VnReview
Hà Nội

Cuộc chiến bảo vệ giống sầu riêng ngon nhất thế giới tại Malaysia

Cuộc chiến đất đai khiến cho người dân khốn đốn, không đủ tiền trang trải cho cuộc sống và tương lai sau này.

Một nông dân ở Raub thu hoạch sầu riêng vào tháng Hai (ảnh: MOHD RASFAN)

Ở Đông Nam Á, sầu riêng với danh xưng "vua trái cây" là điều không thể bàn cãi.;Tách lớp vỏ xanh đầy gai bên ngoài của nó ra, bạn sẽ được chiêm ngưỡng phần cơm màu vàng, khi ăn có cảm giác như món bánh sữa trứng tan chảy trong miệng.

Tuy nhiên, thứ mùi đặc trưng của nó lại gây nên nhiều sự chia rẽ. Sầu riêng có mùi hăng đến nỗi, đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain từng nói chúng khiến hơi thở của bạn có mùi giống như nụ hôn kiểu Pháp dành cho người chết. Trong khi nhà phê bình ẩm thực Richard Sterling cho rằng "mùi của nó nên được miêu tả tốt nhất là tương tự mùi phân lợn, nhựa thông, hành tây và điểm xuyết thêm bằng một chiếc tất tập thể dục".

Loại trái cây này nặng mùi đến nỗi bị cấm vận chuyển trên các phương tiện giao thông công cộng ở Thái Lan, Nhật Bản, Singapore và Hồng Kông.

Dẫu vậy, sầu riêng vẫn là một món thết đãi đặc biệt trong các hộ gia đình châu Á với mức giá không hề rẻ. Loại trái cây này cũng là chủ đề của cuộc chiến ngày càng gay gắt kéo dài hàng năm giữa những người nông dân Malaysia trồng sầu riêng cao cấp và một tập đoàn được chính phủ hậu thuẫn đang cố gắng kiếm tiền từ loại trái cây được yêu thích này.

Thị trấn Raub thuộc bang Pahang của Malaysia

Trung tâm của cuộc tranh cãi này là một giống sầu riêng đặc biệt: Musang King. Nó được mệnh danh là vàng mọc trên cây và một cây đơn có thể giúp cho người nông dân kiếm được tới 1000 USD mỗi năm.

Hầu hết sầu riêng Musang King trên thế giới đến từ Raub, một thị trấn khai thác lâu đời với 100.000 dân, đã trở thành "thủ phủ sầu riêng của Malaysia" sau khi những người nông dân phát hiện ra đất đai và khí hậu nơi đây hoàn hảo để trồng loại trái cây này.

Gia đình Tan Wai Kiat đã trồng Musang King trên một đồn điền ở Raub suốt 20 năm qua. Cũng giống như rượu vang, cây sầu riêng càng lâu năm càng cho trái ngon hơn. Trung bình, cây phải trưởng thành 10 năm trước khi có thể cho trái Musang King theo tiêu chuẩn công nghiệp. 

Vụ mùa từng mang lại cho Tan khoảng 46.000 USD một năm, trong khi thu nhập trung bình hàng năm của đất nước là gần 6000 USD.

Nhưng tất cả những gì còn lại nơi trang trại của Tan lúc này là những khúc gỗ và bùn. Vào giữa tháng 7, cơ quan lâm nghiệp bang đã chặt hạ 15.000 cây sầu riêng, bao gồm toàn bộ diện tích trồng hơn 5ha của Tan.

Một trong những trang trại Musang King bị xóa sổ bởi sở lâm nghiệp bang ở Pahang, Malaysia

Những nông dân như Tan tin rằng việc phá hủy 15.000 cây có nghĩa là một lời cảnh báo đối với những người trồng sầu riêng khác, vì khu vực này chỉ được giải tỏa khoảng 250 trong tổng số 5.537 mẫu đất có liên quan đến tranh chấp.

Khi nghe tin đồn điền của mình bị phá hủy, Tan và những nông dân bị ảnh hưởng khác đã vội vã đến đó để thương lượng với các quan chức. Một đoạn video trên mạng cho thấy căng thẳng giữa hai bên diễn ra khá kịch liệt. Các nhà chức trách tiểu bang đã phong tỏa khu vực này, nhóm nông dân bị bắt vì tội xâm phạm và bị giam giữ trong 48 giờ. Nhiều ngày sau, toàn bộ trang trại của Tan bị xóa sổ.

"Tôi không biết phải nghĩ gì nữa. Tôi không biết mình phải làm gì. Có cảm giác như chẳng có luật lệ gì ở đất nước này", ông nói.

