VnReview
Hà Nội

Rượu vang Trung Quốc tham vọng sánh ngang với vang Bordeaux của Pháp

Sau khi chứng kiến sản lượng rượu vang xuất khẩu tăng vọt và chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm ngoái, Trung Quốc muốn biến vùng sản xuất rượu chính của mình là Ninh Hạ thành một miền đất sản xuất rượu vang, cạnh tranh với Bordeaux của Pháp.

Theo kế hoạch mà chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt vào cuối tháng 5, đến năm 2035, khu vực dãy núi Helan của Ninh Hạ đặt mục tiêu sản xuất 600 triệu chai rượu vang trị giá 20 tỷ nhân dân tệ (3,12 tỷ USD). Khu vực này nằm dọc theo sông Hoàng Hà cách Bắc Kinh khoảng hai giờ bay về phía tây và nằm ở vĩ độ tương tự với vĩ độ của quốc gia rượu vang nổi tiếng của Pháp.

"Nếu mục tiêu này có thể đạt được, chân núi phía đông của dãy núi Helan sẽ trở thành một khu vực sản xuất quan trọng và có ảnh hưởng quốc tế, với quy mô tương đương với Bordeaux", Sui Pengfei, Giám đốc hợp tác quốc tế tại Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nói với các phóng viên tuần trước.

Ninh Hạ chỉ là một trong số các khu vực sản xuất rượu vang ở Trung Quốc, nhưng chân núi phía đông của dãy núi Helan nơi đây có nhiều loại nho khác nhau ngang với Bordeaux hoặc Thung lũng Napa ở Mỹ, và chiếm phần lớn sản lượng rượu vang trong nước.

Ngay cả khi mục tiêu sản lượng đặt ra trong 15 năm tới cao hơn gấp bốn lần sản lượng rượu hàng năm của Ninh Hạ, thì những con số này gần như tương xứng với thủ đô rượu vang của Pháp.

Bordeaux đã sản xuất 522 triệu chai trị giá 3,5 tỷ euro (4,16 tỷ USD) vào năm ngoái, theo một tập đoàn công nghiệp của Pháp.

Giống như nhiều kế hoạch cấp cao khác của Trung Quốc, kế hoạch rượu vang đang khá mơ hồ về chi tiết thực hiện. Thay vào đó, bản kế hoạch chỉ mới đưa ra một khuôn khổ phát triển, bao gồm nâng cao kiến ​​thức sản xuất rượu địa phương và bảo tồn sinh thái cho rượu vang của Trung Quốc "hội nhập với thế giới".

Năm ngoái, trong đại dịch COVID-19, cơ quan hải quan địa phương cho biết xuất khẩu rượu vang của Ninh Hạ đã tăng 46,4% lên 2,65 triệu nhân dân tệ (khoảng 414.100 USD). Các điểm đến chính bao gồm Mỹ, Liên minh Châu Âu, Úc và Nhật Bản.

Nhà máy rượu Xige Estate có trụ sở tại Ninh Hạ đã xuất khẩu một số rượu sang Canada vào năm ngoái, người sáng lập Zhang Yanzhi cho biết.

Công ty của ông bắt đầu xuất khẩu sang Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hồng Kông và Pháp với số lượng nhỏ trong năm nay, ông cho biết thêm cũng có kế hoạch thâm nhập thị trường Mỹ. Tuy nhiên, ông có kế hoạch tập trung vào thị trường Trung Quốc, xuất khẩu chỉ chiếm 10% đến 20% sản lượng trong dài hạn.

Trung Quốc đứng thứ sáu về tiêu thụ rượu vang toàn cầu và thứ mười về sản lượng tính theo lít, theo một báo cáo hàng năm được công bố vào tháng 4 của Tổ chức Rượu vang và Nho quốc tế.

