VnReview
Hà Nội

Trung - Hàn "khẩu chiến" đặc trưng văn hóa: từ ẩm thực cho tới trang phục

Từ lâu, mối quan hệ văn hóa giữa Trung Quốc và Hàn Quốc không có tiến triển tốt. Những cuộc tranh cãi bắt đầu nổ ra từ hơn 30 năm trước và vẫn kéo dài cho đến ngày nay.

Thể loại phim siêu nhiên từ lâu đã trở nên quen thuộc với khán giả đại chúng. Tại Hàn Quốc, những bộ phim này thường có nội dung về zombie (xác sống) và lấy bối cảnh một triều đại trung cổ.

Tháng 3 vừa qua, bộ phim Joseon Exorcist (tựa Việt: Pháp sư trừ tà Triều Tiên) về đề tài siêu nhiên xác sống đã được ra mắt khán giả. Tuy nhiên, tác phẩm vướng loạt lùm xùm lịch sử văn hóa nghiêm trọng đến mức phải ngừng phát sóng vô thời hạn khi chỉ vừa khởi chiếu 2 tập phim.

Những món ăn Trung Quốc xuất hiện từ thời;Joseon khiến cư dân mạng Hàn Quốc dậy sóng

Ngay tập 1 Joseon Exorcist, sự xuất hiện của nhiều món ăn Trung Quốc như bánh trung thu, bánh bao, rượu,... hay khung cảnh ngôi nhà mang phong cách Trung Quốc khiến khán giả xứ kim chi phản ứng dữ dội. Cho rằng phân đoạn phim trên đang xuyên tạc lịch sử Hàn Quốc. Điều này khiến cho gần 20 nhà tài trợ quyết định rút khỏi dự án phim.

Tờ Economist cho biết, bộ phim Joseon Exorcist chỉ là một trong số những sự kiện rắc rối liên quan đến văn hóa Hàn – Trung thời gian gần đây. Nhiều tháng qua, cư dân mạng Hàn Quốc đã liên tục phản đối sự hiện diện "quá mức" của các nhãn hàng Trung Quốc trên sóng truyền hình, buộc một số diễn viên và nhà đài lên tiếng xin lỗi.

Họ thậm chí còn phẫn nộ hơn khi đại diện truyền thông của chính phủ Trung Quốc tuyên bố, những nét đặc trưng thuộc văn hóa Hàn Quốc như kim chi, samgyetang (món súp gà nhân sâm), bộ trang phục truyền thống hanbok, trên thực tế đều đến từ... Trung Quốc.

Tháng 4 vừa qua, gần 700.000 người Hàn Quốc đã ký tên vào bản kiến nghị yêu cầu chính phủ không "giao đất cho Trung Quốc", thông qua hình thức cấp phép xây dựng một khách sạn và công viên văn hóa theo chủ đề Trung Quốc ở tỉnh Gangwon, miền đông bắc Hàn Quốc. Đáp lại thỉnh cầu này, các nhà hoạch định đã hủy bỏ dự án.

Cư dân mạng Trung Quốc cho rằng văn hóa nước họ bị Hàn Quốc "sao chép" và "ăn cắp"

Từ lâu, Hàn Quốc và Trung Quốc đã có những quan điểm xung đột khi nhắc đến nhau. Trong lịch sử phong kiến, Hàn Quốc từng là nước chư hầu và tiến cống cho các triều đại Trung Quốc. Người dân Hàn Quốc cảm thấy không vui về điều này, cộng thêm việc quân đội Trung Quốc từng tàn sát người Hàn trong Chiến tranh Triều Tiên nhằm giải cứu chế độ chuyên chế ở Bắc Triều.

Về sau, nhiều người Hàn Quốc hạ thấp Trung Quốc, cho rằng quốc gia này chuyên quyền và lạc hậu, tuy vậy họ không thể phủ nhận những tác động của nước bạn lên sự thành công của nền kinh tế trong nước.

Ngược lại, một bộ phận người Trung Quốc cho rằng nền văn hóa Hàn Quốc bắt nguồn từ nước họ và điều đó đôi khi cần phải được đặt đúng vị trí. "Người Hàn Quốc tin rằng nền văn hóa của mình độc nhất và không liên quan đến Trung Quốc, trong khi Trung Quốc nghĩ ngược lại, rằng Hàn Quốc đã vay mượn nền văn hóa từ họ", giáo sư Lee Moon-ki tại Đại học Sejong, Seoul cho biết.

