VnReview
Hà Nội

Giới trẻ Trung Quốc chọn “nằm thẳng” và chính phủ không thích điều này

Giới trẻ ở Trung Quốc đã khởi xướng một phong trào phản văn hóa ở quy mô nhỏ, họ "nằm thẳng" và chẳng cần làm việc quá nhiều. Do công việc quá căng thẳng, Quốc Kiện Long, 44 tuổi, đã quyết định bỏ việc tại một tờ báo ở Bắc Kinh và chuyển về sống ở một vùng núi để được "nằm thẳng".

Quốc Kiện Long đã gia nhập vào số ít những người thành thị ở Trung Quốc đang khiến chỉnh phủ nước này chú ý. Vì họ muốn từ bỏ những công việc căng thẳng để đổi lấy "một cuộc sống có nhu cầu thấp hơn". Điều này hoàn toàn trái ngược với thông điệp thành công và chủ nghĩa tiêu dùng được Trung Quốc đưa ra trong Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Kiện Long chuyển sang hành nghề viết lách tự do tại thành phố Đại Lý, tỉnh Vân Nam, nơi nổi tiếng với những kiến trúc truyền thống đẹp như tranh vẽ. "Công việc trước đây ổn nhưng tôi không thích nó", anh Long cho biết. "Đừng chỉ nhìn vào tiền bạc, làm những việc mình muốn có gì sai cơ chứ?"

Quốc Kiện Long nằm đọc sách tại căn hộ của mình ở Vân Nam (Ảnh: AP)

5 năm trước, La Hoa Trung, 31 tuổi, nhận ra rằng bản thân thích việc không làm gì. Anh bỏ công việc ở một nhà máy, chạy xe 2.000 km từ tỉnh Tứ Xuyên để đến Tây Tạng. Anh làm những công việc lặt vặt và trích khoảng 1,3 triệu đồng tiền tiết kiệm để sử dụng hàng tháng. Hoa Trung gọi lối sống mới này là "nằm thẳng".

"Tôi đang rất thoải mái. Tôi cảm thấy sống như vậy không có gì sai trái cả", anh chia sẻ trong một bài blog hồi tháng 4 với tựa đề "Nằm thẳng là công lý". Không lâu sau đó, bài viết đã nhận được sự hưởng ứng từ giới trẻ Trung Quốc như một tuyên ngôn chống chủ nghĩa tiêu dùng. "Nằm thẳng" trở nên nổi tiếng và từ đó trở thành một tuyên bố rõ ràng hơn về xã hội Trung Quốc.

"Nằm thẳng";là một "phong trào phản kháng" non trẻ trước "vòng xoáy khốc liệt" của người Trung Quốc, từ áp lực học tập ở trường cho đến những giờ làm việc căng thẳng tưởng chừng như vô tận, nhà văn Liêu Tăng Hồ viết trên tạp chí Tài Tân, tạp chí kinh doanh nổi tiếng nhất Trung Quốc.

"Trong xã hội ngày nay, mọi hoạt động của chúng ta đều bị giám sát, mọi hành động đều bị chỉ trích", tác giả Hồ viết. "Có hành động nào nổi loạn hơn việc chỉ đơn giản là ‘nằm thẳng'?"

Trong nhiều thế hệ, con đường đi đến thành công của người Trung Quốc là làm việc chăm chỉ, kết hôn và sinh con. Sự lãnh đạo của chính phủ đã giúp người dân thoát khỏi nghèo đói. Nhưng đổi lại, lực lượng lao động phải làm việc nhiều giờ hơn, chi phí sinh hoạt tăng nhanh hơn tiền lương, và từ đó nhưng người trẻ ở Trung Quốc nảy sinh tâm lý lo sợ rằng họ là thế hệ đầu tiên kém cỏi hơn thế hệ của bố mẹ mình. Giờ đây, họ thách thức sự thịnh vượng lâu dài của đất nước bằng cách từ chối tham gia vào công cuộc đó.

La Hoa Trung cho biết "nằm thẳng" giúp anh sống tối giản và có thể "suy nghĩ và biểu đạt thoải mái" (Ảnh: The New York Times)

Hiện chưa rõ có bao nhiêu người đã từ bỏ công việc hay chuyển đi khỏi những thành phố đông đúc. Phỏng vấn nhanh ở ga tàu điện ngầm tại Bắc Kinh và Thượng Hải vào giờ cao điểm cho thấy hầu hết giới trẻ Trung Quốc đều có được công việc tốt đối với bản thân họ.

