VnReview
Hà Nội

Góc khuất nghề sửa chữa cho Apple: lao động Việt bức xúc vì bị áp bức

Phải làm việc vất vả nhưng chỉ được hưởng mức lương ít ỏi, nhiều người đã đứng lên tố cáo CSAT để đòi lại công bằng cho chính mình và đồng nghiệp.;

Lao động người Việt bị chèn ép

Một cựu quản lý người Mỹ gốc Việt, cho biết CSAT Solutions là nơi làm việc phổ biến với cộng đồng người Việt tại Houston, vì công việc không yêu cầu kỹ năng sử dụng tiếng Anh. Người lao động cũng có thể nghỉ việc vài tuần hoặc vài tháng để về thăm gia đình và tiếp tục làm việc khi họ trở lại, người quản lý cũ chia sẻ. 

Tuy nhiên, theo Business Insider, nhiều công nhân người Việt phàn nàn về mức lương thấp. Báo cáo của BYNTV, một kênh tin tức tiếng Việt ở Houston, cho biết hàng trăm công nhân đã đình công vào năm 2013 để yêu cầu được tăng lương. Phuong Tran, một lao động tại CSAT, nói với Business Insider rằng cô và đồng nghiệp chỉ kiếm được nhiều nhất là 5 USD sau khi sửa xong thiết bị. "Thu nhập của chúng tôi quá thấp và nó không đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày", cô nói. 

Vào năm 2014, một cựu giám đốc tên là Edward Ngo đã kiện CSAT Solutions, cáo buộc rằng công ty phân biệt đối xử trong lao động. Cụ thể, ban quản lý CSAT bắt đầu gây khó dễ cho Ngo sau cuộc đình công 2013 dù anh không tham gia. Trong đơn kiện, ông ghi mình bị giáng chức từ giám đốc xuống nhân viên kỹ thuật. Ông nói thêm rằng CSAT cố tình trả lương cho người lao động Việt Nam thấp hơn so với lao động nước khác. "Ban đầu, công nhân được trả khoảng 5 đến 7 USD cho mỗi thiết bị sửa xong, nhưng sau đó giảm xuống còn 3 USD đến 5 USD", trích dẫn từ đơn kiện vào năm 2014. 

Trong năm 2015, công ty phản hồi đơn kiện của Ngo rằng ông đã thất bại trong việc sử dụng các lựa chọn của mình để chiến thắng vụ kiện. Tất cả hình phạt mà CSAT áp đặt lên Ngo là không phân biệt đối xử và được thực hiện với thiện chí. Joseph Seefen, cựu kỹ thuật viên, cho biết anh đã chứng kiến ​​cách đối xử này đối với công nhân Việt Nam. Ông nói: "Họ bắt lao động Việt Nam làm việc như những nô lệ".

Edward Ngo không phải là người duy nhất kiện CSAT. Business Insider phát hiện có thêm 7 vụ kiện chống lại công ty từ năm 2009. Trong đó, bốn người cáo buộc không trả lương làm thêm giờ, hai người nói rằng công ty phân biệt giới tính, một người tố cáo cấp trên bao che cho những quản lý quấy rối tình dục nhân viên.

Tất cả vụ kiện trên đã được giải quyết. CSAT viết trong hồ sơ kháng cáo từng vụ kiện này rằng họ không ủng hộ bất kỳ hành vi phân biệt đối xử hoặc trả đũa nào.

"Tức nước vỡ bờ"

Phần lớn các sản phẩm của Apple được sản xuất ở châu Á, chủ yếu là Trung Quốc. Các nhà phê bình đã chỉ trích gã khổng lồ công nghệ Mỹ vì trả lương thấp và cung cấp một môi trường làm việc kém trong các cơ sở đó. Tuy nhiên, Apple trả lời rằng Foxconn, hãng sản xuất theo hợp đồng Đài Loan, mới chính là nhà điều hành các xưởng sản xuất này. Bên cạnh Apple, Foxconn còn là đối tác của nhiều ông lớn khác như Amazon, Sony và Nintendo.  

Apple dường như duy trì một khoảng cách an toàn đối với các vụ bê bối tại CSAT Solutions, điển hình là việc họ tuyển dụng nhân viên và quản lý nhờ vào Tập đoàn StaffMark. Điều này đang gây ra một mớ hỗn độn về trách nhiệm giải trình khiến người lao động gặp bất lợi, luật sư H.Scott Leviant, cố vấn cấp cao tại một công ty luật ở Los Angeles cho biết. 

Leviant nói với Business Insider rằng hình thức sử dụng các bên thứ ba tuyển dụng nhân sự là đặc trưng của các công ty như CSAT Solutions, đối tác của các tập đoàn điện tử. "Vì họ không biết liệu mình có phải thay đổi mô hình sửa chữa khi Apple ra mắt sản phẩm mới hay không, nên họ phải làm vậy", Leviant cho biết. 

