VnReview
Hà Nội

Nhiều thảm kịch với trẻ em đến từ pin nút áo

Bạn có lẽ từng nghe những bản tin cho biết có một đứa trẻ không may nào đó đã qua đời vì nuốt pin nút áo, và mỗi tuần trôi qua, có thêm nhiều đứa trẻ khác bị thương vì loại pin này. Vậy tại sao pin nút áo vẫn phổ biến như vậy?

Vào tháng 12/2020, chính quyền Úc đã giới thiệu bộ tiêu chuẩn an toàn bắt buộc đối với pin nút áo. Tiêu chuẩn này sẽ giúp ngăn trẻ em không tiếp xúc được với những viên pin có thể dẫn đến hậu quả kinh hoàng nếu nuốt phải. Các nhà sản xuất, nhà cung ứng, và các nhà bán lẻ sẽ có 18 tháng để chấp hành những tiêu chuẩn mới này.

Bộ tiêu chuẩn này được đưa ra sau cái chết đáng tiếc của bé Brittney Conway, 3 tuổi, vào tháng 7 sau khi nuốt phải một viên pin nút áo, và viên pin này mắc lại trong thực quản của bé, bốc cháy làm động mạch tại đây thủng một lỗ đáng sợ.

Thảm kịch này là lần thứ ba có một đứa trẻ chết vì pin nút áo tại Úc kể từ năm 2013, và nhiều đứa trẻ khác đã bị thương nặng sau khi nút loại pin này.

Thảm kịch pin nút áo

Bé Brittney ở Queensland nói với bố mẹ rằng mình bị đau họng và ngực, kèm theo đó là nôn mửa và chảy máu mũi. Mặc dù được khám tại nhiều nơi, không bác sỹ nào phát hiện ra rằng Brittney đã nuốt một viên pin nút áo, mà thay vào đó chẩn đoán rằng cô bé bị ngộ độc thức ăn, hoặc nhiễm virus.

Chín ngày sau lần đầu Brittney nói bị đau họng, bố mẹ cô phát hiện con mình bất tỉnh giữa một vũng máu. Cô bé nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện để phẫu thuật, nhưng vài ngày sau đã không qua khỏi.

Một ngày sau khi thông tin về cái chết của Brittney xuất hiện trên các mặt báo, những sản phẩm vòng đeo tay sặc sỡ dùng pin nút áo đã được trao cho hơn 30.000 khán giả xem trận chung kết giải AFL. Mỗi vòng chứa hai viên pin lithium 3V, có thể dễ dàng tháo ra khỏi khoang chứa. Những chiếc vòng này, cùng với hàng ngàn viên pin nút áo được lắp đặt lỏng lẻo và tiềm ẩn nguy hiểm tiềm tàng, nay hiện diện trong vô số sản phẩm được sử dụng rộng rãi trong các hộ gia đình.

Bác sỹ cấp cứu nhi khoa, Giám đốc Đơn vị Giám sát Thương tích Queensland (QISU) - tiến sỹ Ruth Barker - đã nghiên cứu vấn đề này trong suốt 10 năm và bày tỏ sự phẫn nộ trước những thay đổi chậm chạp của ngành công nghiệp này.

"Chúng ta thật nông cạn khi ưu tiên hai giờ sử dụng đèn pin hơn là sự an toàn của trẻ nhỏ" - bà nói. "Món đồ này rẻ như cho, và từ khoảnh khắc nó được thiết kế ra, đích đến của nó lẽ ra phải là bãi rác nếu không giết chết một đứa trẻ trước đó"

Vấn đề với pin nút áo

Hầu hết pin nút áo đều nhỏ hơn một đồng 5 xu, nhưng tổn thương nó gây ra có thể cực kỳ kinh hoàng. Có nhiều yếu tố khiến pin nút áo trở thành một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng về mặt an toàn so với các loại pin khác.

Kích cỡ: pin nút áo có nhiều cỡ. Loại nhỏ nhất có thể dễ dàng đi vào tai hoặc mũi của trẻ em, trong khi loại lớn 20mm có thể mắc lại trong thực quản nếu lỡ nuốt phải.

