VnReview
Hà Nội

Quy định mới khiến ngành công nghiệp dạy kèm 120 tỷ USD ở Trung Quốc lao đao

Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đặt cược hàng tỷ USD để phát triển ngành công nghiệp dạy thêm trị giá 120 tỷ USD. Song, việc mở rộng các quy định hạn chế về dạy thêm đã khiến các công ty giáo dục tư đối mặt với tác động kinh doanh đáng kể.

Hãng thông tấn quốc gia Trung Quốc Tân Hoa Xã trích dẫn tuyên bố của chính quyền nước này hôm 24/7 rằng các công ty dạy thêm dựa trên chương trình học tại trường sẽ không được phép kêu gọi vốn thông qua hình thức niêm yết cổ phiếu hoặc các hoạt động liên quan đến vốn nói chung. Các tập đoàn trong nước và quốc tế cũng bị cấm đầu tư vào lĩnh vực dạy kèm.

Thông tin này đã gây ra làn sóng chấn động trong toàn ngành và khiến các bậc phụ huynh phải tìm hiểu xem chính sách này sẽ tác động đến con cái của họ ra sao trong một hệ thống giáo dục đầy tính cạnh tranh và khắc nghiệt như Trung Quốc.

Cụ thể, tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ dạy thêm dựa trên giáo trình tại trường sẽ được đăng ký là tổ chức phi lợi nhuận và sẽ không có giấy phép mới nào được cấp. Những thay đổi này được cho là siết chặt hơn so với dự kiến trước đó, đồng thời gây rủi ro cho hàng tỷ USD vốn công và tư nhân đổ vào lĩnh vực này trong vài năm qua với hy vọng phát triển giáo dục ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Trước khi thông tin chính thức được công bố, những tin đồn liên quan đến việc truy quét ngành giáo dục đã khiến cổ phiếu của các công ty tư nhân đồng loạt giảm mạnh hôm 23/7. Cho đến thứ Hai đầu tuần vừa qua, đợt bán tháo tiếp tục tái diễn khiến giá một số cổ phiếu giảm mạnh từ 30 – 40% cả trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Mỹ.

Trong một tuyên bố, tập đoàn giáo dục TAL hiện đang niêm yết tại Mỹ cho biết các quy định mới sẽ có tác động tiêu cực trầm trọng đến các dịch vụ dạy kèm sau giờ học. Từ đó có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động và triển vọng của công ty.

Các tổ chức như Gaotu Techedu, New Oriental Education & Technology Group, Koolearn Technology Holding, Scholar Education Group và China Beststudy Education Group cũng đưa ra tuyên bố tương tự vào hôm thứ Hai.

Theo đó, quy định mới sẽ khiến các công ty dạy thêm trực tuyến chịu sự giám sát chặt chẽ hơn trước và việc tổ chức học ngoài giờ sẽ bị cấm tuyệt đối vào các ngày cuối tuần, ngày lễ và kỳ nghỉ. Theo công ty phân tích Goldman Sachs, mục tiêu giá thường niên đối với các cổ phiếu của công ty trong lĩnh vực dạy thêm sẽ bị cắt giảm trung bình khoảng 78%. Bởi trên thực tế, việc dạy thêm vào cuối tuần, các kỳ nghỉ đông và nghỉ hè mang lại tới 80% doanh thu cho ngành công nghiệp 150 tỷ USD.

Số liệu mới nhất từ Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc cho thấy, hơn 75% học sinh trong độ tuổi từ 6 – 18 ở Trung Quốc đã dành thời gian cho các lớp học thêm sau giờ học. Có nhiều bằng chứng cho thấy tỷ lệ này đã tăng mạnh trong những năm gần đây.

Việc tạo áp lực phải thành công lên trẻ em trong một xã hội ngày càng cạnh tranh gay gắt đã làm nảy sinh thuật ngữ "Jiwa" – "Em bé gà", chỉ những đứa trẻ bị nhồi nhét kiến thức khi phải liên tục tham gia các lớp học ngoài giờ.

Các quy định mới được đặt ra nhằm giảm đáng kể chi tiêu tài chính của mỗi gia đình trong ít nhất 3 năm tới và cũng là một phần nỗ lực tăng tỷ lệ sinh của đất nước. Vào tháng 5, Trung Quốc đã cho phép các cặp vợ chồng có tối đa ba con, so với hai trước đây.

Sự phát triển bùng nổ của công nghiệp dạy thêm rõ ràng đã khiến Bắc Kinh lo ngại, vì việc học thêm không chỉ là gánh nặng học tập đối với học sinh, mà còn là gánh nặng tài chính đối với các bậc cha mẹ.

Không có đủ điều kiện cho con học thêm là một lý do dẫn tới tâm lý ngại sinh con ở các cặp vợ chồng Trung Quốc, nhất là tại các thành phố lớn, trong khi dân số lão hoá đang là một vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Chính phủ Trung Quốc cũng lo rằng việc các gia đình đầu tư quá nhiều vào việc học thêm của họ có thể dẫn tới bất bình đẳng giáo dục, tiềm ẩn gây ra các vấn đề xã hội.

"Chính phủ đã quyết định siết chặt lĩnh vực này vì nó gây ra quá nhiều vấn đề, từ bất bình đẳng giáo dục cho tới tỷ lệ sinh thấp. Nếu cách tốt nhất để vào được trường tốt là học thêm, thì những đứa trẻ con nhà giàu sẽ có lợi thế bất bình đẳng so với trẻ con nhà nghèo", ông Li Chengdong, nhà sáng lập của công ty tư vấn thương mại điện tử Dolphin Think Tank ở Bắc Kinh, nhận định.

Ngọc Diệp (Theo Reuters)

Chủ đề khác