VnReview
Hà Nội

Trung Quốc: Mặc váy đi học, bố mẹ đồng ý nhưng nhà trường nói "không"!

Cậu bé 7 tuổi Lele thích mặc váy. Bố mẹ cậu cũng chấp thuận theo lựa chọn quần áo của con trai. Vì vậy, khi cậu bé muốn mặc bộ trang phục đó đến trường học ở Bắc Kinh, họ đã ủng hộ, dù có cảnh báo con: "Con sẽ bị mọi người chú ý đấy".

Bố mẹ cậu bé đã đúng. Bạn bè của Lele đã chế nhạo cậu, thậm chí đi xa đến mức tốc váy của cậu lên. Các giáo viên chỉ đổ lỗi cho cậu bé vì đã mặc "quần áo không phù hợp".

Cha của cậu bé, một người họ Tang, cho biết cả hai bố mẹ đã ngồi với Lele - tên gọi ở nhà của cậu bé - sau khi cậu kể lại những gì đã xảy ra ở trường. Người cha cho biết cậu đã khóc khi kể lại những trải nghiệm đó.

"Thầy cô giáo có ý kiến ​​khác. Chúng ta cũng nên tôn trọng thầy cô", ông Tang nói với Lele. Cậu bé muốn mặc váy vì hôm đó trời nóng.

Tang đã chia sẻ trải nghiệm của Lele lên nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc vào cuối tuần qua, cùng với một số ảnh. Những bức ảnh bao gồm hình Lele đang mặc thử chiếc váy màu xanh lam tại trung tâm mua sắm, hình cậu đợi để lấy váy tại quầy thu ngân, và cuối cùng, hình cậu bé mặc chiếc váy đến trường, đeo ba lô và khẩu trang.

"Là một người cha, tôi thực sự có nhiều cảm xúc lẫn lộn khi thấy con trai mình chọn váy! Nhưng dường như không có lý do gì để phản đối", Tang viết trong một bài đăng sau đó đã lan truyền, thu hút lượt xem từ hàng nghìn người dùng mạng xã hội.

Bài viết của Tang đã lan nhanh, hashtag #canmaleswearskirts nổi bật với lượng người xem khủng lên đến 7 triệu, trong đó nhiều nam giới ở Trung Quốc đã đăng ảnh họ mặc váy.

Tang cho biết anh không hy vọng bài đăng của mình sẽ có lượng lớn người xem, nhưng nói thêm rằng có nhiều phản ứng tích cực, chủ yếu là khích lệ. Anh ấy cũng nói rằng anh ấy sẽ tiếp tục cho phép Lele mặc váy, mặc dù không đến trường theo đúng nhận xét của giáo viên.

"Tại sao cậu bé lại mặc váy đến trường? Các học sinh khác bàn tán về điều đó", giáo viên nói với Tang qua ứng dụng nhắn tin WeChat, ảnh chụp màn hình được anh chia sẻ trong bài đăng của mình.

Bài đăng của Tang đã kích ngòi cho một làn sóng thảo luận trực tuyến về bản dạng giới và cách nuôi dạy con cái. Trong khi nhiều người ủng hộ sự lựa chọn quần áo của Lele, một số người lại cho rằng cha mẹ khiến con trai họ bị bắt nạt một cách không cần thiết, một vấn đề phổ biến ở các trường học ở Trung Quốc.

"Đứa trẻ không biết điều gì có thể mang lại nguy hiểm cho chính mình. Liệu cậu bé có đủ sức chống chọi với áp lực đó không?" một người bình luận, tự nhận mình là nhà nghiên cứu về bà mẹ và trẻ em.

"Đặt đứa trẻ vào một vị trí cực kỳ dễ bị tổn thương mà không hiểu về nguy cơ tiềm ẩn thật là vô trách nhiệm!" một người dùng khác viết thêm.

