VnReview
Hà Nội

Hàn Quốc tiếc nuối những khu chung cư cũ trong làn sóng xây mới

Mỗi cuối tuần, kỹ sư cơ khí Choi Jong-eon mang theo chiếc máy ảnh Sony ra chụp những căn hộ có tuổi đời hàng chục năm ở Seoul.

Choi, 31 tuổi, là một trong số ngày càng nhiều người Hàn Quốc khoác lên một góc nhìn mới với những căn hộ cũ, thường bị bỏ quên - xem đó như một chủ đề đáng được quan tâm và chụp ảnh làm tư liệu.

"Kể từ khi tôi bắt đầu chụp ảnh các căn hộ, tôi nghĩ rất nhiều về những thứ biến mất", nhiếp ảnh gia nghiệp dư nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với hãng thông tấn Yonhap. "Đó không chỉ là về các căn hộ. Ở Seoul, bạn thường thấy cả một khu phố bị phá bỏ và xây dựng lại. Tôi muốn đưa chúng vào hồ sơ trước khi chúng biến mất".;

Chủ yếu ở độ tuổi 20 và 30, nhóm người này phần nhiều được sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà hiện đại nổi lên cùng với quá trình công nghiệp hóa của đất nước. Đối với họ, những khu chung cư trông giống hệt nhau là những khu phố hoài cổ mà họ nghĩ đến khi hồi tưởng về tuổi thơ của mình, ngoại trừ nhiều khu chung cư đang dần được thay thế bằng những tòa nhà cao tầng mới.

"Khi tôi tải những bức ảnh lên mạng xã hội, người sống trong căn hộ sẽ gửi tin nhắn cho tôi - kể về thời gian họ ở đó, họ cảm thấy thế nào khi chúng biến mất", Choi nói.

Một số người lại xem các căn hộ như những hộp diêm thiếu nét đặc trưng nhưng chúng vẫn là biểu tượng của sự an toàn tài chính của tầng lớp trung lưu trong nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Bức ảnh này được Choi Jong-eon chụp vào năm 2017 về một khu chung cư ở phía đông nam thành phố Busan (ảnh: Yonhap)

Theo dữ liệu của chính phủ, 51% gia đình Hàn Quốc, tương đương 10,01 triệu hộ, sống trong các căn hộ chung cư. Trong số 18 triệu bất động sản trên toàn quốc, 11 triệu, tương đương 62%, là các căn chung cư vào năm 2019.

Người Hàn Quốc có nhu cầu rất mạnh mẽ được sống trong các căn hộ chung cư, đặc biệt là những căn hộ mới. Điều đó phản ánh qua việc giá nhà đất ở Seoul tăng vọt, và tiếp tục tăng kể từ khi Thị trưởng mới Oh Se-hoon nhậm chức vào tháng 4 đưa ra cam kết nới lỏng các quy định về xây dựng lại các căn hộ cũ. 

Nhiều người nghĩ rằng các căn hộ do đơn vị phát triển nhà ở của nhà nước xây dựng và chúng trông giống nhau. Nhưng khi bạn thực sự đi và xem, bạn luôn có thể tìm thấy một vài trải nghiệm. Từ dạng căn hộ thông tầng cho đến những ô cửa sổ ở mặt bên của các tòa nhà, những căn hộ cũ ẩn chứa những đặc điểm riêng khó có thể tìm thấy ở những căn hộ chung cư ngày nay.

Kim Ki-ho, giáo sư danh dự tại Đại học Seoul, cho biết những căn hộ được xây dựng từ những năm 1970 và 80 là "bằng chứng sống" cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Hàn Quốc.

"Khi các căn hộ được xây dựng cách đây 40, 50 năm, chúng là những tòa nhà tiên tiến nhất thời bấy giờ", giáo sư Kim nói. "Đó là kết quả nỗ lực của một quốc gia nhằm cung cấp đủ nhà ở trong bối cảnh dòng người đổ về thủ đô tìm kiếm việc làm và cơ hội mới".

