VnReview
Hà Nội

Vì sao Hàn Quốc trở thành một cường quốc hàng đầu về eSport?

Nền văn hóa chơi game tại Hàn Quốc đã biến eSports thành một bộ môn chuyên nghiệp, có cơ cấu tổ chức bài bản, nhiều tập đoàn lớn trong nước tham gia tài trợ. Quốc gia này hiện có hệ sinh thái eSports hàng đầu trên thế giới.;

Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, lượng người chơi game liên tục tăng và sự quan tâm dành cho Thể thao điện tử cũng nhiều hơn. Nhiều nội dung liên quan phát trên các nền tảng trực tuyến như Youtube, Twitch, đều thu hút được hàng trăm triệu lượt xem.

Thể thao điện tử hiện là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD cũng như đang nằm trong top những ngành phát triển nhanh nhất trong thời kỳ đại dịch. Nền công nghiệp này được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh và nhanh chóng trở thành tương lai của ngành giải trí và thể thao.

Hàn Quốc: "Cha đẻ" của thể thao điện tử

Mặc dù thể thao điện tử đã tồn tại từ những năm 1960, nhưng Hàn Quốc mới là quốc gia đưa môn thể thao này thành một ngành công nghiệp như hiện tại. Cụ thể, quyết định của chính phủ Hàn Quốc về việc xây dựng một mạng băng thông rộng xuyên quốc gia vào cuối những năm 90 đã thúc đẩy sự phổ biến của các trò chơi trực tuyến và sự bùng nổ của các quán cà phê LAN. Sự kiện này được cho là đã góp phần vào sự trỗi dậy của thể thao điện tử không chỉ ở Hàn Quốc mà trên toàn cầu. 

Game thủ trên khắp thế giới đều biết rằng eSports bắt đầu từ Hàn Quốc, thể thao điện tử tại đây phát triển vượt bậc so với các nước khác. Thậm chí, các trận thi đấu của loại hình này còn được phát sóng trên nhiều kênh truyền hình ở "xứ sở kim chi". Bắt đầu từ Hàn Quốc, văn hóa chơi game nhanh chóng lan sang các khu vực khác như Trung Quốc, Châu Âu và Hoa Kỳ.

Để quản lý các hoạt động trong ngành thể thao điện tử, chính phủ Hàn Quốc còn thành lập một Hiệp hội Thể thao điện tử Hàn Quốc (KeSPA). Tổ chức này có vai trò quan trọng trong việc xây dựng sân vận động eSports đầu tiên trên thế giới, vào năm 2005. 

Ngày nay, môn thể thao này trở nên lớn mạnh hơn bao giờ hết ở Hàn Quốc. Mỗi năm, hàng chục nghìn người hâm mộ đến các sân vận động để xem các đội eSports yêu thích của họ thi đấu.

Tại Giải vô địch thế giới Liên minh huyền thoại năm 2014 ở Seoul, hơn 40.000 người hâm mộ đã lấp đầy tất cả hàng ghế trống trên khán đài trong trận chung kết. Các giải đấu eSports ở Hàn Quốc được điều hành và tổ chức một cách chuyên nghiệp, không thua kém gì các môn thể thao khác. Các game thủ tham gia thi đấu chuyên nghiệp tại Hàn Quốc được công nhận là vận động viên, nhận lương mỗi mùa giải.

Bên cạnh Liên minh huyền thoại, các tựa game khác như Hearthstone Overwatch đang thu hút sự quan tâm trở lại. Đặc biệt, Overwatch có dấu hiệu trở lại rất mạnh mẽ dù thể loại game bắn súng góc nhìn thứ nhất chưa bao giờ được ưa chuộng ở châu Á. Những yếu tố nào khiến thể thao điện tử Hàn Quốc lại phát triển thành công đến vậy?

Ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD

Trước khi "mổ xẻ" nền công nghiệp eSports Hàn Quốc, chúng ta cần có một cái nhìn tổng quan về bộ môn này trên toàn thế giới. Từ cuối những năm 70, các giải đấu trò chơi điện tử chuyên nghiệp đã bắt đầu xuất hiện và liên tục phát triển cho đến hiện nay. Trong vài năm qua, lượng khán giả tăng lên hàng chục triệu, con số cao nhất từng được ghi nhận đó là trong một sự kiện eSports diễn ra vào năm 2019 với hơn 450 triệu người xem trực tuyến. Cũng vào năm 2019, tổng doanh thu của eSports vượt qua mốc 1 tỷ USD, nhưng đây là chưa kể đến doanh thu từ việc bán các thiết bị chơi game như tai nghe, chuột, bàn phím… 

Có nhiều khu thi đấu eSports hoành tráng đang được xây dựng trên khắp thế giới, chi phí lên tới hàng triệu USD đặc biệt ở châu Á. Theo Seoulz, khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm hơn 50% người đam mê thể thao điện tử trên toàn thế giới, xếp sau đó là châu Âu với 16%. Bên cạnh Hàn Quốc, Trung Quốc cũng có một nền thể thao điện tử đang phát triển mạnh. Bộ Giáo dục nước này đã thêm eSports và game vào chương trình đào tạo sau đại học và dạy nghề của mình. Mới đây, dù eSports không được xếp vào môn thi đấu tranh huy chương tại Olympic mà chỉ mang tính trình diễn, nhưng vẫn là một tín hiệu tốt cho những tuyển thủ thi đấu bộ môn này. 

