VnReview
Hà Nội

Đây là đội quân robot sẽ phục vụ tại thế vận hội Olympics ở Tokyo năm nay

Nhà sản xuất xe hơi Toyota đã phát triển hàng loạt thiết bị tối tân nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe mà Nhật Bản đặt ra cho kỳ Olympics muộn tại nước này.

Thế vận hội Olympics đã bị trì hoãn một năm vì đại dịch, nhưng nó vẫn sẽ là một cơ hội để nước chủ nhà Nhật Bản trình diễn công nghệ robot đẳng cấp thế giới của họ.

Và mặc dù khán giả sẽ không được chứng kiến những sự kiện hấp dẫn nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, một đội quân robot hùng hậu sẽ được triển khai, đảm nhiệm nhiều khâu trong công tác tổ chức thế vận hội.

Và nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản, Toyota, đã được chọn để phát triển hàng loạt mẫu robot phục vụ nhu cầu này. Trên thực tế, những robot này có thể được ứng dụng trong rất nhiều hoạt động thường ngày khác.

"Thế vận hội Tokyo 2020 là một cơ hội hiếm có để chúng tôi trình diễn công nghệ robot của Nhật Bản" - theo lời Hirohisa Hirukawa, người đứng đầu dự án robot của Tokyo 2020.

"Dự án này không đơn giản chỉ để biểu diễn robot, mà còn cho thấy ứng dụng thực tế của chúng trong việc giúp đỡ mọi người"

"Không chỉ có các môn thể thao mới đáng trông chờ tại thế vận hội Tokyo 2020, mà còn có một vài chú robot hay ho phục vụ trong sự kiện này nữa"

Hai chú robot có khả năng tương tác với con người sẽ đóng vai trò linh vật chính thức của thế vận hội và chúc mừng với các vận động viên cũng như bất kỳ ai được phép tham dự thế vận hội.

Someity (màu hồng) và Miraitowa (màu xanh)

Chúng là Miraitowa, màu xanh dương, và Someity, màu hồng - những con robot; có kích cỡ bằng con rối và sở hữu cặp mắt to, đứng tại sảnh để chào đón các vận động viên. Cả hai được điều khiển từ xa bởi một nhân viên con người, nhưng cũng được trang bị camera tích hợp có khả năng nhận dạng khuôn mặt và biểu cảm khuôn mặt, đồng thời tương tác bằng cách bắt tay, gật đầu, và nháy mắt.

Toyota còn đang phát triển một con robot hình người với kích cỡ tương đương một người trưởng thành, T-HR3, kể từ năm 2017 đến nay, với khả năng nhại lại chuyển động của người điều khiển nó. Công ty cho biết T-HR3, vốn được kiểm soát bằng kính VR và một khung xương ngoại (exoskeleton), sẽ có thể đập tay với các vận động viên và thậm chí là tán dóc với họ nữa.

T-HR3

"Với tầm nhìn về tương lai, chúng tôi tin rằng nhu cầu đối với những con robot có thể thực hiện được những thao tác tinh tế trong quá trình tương tác với con người sẽ rất cao" - theo Tomohisa Moridaira, lãnh đạo nhóm nghiên cứu và phát triển.

"Những con robot này được phát triển với mức độ tự do chuyển động cao, có nghĩa là hầu hết các khớp của nó có thể tiếp tục vận hành kể cả khi một vài thành phần bị ngừng hoạt động"

T-TR1

Có lẽ quan trọng nhất trong kỳ Olympics này là T-TR1, một con robot telepresence cho phép mọi người tham gia các sự kiện và tương tác với các vận động viên từ xa (tương tự việc tham gia hội thảo trực tuyến). T-TR1 có một màn hình đứng, cao, hiển thị hình ảnh thời gian thực của người xem từ xa và một camera gắn trên đỉnh để quay lại khung cảnh sự kiện gửi về cho họ.

Những người được chọn để tham gia vào các sự kiện từ xa thông qua T-TR1 sẽ có thể di chuyển con robot này đi quanh khu vực sự kiện bằng điều khiển từ xa, và nó sẽ hiển thị hình ảnh kích thước thực tế của họ trong quá trình di chuyển.

Một con robot có lẽ sẽ không được sử dụng nhiều trong thế vận hội là robot hỗ trợ giao nhận hàng, vốn được thiết kế để giao thức ăn và nước uống cho các khán giả ngồi trong khu vực xe lăn.

Robot hỗ trợ giao nhận hàng

Đối tác của nó, robot hỗ trợ con người, vốn nhận lệnh qua ứng dụng di động, cũng được thiết kế để hướng dẫn những vị khách cần hỗ trợ di chuyển đến ghế ngồi của họ.

"Chúng tôi tin rằng những con robot này sẽ giúp khán giả sử dụng xe lăn tận hưởng được sự kiện mà không gặp bất kỳ hạn chế nào, qua đó hoà mình vào bầu không khí bên trong các sân vận động và cảm nhận được sự hứng khởi của thể thao" - theo Nobuhiko Koga, CEO của Frontier Research Centre thuộc Toyota.

Dù sẽ không được sử dụng tại Thế vận hội sắp tới, con robot này vẫn có cơ hội xuất hiện tại Tokyo Paralympics, dự kiến bắt đầu vào ngày 24/8.

Robot hỗ trợ sự kiện trên sân

Một nhóm robot khác không bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh sẽ là robot hỗ trợ sự kiện trên sân. Chúng sẽ theo sát đội ngũ điều hành và tự động điều hướng đến các vị trí cần thiết nhằm thu dọn những cây lao hay cung tên đã được sử dụng trong các bộ môn vừa diễn ra. Các viên chức của Toyota cho biết mục tiêu của robot này là giảm thời gian cần để thu dọn đồ vật và đẩy nhanh quá trình thi đấu. Chúng có hình dáng như những chiếc xe hơi thu nhỏ, được Toyota phát triển với sự giúp đỡ của Hiệp hội các liên đoàn vận động viên quốc tế.

Ngoài khu vực thi đấu, Toyota còn có những phương tiện tự hành mang tên e-Palette để đưa các vận động viên và huấn luyện viên từ các ngôi làng Olympics đến sân vận động chính và ngược lại. Phương tiện này có thể chở được tối đa 20 khách, hoặc 4 xe lăn và 7 khách đứng, và sẽ có một người vận hành trong trường hợp khẩn cấp. Mỗi phương tiện dài 5,25 mét và có thể chạy hơn 90 dặm trước khi cần sạc lại. Nếu có lỗi xảy ra với phương tiện, nó sẽ tự động chạy về kho và phương tiện thay thế sẽ được triển khai.

Xe tự hành e-Palette

Hệ thống quản lý e-Palette sẽ đưa các phương tiện đến nhiều địa điểm khác nhau theo tần suất định trước, nhưng có thể tự động điều chỉnh lịch trình này khi số lượng hành khách tăng cao.

Toyota nói rằng sau thế vận hội, họ dự kiến sẽ triển khai mẫu xe này dưới dạng các cửa hàng di động hoặc các phương tiện chuyển phát vật phẩm di động dành cho những khách hàng không thể rời nhà của họ.

Ban tổ chức Olympics cũng sẽ sử dụng một bộ đồ trợ lực từ Panasonic để tháo dỡ và di chuyển những đồ vật nặng, với khung xương ngoại hỗ trợ phần lưng và eo, đồng thời tăng khả năng nâng các đồ vật thêm 20%.

Minh.T.T (theo Independent)

Chủ đề khác