Trong khi Choi bị cuốn hút về hình thức bên ngoài của các căn hộ, một số lại bị thu hút bởi những câu chuyện của những cư dân đã trải qua cuộc đời ở đó.

Một trong những dự án nổi tiếng như vậy là "Hi-Bye, Dunchon Apartment", tập trung vào khu căn hộ phức hợp cùng tên có quy mô cực lớn ở phía đông phường Gangdong.

Dự án bắt đầu chỉ là một câu chuyện cá nhân của Lee In-kyu, người sinh ra và lớn lên tại căn hộ nhưng sau đó, dự án đã được mở rộng và thu hút hơn 5.000 người theo dõi trên Facebook. Đã có năm cuốn sách được xuất bản và một bộ phim tài liệu dài 72 phút tổng hợp các cuộc phỏng vấn và hình ảnh của những người sống tại khu phức hợp hàng chục năm tuổi.

"Những ngôi nhà ở đất nước chúng tôi đã trở thành một thứ giống như một loại phương tiện để leo lên bậc thang tài sản, nhưng cái giá của nó chính là vô số kỷ niệm mà chúng tôi có ở đó", Lee Sung-min, một nhà làm phim tài liệu cho biết, ông là người dẫn đầu một dự án tương tự ở quận Gangnam giàu có.

Lee đã ra một chương trình dạo quanh khu chung cư cũ với những người trước đây từng sống ở đó. "Những gì chúng tôi nói khi đi dạo thực sự chỉ là những điều tầm thường, như chúng tôi đợi ai ở đây, chúng tôi chơi các trò chơi ở đó như thế nào, nhưng tôi nghĩ rằng những câu chuyện nhỏ này rất quan trọng", Lee nói.

Một bức ảnh được Choi Jonog-eon chụp vào năm 2019 về một khu chung cư mới ở Yongin, cách Seoul 50 km về phía nam (ảnh: Yonhap)

Chính phủ Hàn Quốc dường như cũng đang tìm cách ghi lại dấu ấn riêng mình quanh những căn hộ hàng chục năm tuổi nhưng làm thế nào để ghi nhớ và bảo tồn chúng vẫn là một vấn đề được tranh luận gay gắt.

Vào năm 2013, Thị trưởng Seoul khi đó là Park Won-soon quyết định chỉ cho phép các dự án tái phát triển nếu chủ sở hữu bất động sản đồng ý bảo tồn tính lịch sử của các khu chung cư cũ.

Nhiều nhà sử học đã bảo tồn các khu di sản này, họ nói rằng: "Việc xem các căn hộ chung cư trong các bức ảnh và việc để chúng sống trước mắt chúng ta là những điều không thể so sánh với nhau".

Nhưng cư dân của các khu chung cư cũ đã đồng ý với chính sách nhanh chóng phá bỏ những căn cũ và xây mới, họ lo ngại về tính an toàn và thẩm mỹ.

"Làm thế nào để bảo tồn lịch sử hiện đại của chúng ta là một câu hỏi quan trọng cần giải quyết, cần có đủ cuộc thảo luận về vấn đề này", nhà làm phim Lee nói.

Lưu trữ hình ảnh và câu chuyện của các căn hộ cũ không chỉ là lưu giữ hồ sơ của quá khứ. Nó cũng tác động đến cách những người hiện đang sống ở đó nhìn vào ngôi nhà của họ.

Choi, nhiếp ảnh gia căn hộ, cho biết đây là một trong những khoảnh khắc giá trị nhất khi thấy mọi người có cái nhìn mới về những căn hộ "hộp diêm" sau khi xem qua những bức ảnh của anh ấy.

"Sau cùng, hầu hết chúng ta sẽ sống trong các căn hộ một quãng thời gian dài của cuộc đời", anh nói. "Vì vậy, hãy dành nhiều tình cảm hơn với những căn hộ cũ kỹ, loang nét lịch sử này".

Hoàng Lan (theo Yonhap)

Chủ đề khác