Thiết kế: các cực của pin nằm gần nhau, khiến dòng diện dễ dàng chạy qua khi chúng được đặt trong môi trường muối (nước muối) như cơ thể người. Dòng điện này sẽ phân giải nước trong một quy trình gọi là thuỷ phân, tạo ra ion hydroxide. Những ion này (không phải là acid rò rỉ từ trong pin) là nguyên nhân gây ra tình trạng bỏng từ bên trong cơ thể.

Nguy hiểm kể cả khi hết điện

Một viên pin lithium 3V vẫn có thể gây tổn thương dù không còn chứa điện để nạp cho thiết bị. Những viên pin này sẽ ngừng hoạt động khi chỉ còn khoảng 1,5V, nhưng chỉ cần 1,2V là đủ gây bỏng trong cơ thể rồi.

Dễ dàng trôi vào trong cơ thể và không gây đau đớn trong quá trình đó

Nhiều trẻ nhỏ có thể nuốt một viên pin nút áo mà không hề bị nghẹn hay ho, có nghĩa là trừ khi ai đó thấy chúng làm điều đó, bố mẹ hoặc người chăm sóc bé sẽ không hề biết chuyện gì đã xảy ra với con họ. CEO của Kidsafe Queensland, Susan Teerds, cho biết vẻ ngoài mượt mà, bóng loáng của pin nút áo còn đặc biệt thu hút trẻ em, vốn rất thích đưa mọi thứ vào miệng. Các mô mềm trong thực quản và ruột không nhạy với cảm giác đau đớn, do đó pin có thể gây bỏng nặng mà không có triệu chứng rõ rệt nào.

Pin nút áo gây tổn thương cho trẻ nhỏ như thế nào

Khi tiếp xúc với dịch cơ thể, pin nút áo sản sinh ra một dòng điện tạo ra một lượng nhỏ sodium hydroxide, vốn là một chất kiềm. Nếu pin bị mắc kẹt đâu đó trong cơ thể, chất kiềm này sẽ đốt cháy tạo ra một lỗ nhỏ ngay tại vị trí nó nằm. Sau đó, vết thương này sẽ bị nhiễm trùng, dẫn đến những thương tổn trầm trọng hơn, gây tàn tật, hoặc thậm chí là tử vong.

Triệu chứng đa dạng

Nếu một đứa trẻ nuốt pin nút áo, chúng nhiều khả năng không kể với ai cả. Nhóm tuổi thường nuốt pin nhất là từ 12 - 24 tháng, thời điểm mà trẻ nhỏ mới chỉ biết được một số kỹ năng ngôn ngữ. Những trẻ lớn hơn, đặc biệt là trẻ có biểu hiện tự kỷ, cũng nuốt pin nhưng không nói ai vì lo sợ sẽ gặp rắc rối.

Khi pin nút áo mắc trong mũi hoặc tai, trẻ sẽ bị mất nước hoặc đau đớn rõ rệt. Bởi các triệu chứng này không phải chỉ xuất hiện khi nuốt pin nút áo, bố mẹ trẻ có thể không phát hiện ra vấn đề, dẫn đến chậm trễ trong khâu chẩn đoán và thương tổn nặng nề hơn. Pin mắc trong mũi hoặc tai có thể gây tổn thương cho các cấu trúc bên trong như màng nhĩ và vách ngăn mũi. Chất kiềm khi phản ứng với dịch cơ thể có thể dẫn đến nhiễm trùng và trong một số trường hợp khiến trẻ mất khả năng thở, ngửi, hoặc nghe.

Khi pin nút áo mắc trong thực quản, chất kiềm sản sinh ra bởi dòng điện sẽ nhanh chóng gây bỏng cho khu vực này. Thực quản và các cấu trúc gần đó trong lồng ngực có thể bị tổn thương, bao gồm khí quản, phổi, và các mạch máu lớn. Nhiễm trùng nghiêm trọng sẽ xảy ra sau đó, và chảy máu trong do mạch máu bị tổn thương sẽ khiến tính mạng trẻ bị đe doạ. Nếu may mắn sống sót, trẻ có thể bị tàn tật suốt đời.

