghệ vào công việc ban đầu hứa hẹn rằng sẽ hỗ trợ người lao động ngày càng có một môi trường làm việc tốt và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, các công ty nước này dường như đã và đang lạm dụng quá mức các "công cụ nâng cao năng suất" của nhân viên văn phòng tương tự như phần mềm DiSanZhiYan. Họ tin rằng chúng sẽ giúp nhân viên có được hiệu quả làm việc tối đa khi những hoạt động giải trí, nghỉ ngơi đã được kiểm soát hoàn toàn. 

Trong đó, các hãng công nghệ Trung Quốc bị cáo buộc bóc lột lao động lao động nhiều nhất. Với việc phải liên tục chạy đua để cải tiến công nghệ, nhưng lại tồn tại trong một môi trường mà bảo hộ lao động yếu kém, nhiều nhân viên ở những công ty này đã trở nên kiệt quê sau một thời gian ngắn. Nhân viên làm việc tại các tập đoàn, công ty công nghệ danh tiếng hàng đầu Trung Quốc như Alibaba Group hay Meituan, cũng không nằm trong ngoại lệ.

Nếu ở Alibaba, công nhân kho hàng bị kiểm soát hàng ngày bằng các thuật toán công nghệ thì ở Meituan, đó là các nhân viên giao hàng. Vấn đề này hiện đang xuất hiện ở rất nhiều nơi khác và có chiều hướng ngày một tăng. Các phần mềm được đưa vào mọi công đoạn từ tuyển dụng, thiết lập mục tiêu đến đánh giá và sa thải. Chúng định lượng hành vi của người lao động bằng cách thu thập và phân tích khối lượng lớn dữ liệu cá nhân.

Một số học giả cảnh báo rằng sử dụng các phần mềm theo dõi quá mức là hành vi phi đạo đức, xâm phạm quyền riêng tư của nhân viên, tạo áp lực lớn và gây căng thẳng tinh thần cho họ. Về lâu dài, sẽ khiến họ cảm thấy mệt mỏi và không còn sự nhiệt huyết khi liên tục bị vắt kiệt sức. "Tôi cảm thấy mình ngày càng bận rộn hơn và có ít thời gian hơn cho bản thân", Wang thừa nhận. 

Ngoài các phần mềm giám sát, các nhân công trong hầu hết xưởng sản xuất đồ may mặc của Trung Quốc còn phải chịu đựng nhiều giờ làm việc khắc nghiệt mỗi ngày để hoàn thành được các chỉ tiêu do công nghệ phân tích dữ liệu đặt ra. Bên cạnh đó, việc các tập đoàn công nghệ hàng đầu đang mở rộng phạm vi cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực còn khiến nhiều nhân viên phải ở lại công ty để làm thêm ngoài giờ.

"Làm việc đến chết"

Pinduoduo là một trong những công ty được xem như "viên ngọc quý" của nền công nghệ Trung Quốc. Chỉ trong 5 năm, công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Thượng Hải, đã tăng lượng người sử dụng từ mức 0 lên 788 triệu hàng năm, vượt qua JD.com để trở thành công ty thương mại điện tử lớn thứ hai của Trung Quốc với giá trị thị trường là 175 tỷ USD, chỉ đứng sau Alibaba.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng đáng kinh ngạc của Pinduoduo đang khiến họ phải trả giá. Tháng 12 năm ngoái, một nữ nhân viên 22 tuổi tử vong sau khi ngã quỵ trên đường đi làm về lúc 1h30 sáng. Cô làm việc cho Duoduo Grocery, một đơn vị bán lẻ tạp hóa của công ty, có mặt tại hơn 300 thành phố của Trung Quốc. Hai tuần sau, Pinduoduo xác nhận một kỹ sư của họ đã nhảy lầu tự tử. Theo một cựu nhân viên từng làm việc tại đây, nạn nhân là một công nhân trẻ và vừa tốt nghiệp đại học. 

Trong cùng tháng đó, một nhân viên khác của Pinduoduo đã bị sa thải sau khi đăng ảnh đồng nghiệp phải rời khỏi văn phòng bằng cáng lên mạng xã hội. Người này đã đăng một video lên Weibo và nói rằng: "Tôi nghĩ rằng để biết được chuyện này, công ty đã theo dõi tôi bằng cách giám sát máy tính hoặc thông qua thông tin do Maimai cung cấp".

Tuy nhiên, Maimai, nền tảng được xem như LinkedIn phiên bản Trung Quốc, ngay sau đó làm rõ rằng họ không bao giờ chia sẻ thông tin người dùng cho các tổ chức bên thứ ba. 

Theo Nikkei, Pinduoduo tỏ ra thận trọng trong việc đưa ra các bình luận công khai liên quan đến văn hóa làm việc hay những vụ tử vong của nhân viên ở công ty. Hồi đầu năm nay, hãng đã tuyên bố rằng họ "vô cùng đau buồn" trước cái chết thương tâm của nữ nhân viên 22 tuổi nhưng lại từ chối bình luận thêm về vụ việc và các câu hỏi khác về quy chế lao động của công ty.

Không còn tự chủ

Nhiều cuộc tranh luận, phản đối và yêu cầu xóa bỏ văn hóa "996" bùng nổ trở lại trên các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng cũng nhanh chóng biến mất như trong quá khứ và không có bất cứ thay đổi nào xuất hiện. Thuật ngữ 996 phổ biến nhất ở các công ty công nghệ Trung Quốc có nghĩa là lao động từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần. Theo thời gian, nó đã ngầm trở thành một tiêu chuẩn làm việc tại các công ty nước này. 

"Các cải tiến công nghệ đang khiến cho người lao động ngày càng phải làm việc cật lực hơn, thay vì ngược lại. Đây hoàn toàn giống như những gì đã xảy ra trong cuộc Cách mạng Công nghiệp thế kỷ 18 và họ không có quyền tự chủ", quan điểm của Nick Srnicek, Giảng viên Kinh tế Kỹ thuật số tại Đại học King's College of London.

"Người lao động không thể bị thay thế bởi các thuật toán và trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng họ đang bị quản lý ngày một chặt chẽ bởi những công nghệ này"

Chí Tôn

Chủ đề khác