VnReview
Hà Nội

Sau vụ Ngô Diệc Phàm, Trung Quốc mạnh tay với các chương trình thần tượng

Chính phủ Trung Quốc tìm cách dẹp bỏ vấn nạn fan cuồng và chủ nghĩa tôn sùng tiền bạc trong giới trẻ nước này.

Các chương trình tài năng âm nhạc vốn cực kỳ phổ biến tại Trung Quốc đang phải đối mặt với sự truy quét kịch liệt từ chính phủ, sau khi nhiều động thái tiêu cực nhằm tối đa hoá lợi nhuận cùng hành vi quá khích của người hâm mộ, đã bị lọt vào tầm ngắm các cơ quan chức năng.

Các chương trình này, vốn là nơi khoảng 100 thí sinh trẻ tuổi cạnh tranh với nhau để được chọn vào một nhóm nhạc pop mới, đã mang về những khoản lợi nhuận khổng lồ cho các công ty đứng sau, bao gồm ông lớn stream như Tencent và iQIYI.

Nhưng, Cơ quan quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc vừa qua đã mở một đợt đánh giá kéo dài cả tháng trời đối với các chương trình trực tuyến, hứa hẹn sẽ tiến hành cải tổ nhằm đưa ra những giới hạn nghiêm ngặt liên quan các chương trình đào tạo thần tượng âm nhạc.

Hồi đầu tuần, cơ quan này cho biết đã lên kế hoạch cấm các hoạt động và chương trình được quảng cáo quá mức, với nội dung phát tán những giá trị như "tôn sùng tiền bạc" hoặc "tôn sùng thần tượng". Theo đó, các nền tảng cần định hướng người hâm mộ theo hướng tích cực hơn trước đây.

Trong số hàng chục chương trình tìm kiếm tài năng phổ biến tại Trung Quốc, như The Voice Trung QuốcThe Big Band, các chương trình đào tạo thần tượng theo phong cách sinh tồn được chú ý nhiều nhất bởi sự cuồng nhiệt của người hâm mộ.

Thanh xuân có bạn,;Thực tập sinh thần tượng của iQIYI, Sáng tạo doanh, Minh Nhật Chi Tử của Tencent,  là những cuộc thi thần tượng lớn nhất hiện nay theo mô hình của chương trình Produce 101 nổi tiếng ở Hàn Quốc. Các thí sinh chủ yếu đến từ các công ty giải trí tại Trung Quốc, và nhiều trong số đó đã có một lượng người hâm mộ nhất định trước khi đến dự thi.

Việc các thí sinh có thể đi sâu hơn nữa hay không tuỳ thuộc một phần vào phiếu bầu của người hâm mộ, và phần còn lại vào khả năng sẵn sàng chi tiền của bản thân thí sinh. Đôi lúc, khán giả phải mua một món nước uống từ một nhãn hàng tài trợ và quét mã QR bên trong nắp chai để thể hiện sự ủng hộ với chương trình. Người hâm mộ cũng thường tổ chức gây quỹ cho các thần tượng rồi sử dụng số tiền đó để quảng bá cho họ dưới dạng các sự kiện quyên góp cho đến các chương trình từ thiện đứng tên thần tượng, thậm chí thuê hẳn một bảng quảng cáo tại Quảng trường Thời đại của New York.

Vào tháng 3 năm nay, người hâ mộ của chương trình đào tạo thần thượng Sáng tạo doanh 2021 do Tencent tổ chức đã kêu gọi được gần 3,68 triệu Nhân dân tệ (khoảng 570.000 USD) chỉ trong 6 tiếng đồng hồ. Tính đến đêm chung kết, người hâm mộ của top 11 thí sinh đã chi ra hơn 100 triệu Nhân dân tệ để hỗ trợ cho các thần tượng của họ.

Format của các chương trình này đã lọt vào tầm ngắm của chính quyền từ đầu năm nay, khi một cuộc tranh cãi xoay quanh hành vi đổ sữa hồi tháng 5 buộc cơ quan quản lý phải lên tiếng.