Tuy nhiên, Leviant cũng không phủ nhận việc làm này gây ra nhiều bất lợi cho người lao động. "Đó là một tình huống khó khăn cho nhân viên vì họ có hai người chủ", anh nói. "Việc khó chịu với một trong hai người sẽ làm ảnh hưởng tới công việc và đồng lương ít ỏi của họ". Về phía CSAT, đại diện của họ nói rằng: "Tại CSAT Solutions, chúng tôi cố gắng tạo ra một môi trường làm việc an toàn, thân thiện và cởi mở cho hơn 2.000 cộng sự cũng như cung cấp dịch vụ phụ trợ cho khách hàng".

Các công nhân cho biết Tập đoàn StaffMark hiếm khi giải quyết các rắc rối liên quan đến lao động. Họ cho biết mình từng cố gắng báo cáo những vấn đề tại làm việc cho cơ quan này, nhưng mọi thứ mãi không có gì thay đổi. Một quản lý của CSAT Solutions cho biết khi anh yêu cầu các cơ quan nhân sự đưa ra cảnh cáo đối với những công nhân không làm việc nghiêm túc, họ hiếm khi thực hiện.

"Tôi không nghĩ công ty hợp đồng sẽ dành thời gian của họ cho nhân viên", một kỹ thuật viên nói. Ngay cả CSAT Solutions cũng né tránh và đùn đẩy trách nhiệm qua cho Atterro và StaffMark. Có rất nhiều công nhân đã khiếu nại thất bại, nhưng chưa ai cố gắng liên hệ trực tiếp với Apple. Đại diện CSAT từ chối bình luận về StaffMark Group. Họ chỉ nói rằng các kỹ thuật viên có nhiều cách để trình báo các mối lo ngại và không chia sẻ thêm điều gì. 

Đối với những người đang nỗ lực làm việc để nhận cơ hội thăng tiến ở CSAT Solutions cũng dần tỏ ra tuyệt vọng. Một người quản lý cũ cho biết cô được thuê với mức lương 12 USD/giờ cùng lời hứa rằng cô sẽ được tăng lương nếu thể hiện tốt sau 6 tháng làm việc. Cô chia sẻ rằng cô đã trở thành một nhà quản lý "được kính trọng" trong bộ phận của mình, kể cả các bộ phận khác. Tuy nhiên, công ty liên tục "phớt lờ" chuyện tăng lương và thăng chức mãi cho đến khi cô đe dọa sẽ rời đi. 

"Tôi nói với họ, 'Này, tôi nghĩ tôi sẽ tìm kiếm một công việc khác'", cô nói thêm. "Và họ nói: ‘Ồ. Chúng tôi vừa mới tăng lương cho cô đấy'". Một nhân viên khác cũng cho biết anh chưa bao giờ được tăng lương. Trong cuộc phỏng vấn với Business Insider, anh nói mình không còn động lực làm việc và nghỉ việc sau một thời gian dài "cống hiến". "Để trả tiền thuê nhà, tôi phải làm việc ở CSAT hơn 60 giờ/ tuần, kể cả thứ Bảy", một kỹ thuật viên khác cho biết. 

"Khách hàng là thượng đế"

Gần đây, ba kỹ thuật viên cho biết Apple đã bổ sung thêm hai bộ phận mới ở CSAT: thay thế pin và phục hồi các thiết bị "đã chết". "Họ tiếp tục thuê thêm người để mở rộng hoạt động kinh doanh sửa chữa", một kỹ thuật viên nói. "Đó là dấu hiệu tốt – họ sẽ giúp duy trì công ty"

Một số nhân viên tiết lộ rằng người của Apple tham quan cơ sở của CSAT ở Houston ít nhất 2 lần một năm. Đôi khi họ còn mang theo một bảng hỏi để kiểm tra các kỹ thuật viên. Khi các kiểm toán viên của Apple đến thăm, quản lý CSAT sẽ bắt nhân viên làm một số công việc khác nhau nhằm che mắt họ. 

Điển hình là việc sử dụng thiết bị gọi là "que đen" – công cụ để mở MacBook thay vì sử dụng máy mở vỏ chuyên dùng. Thông thường, các kỹ thuật viên ở CSAT được yêu cầu là phải dùng thiết bị này, nhưng khi có nhân viên Apple đến thăm, họ lập tức bị yêu cầu chuyển sang sử dụng máy mở vỏ. "Họ muốn bạn làm việc một cách giả tạo, sau đó họ lại tiếp tục tiết kiệm chi phí bằng cách ép bạn sử dụng lại nó, miễn sao bạn lấy được những bộ phận đó ra", một kỹ thuật viên cho biết. 

Mặc dù có nhiều "góc khuất" ở CSAT, nhưng điều Apple quan tâm là họ vẫn giữ vững được chữ tín trong lòng khách hàng. Munster cho biết: "Tôi luôn hài lòng với dịch vụ Apple, đặc biệt là sửa chữa. Thiết bị luôn được trả lại nhanh chóng và hoạt động tốt như ban đầu". Ông nói thêm: "Tôi không biết nội bộ CSAT có chuyên gì, nhưng họ chưa bao giờ làm Apple phải thất vọng về dịch vụ của mình. Đứng ở góc độ của người tiêu dùng, tôi nghĩ đây là một chiến thắng của Apple"

Chí Tôn

Chủ đề khác