Không giống các môn thể thao truyền thống, thể thao điện tử không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch vì các giải đấu có thể tổ chức trực tuyến dễ dàng. Không chỉ vậy, trong thời gian dịch bệnh, số giờ chơi game tại nhà cũng tăng mạnh. Khi mà công nghệ ngày càng phát triển, sẽ có thêm nhiều người được tiếp cận với Internet và máy tính. Do đó, tiềm năng của eSports là rất lớn và nó có thể kết nối toàn cầu. 

Học viện thể thao điện tử đầu tiên trên thế giới

Game Coach là một học viện eSports ở Hàn Quốc được xây dựng để đào tạo game thủ chuyên nghiệp. Nó có đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập, và hoạt động không khác gì một trường học. Các viện đào tạo như này đóng vai trò quan trọng trong việc cho ra lò thế hệ chuyên nghiệp tương lai.

Những tựa game mà Game Coach đào tạo chủ yếu đó là Liên minh huyền thoạiOverwatch. Học viên sẽ có bài tập về nhà sau mỗi ngày, đó có thể là xem replay các trận đấu chuyên nghiệp hoặc trải nghiệm thêm nhiều tựa game khác. Không chỉ tại Hàn Quốc, các học viên eSports đang xuất hiện ở nhiều nơi khác trên thế giới. 

Ngoài ra, Game Coach còn là nơi để các đội tuyển tìm kiếm cho mình những tài năng trẻ và có triển vọng. Ví dụ như Fate, tuyển thủ Overwatch này được Los Angeles Valiant chú ý tới từ khi còn là một học viên tại một trường đào tạo eSports. Lee Seung-hun, Giám đốc Game Coach cho biết: "Tôi nghĩ rằng game thủ Hàn Quốc có tố chất của một người chơi đẳng cấp, họ cần một nơi có thể giải phóng hết tiềm năng của mình"

Sự kiện hoành tráng

Đa phần sự kiện eSports đều được tổ chức ở Seoul. Trong đó, OGN Estadium là sân vận động diễn ra các trận đấu trong khuôn khổ giải LCK, một trong những giải đấu Liên minh huyền thoại hấp dẫn nhất thế giới. Theo thời gian, Seoul đã trở thành "thánh địa" của thể thao điện tử khi mỗi năm có hàng nghìn người hâm mộ đến đây để xem các trận đấu eSports đỉnh cao.

Nhận thấy điều này, chính phủ Hàn Quốc đã lên kế hoạch xây dựng thêm 5 sân vận động chuyên phục vụ cho eSports vào năm 2022.

Bộ Văn hóa và Du lịch cho biết: "Khi eSports đang dần trở thành một môn thể thao thực sự, tác động của nó đến ngành công nghiệp trò chơi điện tử và thể thao sẽ ngày càng lớn". Bên cạnh OGN Estadium, LoL Park là sân vân động khác thường tổ chức các giải đấu Liên minh huyền thoại trong nước và quốc tế, ngoài ra còn có Overwatch hay PUBG. Tại đây, cơ sở vật chất rất hiện đại và được đầu tư xây dựng một cách bài bản không thua kém gì một sân vận động bóng đá. 

Được phát sóng trên TV 

Thể thao điện tử đã xuất hiện trên sóng truyền hình Hàn Quốc trong hơn 20 năm. Trong số những kênh phát nội dung này, nổi tiếng nhất chính là OnGameNet (OGN) – một cái tên không còn quá xa lạ đối với ai đam mê eSports.

Không chỉ phát sóng trực tiếp các giải đấu, họ còn tổ chức nhiều sự kiện eSports lớn nhỏ tại Hàn Quốc. Ngày nay, Liên minh huyền thoại (LoL)Overwatch là hai tựa game có các nội dung liên quan xuất hiện nhiều nhất trên OGN. 

Như vậy, truyền thông không hề có cái nhìn kỳ thị với eSport, ngược lại còn góp phần quan trọng trong việc phổ biến nó. Rất nhiều người khởi đầu đam mê từ việc xem các trận thi đấu qua sóng truyền hình.

Chí Tôn

Chủ đề khác