Báo cáo lưu ý rằng sản lượng và tiêu thụ rượu của Trung Quốc đã giảm trong vài năm qua, có thể do điều kiện khí hậu khó khăn và năng suất thấp. Các vấn đề này "đang làm cho ngành công nghiệp rượu Trung Quốc kém cạnh tranh hơn so với rượu nhập khẩu", các tác giả viết.

Nguồn rượu vang nhập khẩu từ Úc giảm mạnh

Động thái thúc đẩy phát triển hơn nữa các vườn nho ở Ninh Hạ của chính phủ Trung Quốc diễn ra khi quan hệ của Trung Quốc với Úc xấu đi.

Quốc gia này là nguồn cung cấp rượu ngoại lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2020, cao hơn một chút so với Pháp, nhưng các mức thuế Trung Quốc áp đặt hồi tháng 3 về cơ bản đã ngăn chặn nguồn nhập khẩu rượu vang từ Úc.

Trước tình cảnh Trung Quốc áp đặt các mức thuế, ông Tony Battaglene, Giám đốc điều hành Australian Grape and Wine, một tổ chức công nghiệp, cho biết mặc dù các nhà sản xuất Úc đã tìm được người mua mới ở Anh, Mỹ và Đông Nam Á, song có lẽ sẽ mất ba hoặc bốn năm mới có thể phục hồi các khoản lỗ - và không phải tất cả trong số khoảng 1.000 nhà xuất khẩu rượu của Australia vốn tập trung vào thị trường Trung Quốc sẽ tồn tại.;

Ông cho biết các doanh nghiệp Australia vẫn hy vọng tái gia nhập thị trường Trung Quốc khi thuế quan sẽ hết hạn sau 5 năm nữa và các chuyên gia rượu vang Australia có thể giúp các nhà sản xuất Trung Quốc giải quyết những vấn đề liên quan đến khí hậu mà cả hai đều phải đối mặt.

Thị trường nội địa ưa rượu mạnh

Theo CNBC, tại thị trường nội địa Trung Quốc, các nhà sản xuất địa phương vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ rượu vang chất lượng cao với giá thấp. Trong khi đó, trên bình diện quốc tế, các nhà sản xuất Trung Quốc "còn một chặng đường dài trước khi trở thành một nhà xuất khẩu lớn".

Do giảm sút nhập khẩu rượu vang Australia, lượng rượu nhập khẩu vào Trung Quốc từ Chile và Pháp đang tăng lên. Sự chú trọng của chính phủ đối với ngành công nghiệp rượu vang của Ninh Hạ có thể sẽ giúp các vườn nho có được nguồn tài chính, vì họ sẽ không bị coi là doanh nghiệp nông nghiệp đơn thuần.

Ngoài ra, việc thúc đẩy sản xuất rượu vang tại Ninh Hạ cũng thu hút sự chú ý, giúp thúc đẩy du lịch trong nước. Một chủ khách sạn ở đây cho biết 22 phòng khách của anh có giá 1.200 nhân dân tệ (tương đương 188 USD) một đêm đã được bán hết vào mỗi cuối tuần kể từ đầu tháng Năm.

Ngoài sự phổ biến của các thương hiệu nước ngoài, một trong những thách thức lớn hơn đối với ngành rượu của Trung Quốc là sở thích của người dân địa phương đối với loại rượu mạnh, được gọi là baijiu (Bạch Tửu - Rượu Trắng). Rượu là một đồ uống chính trong các bữa ăn tối của chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc, và Kweichow Moutai, là một trong những thương hiệu rượu mạnh có cổ phiếu được giao dịch công khai lớn nhất ở Trung Quốc đại lục.

Nếu rượu vang có thể rẻ như rượu baijiu, hoặc giá khoảng 40 nhân dân tệ (6,20 USD~145 nghìn đồng) cho một vài loại, sẽ có nhiều người sử dụng rượu vang hơn. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp cho rằng "người Trung Quốc cần "uống ít rượu baijiu hơn, và uống nhiều rượu vang hơn".

Hoàng Lan

Chủ đề khác