VnReview
Hà Nội

Tới năm 2030, con cháu chúng ta sẽ chẳng còn sở hữu thứ gì cả

Đã có thời mà một khi đã trả tiền cho bất kì thứ gì thì nhiễm nhiên quyền sở hữu cũng như quyền tự quyết tới đồ vật ấy đã thuộc về bạn. Nhưng đây chỉ là dĩ vãng bởi với công nghệ thời điểm năm 2030, thì nghĩ tới việc sở hữu đồ vật thôi cũng đã là lỗi thời rồi.

Tới năm 2030, con cháu chúng ta sẽ chẳng còn sở hữu thứ gì cả

Thế hệ Millennial chẳng còn mặn mà với việc sở hữu đồ đạc giống như các thế hệ trước. Sau hàng chục năm của lối sống "phải bằng bạn bằng bè", thì thế hệ mới này lại "chú trọng nhiều hơn tới trải nghiệm" thay vì đồ vật hữu hình. Xu hướng ấy cũng là một phần lý do, nhưng sự chuyển dịch từ sản phẩm sang dịch vụ vốn đã tồn tại từ trước đây rất lâu rồi.

Trở lại năm 2016, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã đăng tải một video trên Facebook, đưa ra tám dự đoán về thế giới năm 2030. Trong video có đoạn: "Bạn sẽ chẳng còn sở hữu thứ gì nữa nhưng lại vẫn vui vẻ vì điều đó. Bởi những thứ bạn muốn thì đều thuê được và sẽ vận chuyển tới bạn bằng drone."

Một bài viết do WEF đăng tải trên Forbes cũng viết: "Mọi thứ từng là sản phẩm thì nay sẽ trở thành dịch vụ. Chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận tới dịch vụ vận tải, nhà ở, thực phẩm và những nhu cầu thường ngày. Đến một lúc những thứ ấy sẽ trở thành miễn phí, người ta chẳng còn tìm thấy được ý nghĩa của việc sở hữu đồ đạc."

Dự đoán trên của WEF có thể nói là hơi quá lạc quan nhưng đây chính là cái tương lai khó tránh khỏi của chúng ta. Nhà ở thì tôi thuê, nội thất thì cũng thế. Muốn đồ đạc hay quần áo mới thì cũng có thể thuê được. Dĩ nhiên là điện thoại hay máy tính thì có thể thuộc về của riêng mình nhưng cũng có rất nhiều người lại thích dùng thiết bị do nơi làm việc hỗ trợ. Mà nếu không thích thì ta còn thuê luôn được cả đồ điện tử. Tuy cũng thích nấu nướng và đi chợ nữa nhưng nếu lười thì đến đồ ăn cũng có thể đăng kí gói thực phẩm hàng ngày giao tới tận tay mà chẳng cần nấu. Khi ấy thì chẳng cần mấy thứ gia dụng như máy nướng bánh mì, nồi cơm điện, lò chiên không dầu, hay bất kì thứ gì khác, lò vi sóng thôi là đã đủ rồi. Còn đi lại thì đã có Citi Bikes, Uber hay Zipcar.

Tới đây, có lẽ bạn sẽ tự hỏi: thế thì có vấn đề gì đâu nhỉ? Chủ nghĩa tiêu dùng vắt kiệt sức lực con người, và với tình hình giá nhà chỉ lên mà không xuống thế này thì mua nhà cũng chẳng còn là một ý tưởng hay nữa. Mà không sở hữu lại có cái hay riêng của nó. Khi ấy bạn sẽ có ít đi những vướng bận, bổn phận và trách nhiệm mà lại nắm trong tay sự tự do để chuyển đi bất kì khi nào muốn. Nhưng đi cùng với những lợi ích ấy lại là những vấn đề không kém phần nan giải mới nảy sinh.

Bạn không hề sở hữu phần mềm

Không sở hũu đồ đạc đồng nghĩa với việc bạn đang đánh đổi quyền tự do điều khiển lấy sự tiện dụng. Để thấy được tính bất cập của quyết định trên, hãy cùng nhìn vào hệ thống Internet Vạn vật (IoT).

Mới đây có một ví dụ điển hình là việc Peloton đã thu hồi máy chạy bộ Tread+ sau sự cố gây trấn thương cho nhiều trẻ em, thú cưng và người lớn. Một phần của giải pháp chính là tung ra bản cập nhật phần mềm mới, bổ sung tính năng Tread Lock giúp khóa máy bằng mã bốn chữ số. Tuy nhiên, bất cập là đi kèm với đó là một dòng chữ nho nhỏ thông báo rằng tính năng Just Run (Chạy tự do) trên Tread+ đã bị chuyển sang gói thuê bao cao cấp, yêu cầu người dùng phải trả phí. Đây là tính năng cho phép người dùng sử dụng máy để chạy mà không cần tham gia vào lớp học.