Tuy nhiên, các chuyên gia về giới tính và tình dục như Se-A, người sáng lập nhóm vận động giáo dục giới tính MayLove, tin rằng người lớn không nên áp đặt những định kiến ​​về giới lên trẻ em, bao gồm tất cả mọi thứ từ việc chúng chọn mặc gì cho đến những công việc gia đình mà cha mẹ yêu cầu chúng thực hiện. Cô ấy nói rằng bài đăng của Tang giúp "nâng cao tinh thần".

Se-A nói với trang Sixth Tone: "Chúng ta không nên sử dụng giới tính như một kiểu nhãn hiệu để quy định những gì trẻ có thể và không thể làm, và cần cho trẻ tự do khám phá khả năng của bản thân hơn".

Trong những năm gần đây, nhiều quan điểm về giới tính và tình dục trong giới trẻ Trung Quốc đang dần thay đổi. Nhiều nam giới nổi tiếng ngày càng xóa nhòa ranh giới khi bác bỏ quan niệm truyền thống về thế nào là đàn ông, đến nỗi họ nhận được biệt danh là "little fresh meat" - một biệt danh chỉ những người đàn ông có nét thanh tú và gần như nữ tính.

Hashtag #canmaleswearskirts cho thấy công dân Trung Quốc đang dần thúc đẩy sự bình đẳng giới tính. Nhóm nhạc nam BTS đang được yêu thích của Hàn Quốc cũng đặc biệt được biết đến với những bộ trang phục mang tính thử nghiệm. Những người nổi tiếng Trung Quốc cũng không kém cạnh. Zhou Zhennan, thành viên của nhóm nhạc C-pop r1se, đã xuất hiện trên tạp chí Elle Trung Quốc cách đây không lâu, và cuối cùng, các thần tượng như Wang Yibo, Cai Xukun và đại sứ Gucci Lu Han đều diện váy thể thao.

Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy những người bình thường cũng đang ngày càng đón nhận các xu hướng thời trang và không phân biệt giới tính. Ngày càng có nhiều phụ nữ chọn mặc vest - thường được coi là trang phục nam - trong khi nam giới lại mua các sản phẩm làm đẹp và mỹ phẩm.

Tuy nhiên, mô hình này đang làm dấy lên mối lo ngại đối với các bộ phận xã hội bảo thủ hơn. Cơ quan giáo dục hàng đầu của Trung Quốc quan tâm đến xu hướng này đến mức đã đề xuất chương trình giảng dạy có tiết học để trau dồi nam tính, điều mà các chuyên gia cảnh báo sẽ chỉ củng cố định kiến ​​và khuyến khích nạn bắt nạt.

"Bị bắt nạt vì sự khác biệt, trong khi đó không phải là lỗi của họ", Se-A nói. "Điều chúng ta nên làm là can thiệp khi xảy ra bắt nạt và quan tâm chăm sóc, thay vì ngăn cấm sự khác biệt".

Trong khi đó, Tang quyết tâm nuôi dạy con trai mình hiểu được sự đa dạng của thế giới xung quanh. Anh có kế hoạch dạy Lele trở nên đồng cảm hơn với người khác và ủng hộ con quyết định mặc bất cứ thứ gì cậu bé muốn.

Tang nói: "Tôi chỉ hy vọng chúng ta có thể cởi mở hơn với con cái của mình, bất kể đó có liên quan đến vấn đề giới tính hay không".

Đối với anh ấy, Lele đã là "một chiến binh".

Sự việc về cậu bé Lele cho thấy dù các quan điểm khuôn mẫu vẫn chưa bị lật đổ, song các chuẩn mực giới ít nhất cũng đang được khám phá. Và, nếu nhìn vào Thế hệ Z và những người tiêu dùng trẻ hơn, những người nói chung ít quan tâm đến việc tuân thủ các vai trò xã hội cứng nhắc, thập kỷ tới có thể sẽ mang đến một xã hội thay đổi hoàn toàn khi cá nhân có quyền tự do lựa chọn. Có lẽ Trung Quốc đã sẵn sàng thách thức điều cấm kỵ khó hiểu nhất của thời trang.

Hoàng Lan

Chủ đề khác