VnReview
Hà Nội

Quần áo bỏ đi có thể gây hại cho môi trường hơn cả chai nhựa

Khi mang những bộ quần áo cũ không còn sử dụng bỏ vào thùng cho/tặng, chúng ta tin rằng bản thân đang giúp đỡ một ai đó. Tuy nhiên, trong một bộ phim tài liệu, những bộ quần áo cũ kia sẽ kết thúc vòng đời của chúng bằng việc gây ô nhiễm đất và nguồn nước ở những nước đang phát triển.

Trong tập phim tài liệu "Environment Special" được phát sóng hôm 1/7 trên đài truyền hình Hàn Quốc KBS, 100 tỉ bộ quần áo được sản xuất mỗi năm trên toàn thế giới. Trong đó, 33% bị vứt bỏ trong cùng năm chúng được tạo ra.

Ảnh chụp từ phim tài liệu "Environment Special" cho thấy đàn bò đang kiếm ăn trên núi quần áo bị vứt bỏ ở Accra, Ghana (Ảnh: KBS)

Bộ phim tài liệu đã khiến người xem không khỏi bất ngờ khi chứng kiến một núi quần áo cũ tại Accra, thủ đô của Ghana. Tại các nước châu Phi, cứ mỗi tuần lại có 15 triệu bộ quần áo đã qua sử dụng được nhập khẩu, trong khi dân số chỉ khoảng 30 triệu người. Một số quần áo được mua bán ở các chợ hàng hóa, nhưng số còn lại sẽ bị vứt bỏ, chất đống thành núi và khiến những con sông bị tắc nghẽn.

Trong cuộc phỏng vấn của Hankook Ilbo với bà Kim Ga-ram, nhà sản xuất bộ phim tài liệu nói trên, bà cho biết bản thân bà thấy tò mò về việc tất cả số quần áo cũ sẽ đi đâu trong khi đang dọn dẹp lại nhà cửa khi dịch Covid-19 ập đến.

Bà cảm thấy rất ngạc nhiên khi hầu hết trong số chúng được xuất khẩu. Chỉ 5% số quần áo cũ được giữ lại để tiêu thụ ở Hàn Quốc, và số còn lại sẽ được gửi đến các nước đang phát triển, trong đó có Ghana. Hàn Quốc là quốc gia xuất khẩu quần áo cũ nhiều thứ 5 thế giới, dù xếp hạng dân số của nước này chỉ đứng ở vị trí thứ 28. Đứng đầu các nước xuất khẩu quần áo cũ gồm có Mỹ, Anh, Đức và Trung Quốc.

Bà Kim chỉ ra rằng nhiều người thường nghĩ các nước Bắc Âu sạch vì người dân ở đó có ý thức bảo vệ môi trường hơn. Tuy nhiên, bà cho răng sự thật trần trụi là hầu hết các quốc gia giàu có sạch hơn vì họ chuyển, không chỉ nhà máy, mà còn cả rác thải đến những nước đang phát triển để tránh gây ô nhiễm.

Bộ phim cũng cho thấy vấn đề sản xuất quá nhiều và tiêu thụ quá mức là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng vứt bỏ quần áo. Bộ phim cũng chỉ trích ngành công nghiệp thời trang vì quảng cáo "thời trang thân thiện môi trường", điều này khiến người tiêu dùng tin rằng những chiếc áo T-shirt làm từ nhựa là "bền vững", trong khi chúng chẳng mang lại bất cứ lợi ích gì cho Trái Đất, mà chỉ khiến thứ gì đó ít tồi tệ hơn, bà Kim cho biết. Để sản xuất ra một chiếc áo thun trắng bằng sợi cotton cần đến 2.700 lít nước, tương đương với lượng nước mà một người uống trong 3 năm.

Bộ phim tài liệu đưa ra cảnh báo cho người xem về những bộ quần áo chúng ta vứt bỏ sẽ quay trở lại dưới dạng vi nhựa. Vì hơn một nửa số quần áo được làm từ sợi polyester, vật liệu được tạo ra từ nhựa, giống như chai nhựa vậy. Bộ phim tài liệu nhấn mạnh rằng lượng rác quần áo gây ra nhiều vấn đề cho môi trường hơn cả chai nhựa, vì đa số chai nhựa sẽ được tái chế.

Minh Bảo;(theo Korea Times)

Chủ đề khác