Cộng đồng mạng nhất quyết không bỏ qua, cuối cùng Peleton đồng ý sẽ tặng ba tháng gói thành viên cho chủ sở hữu Tread+ trong lúc công ty này tìm giải pháp để cho phép Tread Lock và Just Run có thể được sử dụng đồng thời mà không cần mua gói thuê bao. Đáng nói là những người nổi giận về thông tin trên lại không nằm trong đại đa số chủ sở hữu máy Tread+. Phải đến cái lúc cay đắng này người ta mới nhớ lại những nguyên tắc căn bản của sở hữu vật chất. Họ đã trả hơn 4.000 USD (92 triệu VND) để mua cái máy chạy nhưng lại không được cấp khả năng sử dụng sản phẩm này bất cứ khi nào mình muốn. Peloton là ai mà dám thay đổi luật chơi với người dùng chứ?

Nhưng sự thật là khi bạn mua một thiết bị mà chỉ có thể hoạt động với phần mềm độc quyền, thì thực ra bạn không sở hữu nó đâu. Chỗ tiền bạn bỏ ra chỉ là phí "vào cửa" mà thôi.

Còn giờ là tới bộ Điều khoản sử dụng

Khi đã sống bằng đồ đi thuê, bạn đã mặc nhiên chấp nhận rằng cuộc sống của mình sẽ được định nghĩa qua bộ quy tắc của một người ngẫu nhiên nào đó.

Năm 2020, Sonos đã ngừng hỗ trợ các loa có tuổi đời đã lâu của hãng dù rằng nhiều thiết bị trong số đó vẫn hoạt động bình thường. Động thái này đã kích động cơn giận của cộng đồng. Một lần nữa, người dùng bỏ tiền ra để mua phần cứng với hy vọng rằng khoảng phí một lần duy nhất ấy sẽ đồng nghĩa với việc họ được toàn quyền sở hữu sản phẩm của mình. Nhưng không. Mua sản phẩm chỉ là cách để người tiêu dùng mua được quyền truy cập tới dịch vụ của Sonos, còn về bản thân Sonos, họ chỉ đang cho thuê phần cứng mà thôi. Có nghĩa là Sonos có toàn quyền quyết định xem khi nào thì một dòng sản phẩm tới lúc "xuống mồ".

Một công ty khác cũng hoạt động kiểu này là Whoop, một chiếc vòng tay theo dõi sức khỏe tập chung vào quá trình hồi phục. Chiếc vòng đeo tay không tốn tiền. Whoop sẽ gửi sản phẩm miễn phí cho người dùng bởi họ không cho rằng đây là sản phẩm của công ty. Cái ứng dụng mới là sản phẩm của họ, và để truy cập được vào ứng dụng, người dùng phải trả khoản thuê bao lên tới 30 USD (gần 700 nghìn VND) mỗi tháng.

Các thiết bị có kết nối mạng hoạt động cần có máy chủ. Mà máy chủ thì lại tốn tiền. Khi bạn, tức người tiêu dùng, trả phí một lần thì công ty sẽ không có nguồn tiền để tiếp tục hoạt động. Đó là lý do tại sao sản phẩm không bao giờ tồn tại mãi mãi. Đó cũng là lý do mà Apple, một công ty bán phần cứng, nhưng lại bắt đầu tung ra nhiều gói dịch vụ kể từ năm 2019. Đó là lý do mà Fitbit tung ra gói thuê bao dịch vụ cao cấp hay Netflix tìm cách ngăn chặn nạn chia sẻ tài khoản và nhiều công ty giải trí khác đang tự tung ra các dịch vụ truyền dịch trực tuyến thay vì cấp phép nội dung cho Hulu.

Khi mà cái phần cứng ấy chỉ đơn thuần là chiếc xà lan để "chở" theo phần mềm thì bạn chẳng có quyền được quyết định bất kì điều gì cả. Công ty sẽ quyết định khi nào thì nên dừng tung ra các bản cập nhật quan trọng. Họ cũng mới là những người sẽ quyết; định xem bạn có thể làm gì với phần cứng sau khi nó đã "chết".

Từ trước khi Sonos cho các sản phẩm cũ của mình về hưu, công ty này đã có dịch vụ cho phép người dùng đổi sản phẩm cũ của mình lấy mã giảm giá khi mua thiết bị mới hơn. Trước đây, khi bạn không cần một thứ gì đó, bạn có thể bán lại, quyên góp, ném nó đi hoặc để cho nó phủ bụi trong nhà kho. Tuy nhiên, để được giảm giá, bạn phải đồng ý đóng gói thiết bị và gửi về cho Sonos hoặc một đơn vị tái chế rác thải điện tử. (Sonos sau này đã thay đổi yêu cầu nên trên, nhưng chỉ sau khi nhận được phản ứng tiêu cực).

