VnReview
Hà Nội

Các nhà hàng ở New York cấm thực khách chụp ảnh món ăn

Gần đây khi xu hướng chia sẻ đời sống cá nhân trên mạng xã hội trở nên phổ biến, chúng ta đã quen với việc ai đó chụp ảnh một món ăn mà họ đang được phục vụ tại một nhà hàng nào đó và gửi lên Facebook, Twitter. Trong khi mọi người xúm vào bình luận về bức ảnh cũng như món ăn có trong ảnh, ít ai biết các ông chủ nhà hàng không hài lòng, thậm chí muốn cấm thực khách chụp ảnh món ăn.

Các nhà hàng ở New York cấm thực khách chụp ảnh món ăn

Báo New York Times mới đây đưa tin cho biết, một số nhà hàng ở New York đã áp đặt một lệnh cấm hoàn toàn các khách hàng chụp ảnh món ăn ngay cả khi họ chỉ sử dụng điện thoại để chụp nhanh một vài kiểu.

Một đầu bếp tên David Bouley chia sẻ với New York Times về những người thường xuyên chụp ảnh món ăn trong nhà hàng: "Có những khách du lịch nước ngoài, mặc dù mang theo máy ảnh lớn nhưng họ có xu hướng chụp ảnh một cách kín đáo. Cũng có những người sử dụng đèn flash và làm phiền mọi người xung quanh. Lại có những người mang theo gorillapods - những chân máy loại nhỏ linh hoạt – và đặt lên bàn loay hoay chụp ảnh".

Với những vị khách như vậy, nhà hàng mà David Bouley làm việc sẽ lập tức tiếp cận họ, nhưng thay vì nói rằng khách hàng không được chụp ảnh các món ăn – những món ăn mà họ rất tự hào được ăn đến nỗi mà ngay lập tức họ muốn chia sẻ với tất cả mọi người, nhà hàng sẽ đưa món ăn đó trở lại nhà bếp và đề nghị khách chụp ảnh món ăn trong bếp.

Tuy nhiên, không phải tất cả các đầu bếp và các chủ nhà hàng đều có điều kiện làm như vậy, nhất là khi hiện nay máy ảnh đã trở nên rất phổ biến và mọi người có xu hướng chụp ảnh mọi món họ ăn. Rất nhiều người đã đăng trên blog của họ món salad Quinoa hay món mì ramen, bất chấp cái nhìn khó chịu của các thực khách xung quanh. Nhiều người thay vì thưởng thức các món ăn thì lại lo sắp xếp bố cục để chụp ảnh, thậm chí trèo cả lên ghế để có được bức ảnh ưng ý. Không chiều khách như ông Bouley, một số nhà hàng ra lệnh cấm chụp ảnh hoàn toàn.

cấm chụp ảnh món ăn

Theo bài báo của New York Times, một trong những lý do mà các thực khách đến với một nhà hàng là vì danh tiếng của người đầu bếp, và khi được phục vụ một món ăn do người đầu bếp đó nấu nướng thì họ rất muốn được chia sẻ niềm vui và niềm tự hào của họ với bạn bè và người thân bằng cách chụp ảnh và gửi lên mạng xã hội hoặc trang cá nhân.

Tuy nhiên, lý lẽ của các ông chủ và các đầu bếp khi không muốn thực khách chụp ảnh là vì nhiều người không để ý là họ đang làm phiền những người xung quanh khi chụp ảnh món ăn, khiến người khác khó tập trung vào món ăn. Moe Issa, chủ nhà hàng Chef's Table tại Brooklyn, cho biết ông đã cấm chụp ảnh tại nhà hàng 18 chỗ ngồi của mình: "Một số người không hiểu tại sao lại phải cấm chụp ảnh, nhưng chúng tôi giải thích rằng đó là một bàn ăn lớn và chúng tôi muốn những người xung quanh có thể thưởng thức bữa ăn của họ. Họ phải trả rất nhiều tiền cho bữa ăn này. Hơn nữa nó làm đầu bếp bị phân tâm. Đó là chưa kể bạn không thể nào có được một buổi tối đáng nhớ khi mà ánh đèn flash cứ chốc chốc lại lóe lên", ông nói.

Thật khó mà nói được ai là người cảm thấy khó chịu nhất với tình trạng chụp ảnh món ăn tràn lan hiện nay: những người đầu bếp/chủ nhà hàng, các thực khách, hay là những người đi cùng người chụp ảnh. Emma Kate Tsai, một biên tập viên sống ở Houston, cho biết người cha 64 tuổi của cô thường khiến gia đình phát bực với những bức ảnh chụp thực phẩm mà ông chụp với chiếc máy ảnh lớn cồng kềnh đeo trên ngực áo. "Nó thực sự khó chịu", cô nói, "bởi vì chúng tôi không thể ăn cho đến khi ông chụp ảnh xong". Bực nhất là khi gia đình đi ăn ở một nhà hàng Trung Quốc, "thức ăn liên tục được mang tới mà chúng tôi thì cứ phải ngồi chờ bố tôi chụp ảnh. Đã thế ông chẳng hề chụp ảnh con cái hay các cháu mà chỉ để ý xem món ăn lên ảnh thế nào". Emma cũng cho biết cha cô thường xuyên đưa các bức ảnh chụp được vào trong các file PowerPoint và sau đó gửi qua e-mail cho các thành viên trong gia đình, mỗi file như thế thường nặng tới 11 MB.

Trong khi đó, Valery Rizzo, người giảng dạy trong một lớp học về chụp ảnh thực phẩm bằng điện thoại iPhone, cho rằng xu hướng này đang có vấn đề. Rất nhiều hình ảnh chụp món ăn không hề có trọng tâm, bị đèn flash làm hỏng. Bà Rizzo thường chỉ cho các học viên cách sử dụng những ứng dụng có sẵn, như Instagram, Foodie SnapPak và Camera +, và cố gắng để dạy cho họ những bài học về ánh sáng cũng như bố cục. "Quy tắc số 1 là không dùng đèn flash. Nó làm hỏng ảnh chụp thực phẩm", bà nói.

Theo New York Times, bất chấp sự khó chịu và bất mãn của các ông chủ nhà hàng hoặc những người đầu bếp, xu hướng chụp ảnh thực phẩm sẽ còn tiếp diễn. Những người đam mê chụp ảnh thực phẩm chắc chắn sẽ ngạc nhiên khi biết có những nhà hàng đang cấm chụp ảnh, họ cho rằng việc chụp ảnh của họ thậm chí còn có tác dụng quảng cáo miễn phí cho nhà hàng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng các food blogger (những người viết blog về các món ăn) cũng thu hút hàng trăm nghìn người like và theo dõi trên trang cá nhân của họ, càng khiến họ đam mê chụp ảnh, chưa kể những lợi ích khác từ việc chia sẻ những trải nghiệm cá nhân.

Còn bạn, bạn đã bao giờ khoe món ăn trên Facebook chưa?

Ngọc Mai

Chủ đề khác