Cuộc chiến Musang King của Raub bắt đầu khi nhu cầu bùng nổ ở Trung Quốc

Vào năm 2020, một lễ hội sầu riêng ở Trung Quốc đã bán hết 15 triệu USD Musang King trong vòng 60 phút và hàng loạt du khách Trung Quốc đã trả tiền để đến thăm các đồn điền của Raub.

Sầu riêng hiện là trái cây nhập khẩu số 1 của Trung Quốc tính theo giá trị , và nước này đã mua 2,3 tỷ USD vào năm ngoái. Trước đây, Trung Quốc đã đưa sầu riêng từ Thái Lan về, đây là quốc gia có thỏa thuận thương mại độc quyền với Bắc Kinh về sầu riêng tươi, nhưng thỏa thuận bán sầu riêng đông lạnh vào năm 2019 với Malaysia đã khiến sự quan tâm của Trung Quốc đối với loại sầu riêng Musang King của Malaysia tăng vọt.

Sầu riêng bán trong siêu thị Singapore không rẻ chút nào (ảnh: Julie Gerstein)

Chuyên gia về sầu riêng Charles Phua, người sở hữu một cửa hàng sầu riêng ở thành phố cho biết Musang King đã xuất hiện ít nhất 20 năm ở Singapore. Đó là lý do tại sao mà khách hàng thường bắt đầu xếp hàng một giờ trước khi cửa hàng mở cửa mỗi sáng trong suốt mùa thu hoạch. Trước đại dịch, người nước ngoài bay vào Singapore chỉ để mua Musang King, ông nói. 

Musang King vàng là "nổi tiếng nhất trong số đó" bởi thứ hương vị vừa đắng vừa ngọt ngào lại pha lẫn chút vị kem độc nhất vô nhị của nó.

Tước đoạt những vựa sầu riêng

Nông dân Musang King cho biết khi sự quan tâm đến việc trồng sầu riêng ngày càng tăng, thì bắt đầu có sự can thiệp từ chính quyền bang Raub.

Hầu hết các trang trại Musang King ở Raub - giống như của Tan - được xây dựng trên đất thuộc sở hữu của chính phủ và vì thế nó đang được vận hành mà không có sự cho phép của chính quyền.

Những người nông dân cho biết họ đã cố gắng hợp pháp hóa trang trại của mình trong nhiều năm qua. Ông Tan cho biết gia đình ông đã nộp đơn về quyền sở hữu đất nhiều lần từ năm 2011. Lần đề nghị mới nhất của ông là vào năm 2015 và vẫn đang chờ giải quyết. Mặc dù vậy, gia đình của Tan vẫn trồng trọt Musang King yên bình mà không có sự can thiệp từ nhà nước cho đến hiện tại. "Họ thấy có lợi nhuận và giờ họ muốn vào và tranh giành quyền sử dụng đất", ông nói.

Cơn sốt sầu riêng Musang King đã diễn ra ở Singapore trong 20 năm qua. Một kg Musang King có thể kiếm được tới 30 USD (ảnh: Charles Phua)

Đây là khi Royal Pahang Durian Group (RPDG) tham gia vào cuộc chơi. Công ty ra đời khoảng năm 2017, hợp tác với bộ phận nông nghiệp của bang. Các cổ đông bao gồm hoàng gia của đất nước - con gái của quốc vương là chủ tịch hội đồng quản trị. Vào tháng 6 năm 2020, chính quyền bang đã trao cho RPDG hơn 2.225 ha đất Musang King.

Vấn đề là đất đai nơi đây đã là nơi sinh sống của khoảng 1.000 nông dân Musang King. RPDG nói với nông dân rằng họ sẽ cho nông dân thuê lại đất - chính mảnh đất mà những người nông dân đó đã canh tác trong nhiều thập kỷ với mức phí một lần khoảng 1.400 USD cho 0.4 ha.

Nhưng đất thuê còn đi kèm với nhiều điều kiện ràng buộc. Những người nông dân được yêu cầu bán sầu riêng của họ cho tập đoàn với mức giá cố định khoảng 4,30 USD/nửa kg. Giá này thấp hơn nhiều so với giá thị trường của Musang King, có thể lên tới 6,80 USD/nửa kg. Trên hết, tập đoàn tính phí thêm 1 USD mỗi nửa kg Musang King, họ nói sẽ được tính vào các khoản phí khác và thuế đất của bang.

Hiệp hội cho biết kế hoạch là nhằm bảo vệ ngành công nghiệp Musang King khỏi các đối thủ nước ngoài và người nông dân sẽ thu được nhiều lợi nhuận theo chủ trương này.

Đáp lại, 204 nông dân đã thành lập một nhóm gọi là Musang King Alliance (Liên minh Musang King), cho rằng đề xuất mang tính bóc lột và sẽ biến họ thành "nô lệ thời hiện đại".