Với các sản phẩm cũ của Sonos, khi ấy công ty đưa ra bốn lựa chọn cho người dùng, nhưng lại khéo léo sắp đặt để định hướng họ theo một hướng cụ thể. Bạn có thể vứt chúng đi, có thể tham gia vào chương trình tái chế để được giảm giá, hoặc có thể tiếp tục sử dụng sản phẩm và đồng ý rằng sau này Sonos sẽ có thể ngừng tung ra các bản vá bảo mật. Rồi nếu quyết định vẫn sử dụng các thiết bị cũ đan xen với các sản phẩm mới thì khi ấy bạn lại phải phân chúng làm hai nhóm, bởi ứng dụng mới của Sonos lại không hỗ trợ các loa đời cũ, do đó người tiêu dùng mất đi cái quyền gộp chung các loa mới và cũ với nhau. Chưa kể, lựa chọn vừa nêu cũng chỉ có nghĩa lý nếu bạn vẫn có nguyện vọng tiếp tục sử dụng dịch vụ của Sonos. Suy cho cùng thì các lựa chọn mà người tiêu dùng có chỉ là nâng cấp luôn, hoặc nâng cấp sau này, hoặc không dùng nữa.

Đây chính là hiện thực của cái thế giới đề cao dịch vụ. Cán cân quyền lực nay chuyển dịch, cho phép các công ty được "đặt điều", còn người tiêu dùng thì chỉ có thể cố gắng mà tìm ra được lựa chọn "ít tàn nhẫn hơn". Rồi ngay cả khi ấy, trong tay người dùng tưởnglà có nhưng thực ra chẳng có lựa chọn nào cả. Nay, mạng Internet được coi là một công cụ mà ta cũng chẳng thể xóa bỏ sự tồn tại của các thiết bị kết nối mạng. Ở hiện tại, quyền rút lui có thể vẫn còn, nhưng về sau này đây là viễn cảnh ta không thể tránh khỏi. Khi ấy thứ bạn có chỉ là ảo tưởng về quyền lựa chọn của mình. Đây không phải là mới. Và khi mà công nghệ tiếp tục tiến lên, số lựa chọn mà chúng ta có sẽ lại dần ít đi, ngược lại với những giao giảng rằng các công ty công nghệ đang cho người dùng nhiều quyền lựa chọn hơn.

Căn nguyên của vấn đề: đạo luật DMCA

Hãy cùng nhìn lại vào Mục 1201 của Đạo luật Bản quyền kĩ thuật số thế hệ Millenials (DCMA). Mục này quy định việc phá khóa bảo vệ phần mềm độc quyền của một công ty là bất hợp pháp. Đây là lí do tại sao các công ty phần mềm lớn hoàn toàn có quyền từ chối bảo hành khi người dùng jailbreak sản phẩm hoặc ép người dùng phải chi nhiều tiền hơn để sửa thiết bị của mình tại các cửa hàng ủy quyền. Trong vài chục năm trở lại đây, các nhà hoạt động cũng đã từng thành công trong việc giành được quyền miễn trừ DMCA nhưng vẫn luôn tồn tại ở đó điểm bất hợp lý. Hiện, Văn phòng Bản quyền Hoa Kì chỉ đánh giá các yêu cầu miễn trừ một lần trong suốt ba năm, đây là khoảng thời gian rất dài đối với lĩnh vực công nghệ.

Cái hình mẫu không tưởng mà WEF đã vẽ ra sẽ chẳng thể tồn tại được nếu chúng ta vẫn chưa thể sở hữu hợp pháp ý tưởng. Tronghàng chục năm, các công ty vịn vào cái lý lẽ rằng bởi vì họ sở hữu phần mềm, nên người dùng chỉ đang mua giấy phép cho phần mềm. Nếu nhà thông minh của bạn trong tương lai có đi kèm với một địa chỉ email và hệ điều hành của riêng nó, sẽ ra sao nếu công ty điều khiển nó tung ra một bản cập nhật mà bạn không thích? Sẽ ra sao nếu họ loại bỏ cái tính năng mà bạn thích hoặc như phụ thuộc vào? Chuyển từ iPhone sang Android, từ Trợ lí Google sang Alexa của Amazon hay từ macOS sang Windows thôi đã đủ mệt mỏi rồi. Nhưng giờ, hãy tưởng tượng rằng bạn sẽ phải chuyển cả cái hệ sinh thái nhà thông minh mà mình đang sử dụng cũng như tất cả những thứ có kết nối internet. Hệ thống điều khiển nhiệt độ, tủ lạnh, bóng đèn, khung ảnh, TV, giường, và tất cả những thiết bị mà chúng ta vẫn chưa sáng tạo ra. Có thể sẽ có những người sẵn sàng làm điều này, nhưng đâu phải ai cũng thế? Đa số chúng ta sẽ chấp nhận mà sống với những lựa chọn đơn giản nhất.

