VnReview
Hà Nội

Khi thuật toán "bắt" bạn phải cười, theo dõi đến từng phút đi vệ sinh

Trong khi các phần mềm giám sát ngày càng gia tăng về số lượng lẫn cải tiến công nghệ, các quy định để bảo vệ người lao động và hạn chế sự phát triển của phần mềm giám sát vẫn còn ít ỏi.;

Sự "thờ ơ" của luật pháp

Theo Samuel Yang, luật sư chuyên về bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và an ninh mạng tại AnJie, Trung Quốc mới chỉ tiến hành soạn thảo những điều luật để ngăn chặn các công ty thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng, trong khi đó, có rất ít quy định được đưa ra nhằm bảo vệ quyền riêng tư của nhân viên hay người lao động. Yang cho biết: "Thách thức trong lập pháp là xác định loại giám sát công việc nào nên được coi là hợp lý và cần thiết".

Mặc dù là một trong những nước đi đầu trong việc sử dụng công nghệ để quản lý người lao động, nhưng Trung Quốc đang khai thác chúng sai cách. Tại hầu hết các quốc gia khác, giám sát nhân viên chỉ giới hạn trong vấn đề bảo vệ tài sản, các thông tin nội bộ công ty. 

Ở phương Tây, việc giám sát nhân viên trở nên phổ biến, nhưng chỉ xuất hiện trong thời gian làm việc từ xa và được kiểm soát chặt chẽ bằng luật pháp. Ngược lại, nhân viên Trung Quốc đang ngày càng bị giám sát ngày một thường xuyên và sát sao hơn, nhất là ở các công ty công nghệ, nhưng lại thiếu sự bảo vệ từ luật pháp. "Tốc độ của luật pháp chưa có thể bắt kịp với sự phát triển của công nghệ", Yang nói. 

Ai sẽ kiểm soát những công ty đang giám sát nhân viên?

Xếp hạng năng suất lao động

Sangfor Technologies là nhà cung cấp nền tảng giám sát trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này hiện cung cấp phần mềm cho hơn 50.000 khách hàng, trong đó có nhiều gã khổng lồ công nghệ như Alibaba, ByteDance, Sina Corp., Xiaomi hay ZTE.

Theo điều tra từ Nikkei, phần mềm giám sát của Sangfor có khả năng truy cập vào lịch sử duyệt web và ứng dụng trên thiết bị di động của nhân viên sau khi thiết bị này kết nối với Wi-Fi của công ty. Nó không cần người dùng phê duyệt trước và có thể tự động chặn các ứng dụng gây xao nhãng công việc như Douyin hay Weibo. 

Bên cạnh đó, hãng còn cung cấp hệ thống xếp hạng "người lao động kém hiệu quả" dựa trên thời gian họ dành cho các ứng dụng hay trang web được coi là không liên quan đến công việc. Phần mềm này còn có thể phân tích và đánh giá liệu xem nhân viên nào sẽ từ chức thông qua việc theo dõi hoạt động duyệt của họ trên các website tìm kiếm việc làm.

Không chỉ ở Trung Quốc, tại nhiều quốc gia khác, các thuật toán đang được sử dụng để đưa ra quyết định thay mặt con người, bao gồm việc ai được thuê, ai bị sa thải và ai được thăng chức. Vào năm 2019, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đã bị chỉ trích sau khi sa thải hàng trăm công nhân kho hàng bị hệ thống máy tính đánh giá là có năng suất thấp, theo báo cáo của The Verge

Hãy "cười" để được vào làm việc (ảnh: Canon)

Thao túng cả cảm xúc

Năm ngoái, một công ty con của Canon tại Bắc Kinh ép buộc các nhân viên phải tươi cười khi vào văn phòng, đặc biệt là khi gặp mặt với các đối tác, thông qua một công nghệ nhận dạng nụ cười có tên "hệ thống quản lý không gian làm việc mới". Canon cho biết rằng hệ thống này nhằm mang lại không gian vui vẻ hơn cho văn phòng trong thời kỳ hậu đại dịch.