Hàn Quốc vốn nổi tiếng với kim chi, nhưng Trung Quốc cho rằng thực chất món ăn này bắt nguồn từ nước họ

Vào năm 1992, khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, những căng thẳng này đã bắt đầu phát sinh, mà phần lớn đến từ cách tiếp cận lịch sử khác nhau giữa đôi bên.

Một đài tưởng niệm của Trung Quốc tri ân những người lính hy sinh trong cuộc chiến tranh Triều Tiên là khởi nguồn cho những tranh cãi vào những năm 1990. Mười năm sau, một vụ việc ồn ào khác tiếp tục nổ ra khi Trung Quốc công bố tìm thấy một vương triều cổ đại nằm giữa biên giới Trung – Hàn ngày nay.

Người Hàn Quốc coi rằng đó là một nỗ lực nhằm chỉnh sửa lại lịch sử của nước họ từ phía Trung Quốc. Hai quốc gia giờ đây đang trượt vào một cuộc đọ sức dài hơi, mà lần này những luận điểm tranh cãi sẽ được lan truyền mạnh mẽ hơn trên các phương tiện truyền thông số.

Phía Hàn Quốc cho rằng, chính sách của giới chức Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán và tham vọng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "không ngừng đề cập đến Giấc mơ Trung Quốc về việc tìm lại những vinh quang trong quá khứ sau 100 năm đau thương", ông Lee cho biết.

Giáo sư Min Kwi-sik từ Đại học Hanyang cho rằng cách truyền tải và giáo dục của giới chức Trung Quốc đã khuyến khích người dân lặp đi lặp lại những tuyên bố độc hại, chẳng hạn như Trung Quốc đã phát minh ra món kim chi. Món ăn được coi là đặc trưng xứ Hàn.

Thông qua sự tương tác trên mạng xã hội, đây là nơi tuyệt vời để truyền bá những thông tin xung đột và chôn vùi các giải pháp, ông Min cho biết. Kể cả những tư tưởng của một bộ phận thiểu số cũng có thể lan truyền trên Internet. Ví dụ mới đây, cư dân mạng Hàn Quốc và Trung Quốc đã "khẩu chiến" về nguồn gốc trang phục truyền thống hanbok. Phía Trung Quốc cho rằng nó bắt nguồn từ bộ hanfu của nước họ.

Về phần mình, Trung Quốc từng phát động một cuộc tẩy chay kinh tế vào năm 2017, nhằm đáp trả việc Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ THAAD. Khi đó, hoạt động của hàng loạt tập đoàn lớn của Hàn Quốc tại Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn, đến mức phải cầu cứu chính phủ Hàn Quốc. Một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bao gồm Lotte, Kia, Hyundai và Orion.   

Giáo sư Shin Gi-wook từ Đại học Stanford cho rằng qua những sự việc như vậy, Hàn Quốc đã rút ra một  bài học rằng "Trung Quốc thật sự là một cường quốc hung hãn".

Nhắc đến Trung Quốc, nhiều người trẻ Hàn Quốc cho biết họ không quá ấn tượng về quốc gia này, đặc biệt là khi so sánh với các nước láng giềng khác hay Mỹ. "Giới trẻ ở đây không biết nhiều về Trung Quốc như Mỹ, vì vậy họ ít có thái độ phân biệt giữa đất nước, người dân và chính phủ", Kim Woo-jin, 25 tuổi từ Seoul cho biết.

Hiện tại, vấn đề mâu thuẫn chỉ dừng lại ở lĩnh vực văn hóa ẩm thực và truyền hình. Những quan điểm trái chiều hầu như không ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao được chính phủ Hàn Quốc xúc tiến cẩn trọng khi xem Trung Quốc là đối tác chiến lược, trong khi vẫn nhấn mạnh vai trò trung tâm của liên minh an ninh với Mỹ.

Ngay cả khi các quan chức Trung Quốc làm dậy sóng về những phát ngôn về nguồn gốc của kim chi, các chủ cửa hàng và nhà hàng người Hoa cho biết không gặp khó khăn trong việc kinh doanh, mua bán. Hai năm trước, Hàn Quốc từng nổi lên làn sóng tẩy chay các thương hiệu Nhật Bản và nhiều hàng quán bán đồ Nhật.

Ngọc Diệp (Theo Economist)

Chủ đề khác