Cụ thể, trong chương tình Thanh xuân có bạn mùa 3 khán giả được yêu cầu mua một chai yogurt bán bởi nhà tài trợ Mengniu để ủng hộ cho thần tượng của họ. Bởi người hôm mộ tập hợp lại để mua đồ uống Mengniu số lượng lớn, nhiều trong số chúng cuối cùng bị đổ xuống cống một cách vô cùng lãng phí, gây nên sự phẫn nộ trong cộng đồng mạng Trung Quốc.

Sau sự cố, iQIYI đã lên tiếng xin lỗi và huỷ bỏ đêm chung kết của chương trình theo lệnh chính quyền. Không lâu sau đó, các chương trình tìm kiếm tài năng khác tại Trung Quốc cũng lần lượt được lệnh tạm ngưng hoạt động ứng tuyển.

Từ năm 2007 đến 2017, đã có khoảng 130 nhóm nhạc thần tượng xuất hiện tại Trung Quốc - theo công ty phân tích EntGroup. Dù chỉ một số ít nổi tiếng, thị trường thần tượng nước này có giá trị lên đến hơn 100 tỷ Nhân dân Tệ, nhờ nguồn thu nhập từ nhiều chương trình khác nhau, các buổi biểu diễn trực tuyến, các dịch vụ stream nhạc, các buổi diễn ngoài đời thực, các chuỗi thương hiệu thần tượng, phim ảnh, video game, và hoạt động quảng bá thương hiệu.

Một số nhóm người hâm mộ được lập nên để mua các sản phẩm mà thần tượng của họ quảng bá nhằm thể hiện lòng trung thành, cũng như giúp thần tượng có thêm cơ hội đạt được nhiều thoả thuận quảng bá thương hiệu hơn. Các thành viên không đóng góp vào hoạt động của nhóm sẽ bị gạch tên.

Chương trình đánh giá của chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung vào hoạt động sử dụng bot và thuê lực lượng "anti-fan" để phá hoại danh tiếng của các thần tượng. Đây cũng là lần đầu tiên chính phủ trực tiếp ra tay giải quyết vấn nạn fan cuồng.

Một bài viết trên trang tin nhà nước Trung Quốc vừa qua đã nêu rõ nguồn gốc vấn đề nằm ở các công ty giải trí "thèm khát tiền bạc".

Theo đó, các công ty đã sử dụng chiến thuật marketing đánh vào tâm lý người hâm mộ rằng họ đang "chia sẻ cùng cảm xúc, uy tín, danh vọng và vinh quang" với thần tượng nhằm "thao túng cảm xúc", hướng họ thực hiện bầu chọn, gây quỹ và lao vào những cuộc chiến vô nghĩa trên mạng với các thần tượng thuộc các công ty đối thủ. Tờ Guangming Daily chỉ trích các công ty biến cộng đồng người hâm mộ thành một công cụ để tăng lợi nhuận và lũng đoạn ngành công nghiệp giải trí cũng như trật tự xã hội.

Eve Ng, một giáo sư nghiên cứu về truyền thông tại Đại học Ohio chuyên về văn hoá người hâm mộ, cho biết cộng đồng người hâm mộ của các thần tượng không phải là nét đặc trưng chỉ có ở Trung Quốc, nhưng những hành vi cuồng nhiệt quá mức của họ thì khó nơi đâu bì kịp.

"Những người trẻ tuổi có quá ít cơ hội và lựa chọn trên những lĩnh vực khác - không có quyền bầu chọn chính trị, họ đơn giản là gây dựng một sự nghiệp theo cách mà bố mẹ và xã hội chỉ cho họ" - Ng nói. "Có lẽ đây là lĩnh vực mà bạn có thể chọn và làm mọi thứ bạn thực sự muốn và cảm thấy thực sự thích thú về điều đó".

Nếu những hoạt động này bị chính phủ giới hạn, "người ta sẽ làm gì nếu không thể theo đuổi những đam mê và sở thích trong thế giới giải trí? Họ phải có một nơi nào đó để đi chứ" - Ng đặt câu hỏi.

Minh.T.T (theo Nikkei)

Chủ đề khác