Dù vậy, chính phủ Trung Quốc đang tìm cách hạn chế "phong trào" này. Vì Trung Quốc cần nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển công nghệ và các ngành công nghiệp khác. Dân số Trung Quốc đang già đi và nhóm người trong độ tuổi lao động đã giảm đi khoảng 5% so với mức đỉnh vào năm 2011.

Bài viết của Hoa Trung đã bị kiểm duyệt viên xóa vì đi ngược lại tham vọng phát triển kinh tế của đất nước, hàng loạt hội nhóm liên quan đến phòng trào "nằm thẳng" trên mạng xã hội Trung Quốc với hàng nghìn thành viên cũng biến mất. Một số biện pháp tuyên truyền cũng được sử dụng để khuyến khích người trẻ làm việc chăm chỉ vì tương lai của đất nước.

"Bản thân việc vượt qua khó khăn là một loại hạnh phúc", tờ Nam Phương Nhật báo viết trong một bài bình luận. "Lựa chọn ‘nằm thẳng' trước áp lực không chỉ sai trái mà còn đáng hổ thẹn".

Một dấu hiệu khác cho thấy sự nhạy cảm chính trị của phong trào "nằm thẳng" thể hiện qua việc bốn giáo sư người Trung Quốc đã từ chối trả lời báo chí nước ngoài về vấn đề này. Và một dấu hiệu khác nữa thể hiện sự không hài lòng của chính phủ Trung Quốc là: áo thun, ốp điện thoại và các sản phẩm khác có in thông điệp "nằm thẳng" đều biến mất khỏi các nền tảng bán hàng trực tuyến.

Người dân đạp xe qua một giao lộ ở Bắc Kinh (Ảnh: AP/Mark Schiefelbein)

"Nằm thẳng" có nghĩa là không cần kết hôn, không cần sinh con, không cần việc làm và không cần những vật chất như nhà cửa, xe hơi. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì mà giới lãnh đạo Trung Quốc mong muốn. Xu hướng này giống với những xu hướng tương tự từng xuất hiện ở Nhật Bản và một số quốc gia khác. Những người trẻ tuổi dần có lối sống phi vật chất để đối phó với thị trường việc làm ảm đạm và sự cạnh tranh gay gắt để thu hẹp giá trị kinh tế.

Dữ liệu chính thức cho thấy sản lượng kinh tế bình quân trên đầu người của Trung Quốc tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, nhưng nhiều người cho rằng phần lớn lợi nhuận về tay của các tập đoàn lớn và doanh nghiệp nhà nước. Các nhân công lành nghề cho biết thu nhập của họ không bắt kịp sự tăng vọt của chi phí nhà ở, chăm sóc con cái và các khoản chi phí khác.

Dù phần lớn thế hệ Gen Y ở Trung Quốc vẫn tiếp tục nỗ lực làm việc, "nằm thẳng" vừa phản ánh một phong trào phản văn hóa non trẻ, vừa thể hiện phản ứng dữ dội đối với một môi trường làm việc siêu cạnh tranh ở Trung Quốc.

Lực lượng lao động ở các thành phố lớn than phiền về việc giờ làm đã tăng lên theo chế độ "996", hay 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần. "Chúng tôi cứ ngỡ rằng chế độ nô lệ đã biến mất. Thực tế, nó chỉ thích nghi với kỷ nguyên kinh tế mới", một người phụ nữ có tài khoản "Mưa đá mùa hè" bình luận trên mạng xã hội Douban.

Một số sinh viên ưu tú đã tốt nghiệp đại học ở độ tuổi 2x, là những người có triển vọng việc làm tốt nhất, cũng cho rằng họ đã kiệt sức vì "địa ngục thi cử" trong trường trung học và đại học. Họ thấy việc hy sinh không còn mang lại lợi ích gì.

"Theo đuổi tiền tài và danh vọng không khiến tôi hứng thú. Tôi đã quá mệt mỏi rồi", Trác Tường Vũ - 25 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học - cho biết.

Một số chuyên gia cũng thu hẹp sự nghiệp của họ lại, điều này sẽ khiến kinh nghiệm lâu năm của những người này bị loại bỏ khỏi lĩnh vực nghề nghiệp đó.

Từ Đôn Cảnh, một chuyên viên quản lý nhân sự tại Thượng Hải, cho biết cô chuẩn bị nghỉ việc ở năm 45 tuổi, thấp hơn 10 năm trước tuổi nghỉ hưu tối thiểu dành cho phụ nữ theo quy định. Cô muốn chuyển đến sinh sống ở quê chồng, tại Croatia.