Một khi pin bắt đầu bốc cháy, các triệu chứng có thể khá đa dạng, từ cảm giác mệt mỏi và bồn chồn, cho đến ho nhẹ - những triệu chứng có thể dễ dàng bị các bậc cha mẹ hoặc chuyên viên y tế nhầm lẫn với các bệnh khác. Ba đứa trẻ chết vì nuốt pin nút áo ở Úc đã bị chẩn đoán nhầm là bị bệnh Giardia (một bệnh do ký sinh trùng, gây ói mửa và tiêu chảy), bị nhiễm virus, bị nhiễm trùng đường tiết niệu, và bị ngộ độc thức ăn.

Tiến sỹ Barker nói rằng, "những chấn thương này diễn ra trong thời gian dài, là dạng chấn thương ăn mòn cơ thể. Những mô sẹo do bỏng trong thực quản không co dãn hoặc thay đổi kích thước được và phải thường xuyên được điều trị với quy trình gây tê"

Một số triệu chứng khác bao gồm:

- Bất ngờ ho, nôn oẹ, hoặc chảy nhiều nước dãi

- Có biểu hiện như đau dạ dày hoặc nhiễm virus

- Bị sốt

- Trẻ chỉ vào cổ họng hoặc bụng

- Bị đau bụng, ngực, hoặc họng

- Mệt mỏi hoặc lịm đi

- Tỏ ra yên lặng hoặc bồn chồn hơn bình thường, không giống như trẻ thường ngày

- Mất cảm giác thèm ăn hoặc ăn ít

- Không muốn ăn thức ăn dạng đặc, hoặc không thể ăn thức ăn dạng đặc.

Các chỉ dẫn an toàn

Uỷ ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Úc (ACCC) gần đây đã mở một chiến dịch kêu gọi các bậc cha mẹ cẩn trọng trước những nguy cơ nghiêm trọng liên quan đến pin nút áo.

Loại pin này hiện diện trong nhiều thiết bị gia dụng phổ biến, bao gồm cân, thiết bị trợ thính, đèn đọc sách, camera, nến điện tử, đồ chơi, đồng hồ, máy tính, đèn laser, nhiệt kế, các thiết bị điều khiển từ xa dùng để mở khoá xe hơi và điều khiển loa MP3 và các loại thẻ phát nhạc.

Năm 2019, trang CHOICE đã phát hiện ra rằng 10/17 sản phẩm hộ gia đình phổ biến có chứa pin nút áo có thể dễ dàng tháo gỡ và bị nuốt bởi trẻ em.

Để giữ trẻ em an toàn trước những nguy hiểm của pin nút áo, hãy tuân thủ các chỉ dẫn an toàn sau:

-Giảm số lượng sản phẩm sử dụng pin nút áo trong gia đình. Dù pin hình trụ vẫn có thể gây chấn thương, tỉ lệ xảy ra thấp hơn nhiều. Nếu có thể, hãy sử dụng các sản phẩm với các loại pin khác, hoặc pin ẩn bên trong (sạc bằng cổng USB).

-Giữ kỹ pin nút áo và các sản phẩm sử dụng pin nút áo. Chỉ mua pin nút áo được đóng gói để trẻ em không lấy được. Các sản phẩm có chứa pin nút áo phải có độ bền nhất định, với khay chứa pin không thể bị mở ra bởi trẻ em và không bị bung ra khi làm rơi.

-Biết rõ sản phẩm nào trong nhà bạn có chứa pin nút áo. Thường xuyên kiểm tra để chắc chắn pin vẫn nằm an toàn trong khay pin. Khi có thể, hãy giữ pin ngoài tầm tay của trẻ nhỏ (và nên nhớ rằng trẻ có thể leo lên các đồ nội thất để tiếp cận các khu vực trên cao).

-Vứt bỏ pin đã qua sử dụng hoặc không sử dụng nữa ngay lập tức ở những nơi an toàn - pin đã "hết đát" vẫn tiềm ẩn nguy hiểm. Bọc cả hai đầu pin bằng băng dính khi lấy ra khỏi sản phẩm nhằm giảm nguy cơ cháy nếu bạn định trữ chúng để tái chế, đồng thời cũng khiến việc nuốt pin trở nên khó khăn hơn.

-Nhận dạng những dấu hiệu và triệu chứng khi nuốt pin; nôn mửa, chảy dãi, không thể ăn uống bình thường, thở nặng, đau ngực, ói, hoặc đi nặng ra máu đen hoặc đỏ.

