VnReview
Hà Nội

Nhiều ông lớn công nghệ Trung Quốc chấp nhận thay đổi để thích nghi

Đứng trước làn sóng trấn áp của giới chức quản lý, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang tìm cách thay đổi mô hình kinh doanh và phương thức làm việc để tránh rơi vào rào cản pháp lý.

Vốn là lĩnh vực được thả cửa tự do phát triển, nhưng vài năm trở lại đây nhiều ông lớn công nghệ Trung Quốc đã lọt vào tầm mắt của chính phủ nước này. Các nhà cầm quyền liên tiếp đưa ra một loạt quy định mới, từ chống độc quyền đối với một số công ty Internet đến bảo mật dữ liệu người dùng.

Tháng 11 năm ngoái, phát súng đầu tiên đã nổ ra khi thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của tập đoàn tài chính Ant Group do tỷ phú Jack Ma sáng lập bị đình chỉ. Tập đoàn Alibaba sau đó cũng chịu án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD với cáo buộc vi phạm độc quyền.

Thời gian gần đây, dịch vụ gọi xe lớn nhất Trung Quốc, Didi đã trở thành chủ đề bàn tán sau khi cơ quan an ninh mạng nước này tiến hành điều tra bảo mật, chỉ vài ngày sau khi công ty hoàn tất IPO tại Mỹ. Chưa hết, ứng dụng còn bị gỡ khỏi các kho ứng dụng hoạt động tại Trung Quốc và tạm ngưng tiếp nhận người dùng mới.

Trước sức ép từ chính phủ Trung Quốc, các tập đoàn công nghệ đã nỗ lực tìm cách xoa dịu. Trong đó, Tencent là một ví dụ điển hình khi tìm cách thắt chặt việc trẻ vị thành niên chơi game. Cụ thể, công ty sẽ ứng dụng tính năng nhận diện khuôn mặt để ngăn không cho những người dùng nhỏ tuổi thức khuya chơi game.

Dù đã giới hạn độ tuổi trước đó, Tencent cho biết vẫn có nhiều trường hợp trẻ lách luật, sử dụng tài khoản người lớn để chơi trò chơi. Giải pháp này sẽ hạn chế tình trạng nghiện game ở thanh thiếu niên Trung Quốc. ;

Thời gian gần đây, các cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc rất quan tâm đến tình trạng nghiện trò chơi điện tử và tác động xấu của chúng đến sức khỏe trẻ em. Năm 2018, giới chức nước này đã ngừng phê duyệt trò chơi điện tử ở Trung Quốc do lo ngại về tính bạo lực của một số tựa game, cũng như tính chất gây nghiện và gia tăng tỷ lệ cận thị. Để được phát hành, các nhà phát triển phải tuân theo những yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt mà bên kiểm duyệt đưa ra.

Động thái của Tencent được xem là nhằm đón đầu các quy định pháp lý mới mà chính phủ Trung Quốc có thể đề ra trong tương lai.

Tập trung chống độc quyền

Vào tháng 2, Trung Quốc đã ban hành bộ quy tắc chống độc quyền đối với các nền tảng Internet trong nước. Bắc Kinh lo ngại quy mô và sức mạnh của các công ty công nghệ lớn ở Trung Quốc có thể khiến thị trường bị độc chiếm. Một số đó phải kể đến chính sách buộc các tiểu thương chọn một trong hai nền tảng để kinh doanh, thay vì được sử dụng cả hai của Alibaba. Kết quả là sau khi điều tra, tập đoàn của tỷ phú Jack Ma bị phạt 2,8 tỷ USD, tương đương 4% doanh thu năm 2019.  

Alibaba và Tencent đều đã xây dựng thành công những bức tường rào xung quanh hệ sinh thái sản phẩm của họ. Cụ thể là việc người dùng không thể sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến WeChat Pay của Tencent trên sàn thương mại điện tử Taobao của Alibaba.

CNBC cho biết có vẻ như giờ đây, cả Tencent và Alibaba đều đang tìm cách đón đầu các động thái chống độc quyền trong tương lai của chính phủ. Tờ Wall Street Journal đưa tin hôm 14/7 rằng Alibaba và Tencent đang tìm cách nới lỏng một số chính sách trên các sản phẩm của nhau. Điều này có thể bao gồm việc cho phép WeChat Pay như một tùy chọn trên các dịch vụ mua sắm của Alibaba.

Thay đổi văn hóa làm việc "996"

Bên cạnh hình thức kinh doanh, các công ty công nghệ còn nỗ lực thay đổi văn hóa làm việc 996 không lành mạnh, tức làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối và sáu ngày một tuần.

Jack Ma từng ca ngợi văn hóa 996 là cơ hội để nhân viên cống hiến hết mình. Song, quan điểm của ông đã vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội từ công chúng.

Ling Zhenguo, một thành viên thuộc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đã viết một bài đăng trên tờ báo chính thức của tổ chức nhằm chê trách văn hóa làm việc 996. Cụ thể, Ling cho rằng nền kinh tế Internet nên đặt "con người làm trung tâm" và không nên đặt lợi nhuận lên hàng đầu để khiến người lao động làm việc vất vả.

Tuần trước, ByteDance, công ty sở hữu TikTok cho biết đã kết thúc chính sách "tuần lễ lớn, tuần lễ nhỏ" từ ngày 1/8, yêu cầu công nhân làm việc vào Chủ nhật và được trả lương. Song đây lại là điều không phải ai cũng hứng thú. Theo truyền thông địa phương, nền tảng video ngắn Kuaishou cũng đã hủy bỏ chính sách này vào tháng trước.

Ngọc Diệp (Theo CNBC)

Chủ đề khác