"Tôi muốn nghỉ hưu sớm. Tôi không muốn phải vật lộn nữa. Tôi sẽ chuyển đến nơi khác", cô Cảnh nói.

Giáo sư Tường Tiêu, ngành nhân học xã hội chuyên về xã hội Trung Quốc tại ĐH Oxford, gọi "nằm thẳng" là một bước ngoặc của văn hóa Trung Quốc. "Người trẻ cảm thấy có một áp lực mà họ không thể giải thích được và họ cảm thấy như mình bị thất hứa", ông nói. "Người ta nhận ra rằng cải thiện của cải vật chất không còn là nguồn sống quan trọng và duy nhất của họ nữa".

Người đi bộ bằng qua một con phố tại Bắc Kinh (Ảnh: AP/Mark Schiefelbein)

Hồi tháng 5, hàng nghìn người đã bày tỏ thất vọng trên mạng xã hội sau khi chính phủ Trung Quốc thông báo cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ ba thay vì hạn chế như trước. Trung Quốc đã áp dụng biện pháp hạn chế sinh con từ năm 1980 để kìm hãm tốc độ gia tăng dân số. Tuy nhiên, với sản lượng kinh tế bình quân đầu người vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới, nước này cần nhiều lao động trẻ hơn.

Chỉ sau vài phút đăng tải thông báo, các trang mạng tràn ngập bình luận cho rằng động thái mới của chính phủ chẳng có ích lợi gì ngoài việc khiến các cặp đôi phải đối mặt với mức chi phí chăm sóc trẻ gia tăng, thời gian làm việc kéo dài, nhà ở chật chội, phân biệt đối xử việc làm giữa các bà mẹ và nhu cầu chăm sóc người cao tuổi.

Tài khoản "Mưa đá mùa hè" cũng cho biết sau khoảng thời gian làm việc ở Hồng Công, cô sẽ chuyển về sống tại tỉnh Chiết Giang, nằm ở phía Bắc Thượng Hải, để sống "một cuộc sống nhu cầu thấp". Cô cho rằng mặc dù công việc là một phóng viên tiếng Anh có thu nhập cao, nhưng tiền thuê nhà của cô chiếm đến 60% thu nhập và đến cuối tháng cô chẳng dư giả được đồng nào.

Cô phủ nhận lập luận cho rằng người trẻ "nằm thẳng" là đang từ bỏ sự thành công của nền kinh tế. Vì chính sự thành công đó lại nằm ngoài tầm với của nhiều người trong một nền kinh tế có khoảng cách giữa người giàu và số còn lại ngày càng gia tăng.

"Khi nguồn lực ngày càng tập trung vào một số người đứng đầu và những người họ hàng của họ, thì lực lượng lao động lại rẻ mạt và dễ dàng thay thế", cô viết trên Douban. "Liệu giao phó số phận của bản thân cho bàn tay nhỏ bé của ai đó có hợp lý không?"

Chủ nhân bài viết từ chối lời mời phỏng vấn của trang tin AP.

Một ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh (Ảnh: AP/Ng Han Guan)

Kiện Long cho biết anh đã dành nhiều thời gian để viết lách tự do hơn so với khi làm ở tòa soạn. Nhưng anh cảm thấy vui vẻ hơn và cuộc sống thoải mái hơn. Anh và vợ có thể cùng nhau ăn sáng trên ban công căn hộ tầng 6 với nhiều cây cối xung quanh.

"Miễn là tôi còn được viết, tôi cảm thấy rất mãn nguyện", anh Long cho biết. "Tôi không còn thấy ngột ngạt nữa".

Một số ít người khác thì chọn nghỉ việc hoàn toàn khi có đủ khả năng

Một kiến trúc sư 27 tuổi tại Bắc Kinh cho biết cô bắt đầu tiết kiệm từ khi còn là nữ sinh để có đủ khả năng tự do tài chính.

"Từ tháng 9 năm ngoái, khi tôi thấy khoản tiết kiệm của mình đạt 2 triệu NDT (khoảng 7 tỉ đồng), tôi đã nằm xuống", cô cho biết trong một buổi phỏng vấn thông qua mạng xã hội với cái tên Nana.

Nana cho biết cô đã bỏ công việc với mức lương 20.000 NDT/tháng (khoảng 71 triệu đồng) vì thời gian làm việc nhiều và cô cảm thấy khả năng sáng tạo của bản thân bị hạn chế.

"Tôi muốn được tự do, thoát khỏi những quy định nghiêm ngặt", Nana cho biết. "Tôi muốn được đi đây đi đó và bản thân được vui vẻ".

Minh Bảo (Theo AP, The New York Times)

Chủ đề khác