-Phản ứng ngay lập tức nếu bạn nghi ngờ con trẻ đã nuốt pin nút áo. Không phải mọi cơ sở y tế đều có thể xử lý chấn thương do loại pin này.

-Cảnh báo những người khác về mối nguy hiểm của pin nút áo.

Làm gì khi trẻ đã nuốt pin nút áo

-Đưa trẻ đến ngay cơ sở cấp cứu gần nhất

-Trình bày rõ ràng sự việc với bác sỹ

-Đừng quên mang theo bao bì pin hoặc sản phẩm sử dụng pin đó

-Đừng cho trẻ ăn hoặc uống thứ gì sau khi đã nuốt pin

-Giữ cho trẻ không bị sốt.

20 đứa trẻ nhập viện mỗi tuần vì pin nút áo tại Úc

Tại Úc, đã có 3 đứa trẻ chết sau khi nuốt phải pin nút áo. Product Safety Australia ước tính rằng mỗi tuần có 20 đứa trẻ phải nhập viện trên toàn quốc vì nuốt pin nút áo. Trong một số trường hợp, chụp X-quang cho thấy pin chưa bị nuốt, hoặc đã an toàn đi vào ruột non. Tuy nhiên, một số ít những đứa trẻ này đã gặp phải tổn thương nghiêm trọng, chủ yếu là những trẻ đến cơ sở y tế muộn, hoặc không thể đến các trung tâm nhi khoa để lấy pin ra nhanh chóng.

Queensland Health đã tài trợ cho một chương trình giám sát quốc gia nhằm thu thập dữ liệu về bản chất của những tổn thương nghiêm trọng liên quan pin nút áo. Chương trình này hiện đã được thực hiện trong 34 tháng và xác định được 44 trường hợp với hàng loạt những kết quả khác nhau.

Một số trẻ may mắn được lấy pin ra trong vài giờ và chỉ bị bỏng nhẹ. Đó là những trường hợp mà người lớn ngay lập tức phát hiện ra trẻ đã nuốt pin, và trẻ đã được nhanh chóng đưa đến một trung tâm nhi khoa. Tuy nhiên, trong những trường hợp như bé Brittney, gia đình không hề biết trẻ đã nuốt pin, thì tổn thương ở thời điểm lấy pin ra đã quá nặng, khiến việc hồi phục là không thể.

Hiện nay, luật pháp chỉ quy định những món đồ chơi được thiết kế cho trẻ dưới 3 tuổi phải có khay chứa pin chống bị trẻ nạy ra. Có nghĩa là nhiều vật dụng thường ngày trong gia đình chứa pin nút áo - bao gồm chìa khoá xe hơi, nhiệt kế em bé, và điều khiển từ xã - không hề có các tiêu chuẩn an toàn bắt buộc và trẻ nhỏ có thể lấy pin ra dễ dàng.

Đó là lý do tại sao chính phủ các quốc gia cần đưa ra những tiêu chuẩn an toàn bắt buộc đối với mọi sản phẩm chứa pin nút áo, bao gồm:

-mọi sản phẩm dùng pin nút áo phải có khay pin chống trẻ nạy gỡ.

-pin nút áo có đường kính đến 32mm phải được đặt trong hộp chống trẻ nạy gỡ.

-đối với các sản phẩm dùng pin nút áo, pin phải được giữ chặt trong khay pin và không rơi ra trong hộp sản phẩm.

-các sản phẩm sử dụng pin nút áo phải có cảnh báo rõ ràng và dễ hiểu, nêu rõ những nguy cơ mà người tiêu dùng phải đối mặt khi mua sản phẩm (bao gồm cả bán trực tuyến).

Teerds cho biết việc các sản phẩm chứa pin nút áo xuất hiện ngày càng nhiều là rất đáng báo động. "Hiện chúng ở khắp nơi. Kể cả nếu bạn không nghĩ bạn có một sản phẩm dùng pin nút áo trong nhà, có khả năng bạn nhầm rồi đấy."

"Có thể bạn không mua chúng, nhưng chúng được tặng cho bạn như các món đồ khuyến mãi, và các sản phẩm như khoá xe hơi và đèn nhấp nháy"

Minh.T.T (Theo Choice)

Chủ đề khác