Một công nhân chở một giỏ sầu riêng trên xe máy tại trang trại ở Raub, Malaysia (ảnh: MOHD RASFAN)

Hãy xem trang trại bị phá hủy hiện tại của Tan là một ví dụ. Nếu hợp đồng thuê được áp dụng cho trang trại, nó sẽ khiến ông mất 40% trong tổng số doanh thu 46.000 USD hàng năm của mình. Ông cho biết mình từng chi gần 1/3 doanh thu cho nhân công, phân bón và phòng trừ sâu bệnh mỗi năm. Nếu những chi phí đó kết hợp với tiền thuế đất mới cùng với mức giá bán thấp hơn thị trường, về cơ bản ông sẽ chẳng kiếm được gì.

Chiang Heng Mun, một nông dân khác có đồn điền rộng 8 ha đã bị triệt phá hoàn toàn trong tháng này, cho biết sở lâm nghiệp bang và tập đoàn đang tạo nên sự sợ hãi nơi những người trồng Musang King.

"Đây là những cái cây mà tôi đã đổ mồ hôi và nước mắt của mình trong nhiều năm", ông nói. Chiang là trụ cột duy nhất của gia đình, sống cùng vợ, bố mẹ và hai con trong ngôi nhà nông thôn gần Raub. Gia đình anh là nông dân trồng sầu riêng đã 20 năm.

"Chúng tôi đã cố gắng gặp họ để giải quyết mọi việc, nhưng họ không phản hồi. Chúng tôi chỉ muốn đối xử công bằng vì chúng tôi đã canh tác ở đây trong nhiều năm", ông nói.

"Làm sao gia đình tôi có thể sống sót sau đại dịch?"

Liên minh nông dân có kế hoạch tiến hành cuộc chiến pháp lý trên hai "mặt trận". Mục tiêu chính ở đây là giải quyết câu hỏi vì sao đất đai lại được cho tập đoàn RPDG thuê, Chow Yu Hui, một nghị sĩ bang của Malaysia và chính trị gia đối lập, người đã tập hợp nông dân lại cho biết.

Ông Chow cho biết: "Chúng tôi có nhiều tài liệu để chứng minh rằng những người nông dân này đã trồng trọt ở đây 30, 40 năm, xây dựng nên thương hiệu Musang King. Tại sao không cho họ thuê đất?".

Liên minh cũng lập luận rằng 15.000 cây bị phá hủy trong tháng này là trên phần đất đai được bảo vệ bởi một tòa án cấp trên. Những người nông dân đã cố gắng đảm bảo thêm thời gian trước khi bị thu hồi đất tại Tòa án cấp sơ thẩm vào tháng 1, cho phép họ trở lại đồn điền và trồng trọt cho đến khi hồ sơ của họ được xem xét. Theo Insider, lệnh của tòa án cấp trên đã được đưa ra bao gồm cả việc ngăn chặn tàn phá cây Musang King.

Cơ quan lâm nghiệp bang cho biết những cây sầu riêng bị chặt phá không nằm trong lệnh của tòa án, nhưng phát ngôn này đã bị Chow và những người nông dân phủ nhận.

Tan Wei Kiat sống với gia đình 10 người của mình trong ngôi nhà ở Raub này (ảnh: Save Musang King Alliance)

Tuy nhiên, tranh chấp vẫn khó cho nông dân vì ranh giới chính xác của đất bán cho RPDG vẫn chưa được tiết lộ công khai, Chow nói. Liên minh nông dân hiện đang tìm cách đưa ra một đề xuất với chính quyền bang cho phép họ bán sầu riêng tự do theo giá thị trường và được đối xử như các đối tác bình đẳng. 

Ngay cả khi họ thành công, không còn nhiều tương lai cho những người nông dân như Tan và Chiang, khi các đồn điền của họ đã biến mất. 

Tan có kế hoạch giúp đỡ các trang trại khác để nuôi đại gia đình 10 người của mình. Anh và anh trai của mình, những người có vườn sầu riêng cũng bị phá hủy trong tháng này, là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình.

Chiang cho biết mình sở hữu hợp pháp vài ha đất ngoài đồn điền bị phá hủy của mình, nơi anh trồng các loại trái cây khác như chuối. Nhưng nếu không có Musang King, sẽ không dễ để gia đình trang trải chi phí. Chiang đang tìm kiếm những công việc lặt vặt, nhưng anh cho biết hầu như không thể tìm được việc làm bây giờ.

"Tôi không còn hy vọng, không còn ước mơ nữa. Khi họ chặt hết cây của tôi, làm sao gia đình tôi có thể sống sót sau đại dịch?", Chiang nói.

Giang Vu (theo Insider)

Chủ đề khác