Ngoài văn phòng tại Bắc Kinh, trong thời gian tới, hãng sản xuất máy ảnh dự định sẽ đưa phần mềm vào sử dụng cho các chi nhánh khác ở Singapore. Nhiều nhân viên cảm thấy việc Canon sử dụng công nghệ như vậy là xâm phạm riêng tư. "Giờ đây, công ty không chỉ thao túng thời gian mà còn cả cảm xúc của chúng tôi", một người dùng trên Weibo cho biết. 

Tuy nhiên, phát ngôn viên tại Trung Quốc của Canon nói với Nikkei rằng mục đích sử dụng phần mềm "kiểm soát nụ cười" là nhằm tạo ra một bầu không khí tích cực hơn khi làm việc. "Chúng tôi muốn khuyến khích các nhân viên cùng tạo ra một không gian làm việc vui vẻ, tích cực thông qua việc sử dụng hệ thống này", người phát ngôn cho biết. "Phần lớn nhân viên trong công ty đều ít khi tươi cười lúc gặp mặt đồng nghiệp, thường là do họ còn ngại ngùng, do đó, hệ thống sẽ giúp họ quen với việc luôn giữ một nụ cười trên môi"

Tính toán từng phút làm việc riêng

Zhongduantong, một công ty phần mềm có trụ sở tại Bắc Kinh, đã phát triển một ứng dụng di động theo dõi vị trí của nhân viên ở các thời điểm trong ngày. Phần mềm làm nhiệm vụ kiểm tra các địa điểm nhân viên di chuyển đến, yêu cầu tải lên hình ảnh xác thực môi trường xung quanh và sau đó gửi về công ty để làm bằng chứng.

Vào năm 2018, ứng dụng này đã khiến giám đốc bán hàng cho một công ty ở thành phố Thẩm Dương bị phạt 200 NDT (31 USD) vì dành thời gian nghỉ trưa để giải quyết chuyện riêng. 

Ứng dụng của Zhongduantong ghi lại các vị trí mà nhân viên đi đến trong ngày

Alan Li, một blogger chuyên viết về quyền lao động cho biết: "Đang có nhiều ứng dụng như vậy, chúng theo dõi vị trí của một nhân viên để xác định liệu xem họ có đang dành quá nhiều thời gian ở đó hay không. Một số công ty khác thậm chí sử dụng camera văn phòng để tính toán thời gian làm việc chính xác của nhân viên".

Vì là giám đốc sản phẩm một trong những công ty Internet hàng đầu Trung Quốc, Li còn biết loại thông tin này đem lại cho doanh nghiệp lợi thế lớn khi giải quyết tranh chấp lao động. 

"Đối với những người làm trong ngành công nghiệp Internet, mối quan hệ của họ với công ty cũng bất bình đẳng như mối quan hệ giữa shipper và các nền tảng giao đồ ăn. Những quy định bảo vệ quyền lợi cho nhân viên công nghệ chẳng tốt hơn shipper là bao, bọn họ luôn yếu thế trong các tranh chấp lao động", ông nói thêm. 

Đi vệ sinh cũng bị "soi"

Một trong những trường hợp áp dụng công nghệ để kiểm soát nhân viên từng gây ra tranh cãi nhất là của Kuaishou Technology. Nền tảng chia sẻ video ngắn này đã vướng phải chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng mạng vì lắp cảm biến từ xa và đồng hồ đếm ngược trong nhà vệ sinh văn phòng.

Trước sự phản ứng dữ dội của dư luận, hãng phải phân trần rằng bộ hẹn giờ là cài đặt thử nghiệm và đã bị gỡ bỏ. Không chỉ Kuaishou, Alibaba cũng phát triển một hệ thống nhà vệ sinh thông minh kết nối Internet và đầu dò hồng ngoại nhằm theo dõi và kiểm tra liệu xem nhân viên đó có thực sự đi vệ sinh hay không. 

Trong một trường hợp khác, định vị của phần mềm Zhongduantong chính xác đến mức, một nhân viên ở tỉnh Sơn Tây bị phạt vì duyệt Weibo trong 10 phút khi đi vệ sinh, theo báo cáo của Tân Hoa Xã.

Chí Tôn

Chủ đề khác