Ví dụ thực tiễn: Tôi (tác giả) gần đây mới chuyển nhà. Nhờ vào tác động của Covid-19 mà tôi đã kiếm được một căn hộ trung lưu với nhiều tiện nghi hiện đại. Mỗi khi có bưu phẩm tới nhà hay mỗi khi có ai động vào bưu phẩm, tôi sẽ nhận được email thông báo. Tôi còn có một cái thẻ điện tử nho nhỏ để có quyền ra vào các khu vực khác nhau trong tòa nhà, cùng với đó là không dưới 7 ứng dụng để điều khiển cửa ra vào, đặt chỗ hồ bơi, trả tiền thuê, yêu cầu sửa chữa, và để truy cập vào mạng xã hội cư dân của khu nhà. Mọi thứ đều thật tiện lợi cho tới khi vấn đề nảy sinh.

Một ngày nọ, cái thẻ cấp quyền vào và ra ga-ra bị hỏng. Tôi và chồng chính thức bị nhốt. Thế là chúng tôi đành ngồi đợi người đi tìm hoặc yêu cầu sự trợ giúp của nhân viên. Tôi chọn đợi, còn anh ấy thì chọn tìm trợ giúp. Thế rồi sau đó, anh ấy lại bị nhốt trong chiếc thang máy tòa nhà cũng vì chính cái thẻ ấy. Trong hơn nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi bị nhốt mỗi người một nơi, mong mỏi rằng nhân viên tòa nhà sẽ tìm thấy mình. Đây chính là lời nhắc nhở cay đắng rằng việc mình trả tiền thuê nhà chỉ giúp chúng tôi mua được quyền ra vào tạm thời tòa nhà này mà thôi. Chúng tôi chẳng hề có quyền quyết định xem chiếc thẻ ấy có quyền cho chúng tôi vào phòng tập, hồ bơi, thang máy, cửa ra vào và các khu vực dùng chung của tòa nhà hay không. Chúng tôi cũng chẳng quyết định xem công ty quản lí có thay đổi hoặc gạch bỏ mình khỏi các ứng dụng giúp tôi trả tiền thuê nhà, yêu cầu sửa chữa, cấp quyền truy cập cho bạn bè và người thân và sử dụng các trang thiết bị dùng chung.

Nhưng đây chỉ là vấn đề đối với những người thuê nhà phải không? Liệu rằng những ai đủ kinh tế để tự sở hữu một căn nhà có bao giờ phải đau đầu tới mớ bòng bong này không? Câu trả lời là có, nhưng ở một mức độ nhất định. Một ngày trong tương lai, nếu bạn mua một căn nhà thực sự, bạn sẽ phải thuê bộ phần mềm để vận hành nó. Nhưng bạn sẽ không có quyền lên tiếng quyết định những gì sẽ có trong các bản cập nhật mà công ty tung ra, hay bày tỏ bất đồng khi thấy một tính năng nào đó bị xóa đi.Bạn sẽ gặp giới hạn khi thực hiện cải tạo hoặc nâng cấp, hoặc thậm chí là tiếp tục sử dụng nhà của mình với nguyên trạng. Người dùng còn chẳng có quyền tự sửa chữa. Nhưng mua và sở hữu một cái máy giặt thông minh đâu có nghĩa là mình không được phép tự sửa chữa hoặc tự chọn nơi sửa chữa tùy ý trong trường hợp sự cố phát sinh. Ấy vậy mà cứ hãy cứ lấy John Deere, Apple hay General Motors mà làm ví dụ. Đây đều là những công ty không cho phép người dùng tự sủa chữa trừ khi thực hiện bởi một cửa hàng được chứng nhận.

Nhưng điểm đáng sợ lại nằm ở chỗ người ta sẽ chỉ thấy nó đáng quan ngại khi họ có đủ sức lực tâm thần để quan tâm tới từng nguyên tắc của nhà sản xuất. Việc đưa ra quyết định mọi lúc mọi nơi chẳng phải dễ dàng, do đó, khi nắm trong tay một số hữu hạn lựa chọn có khi cuộc sống lại "dễ thở" hơn. Nếu một vấn đề phát sinh ra để giúp cuộc sống đơn giản hơn thì lại chẳng khó để người ta "nhắm mắt làm ngơ". Mà chẳng phải đơn giản hóa cuộc sống chính là mục tiêu mà các công ty công nghệ đang dùng để quảng bá hay sao? Cuộc sống thường ngày vốn đã mệt mỏi rồi, biết đâu, tới năm 2030, chúng ta lại muốn từ bỏ chính cái quyền kiểm soát mà mình có để sống trong một ngôi nhà tự động thì sao nhỉ?

Trung ND theo Gizmodo

Chủ đề khác