VnReview
Hà Nội

Châu Á: chỗ dựa cho PC eSports

Ngày 13/10 năm ngoái, gần 8000 fan của game Liên minh Huyền Thoại (viết tắt là LoL) đã tới sân vận động của Đại học Nam California để theo dõi trận chung kết của giải game LoL Thế giới. Cùng lúc đó hơn 8,2 triệu người trên toàn cầu đã theo dõi trận đấu này qua mạng Internet. Đội chiến thắng là Taipei Assansins đã giành được giải thưởng lên tới một triệu USD.

Châu Á: chỗ dựa cho PC eSports.

Đội Taipei Assansins nhận cúp vô địch của giải LoL Thế giới mùa thứ 2.

Nghề thi đấu game trên PC (hay PC eSport) đang trở nên hot trở lại, khác hẳn so với thời điểm năm 2008 – khi những game thủ PC tưởng như sắp biến mất hoàn toàn. Những phần thưởng cho các giải đấu như trên nghe có vẻ nhiều – nhưng nó không phải là một con số cá biệt. Rất nhiều game thủ hiện đang kiếm sống bằng cách tham gia các giải LoL hoặc Starcraft 2.

Dĩ nhiên đây không phải là một công việc ổn định, nhưng những game thủ chuyên nghiệp có thể kiếm được rất nhiều tiền từ nghề này – nhất là ở các nước châu Á. Thậm chí, theo PC World thì các thị trường châu Á sẽ là điểm tựa để các PC eSport ngày càng phát triển.

Cái chết của PC eSport chỉ là sự phóng đại

Vào những năm cuối của thập niên 2000, khi những ngày huy hoàng của Doom, Quake và Starcraft 1 đã qua, game PC(máy tính cá nhân)không thể cạnh tranh với sự trỗi dậy của các game console(các hệ máy chuyên chơi game như Xbox 360, PS 3 hay Wii)như Halo 3, Call of Duty 4 … Ngành kinh doanh PC eSport trở nên điêu đứng khi các giải game nổi tiếng dần biến mất. Nhưng vẫn còn những game thủ chuyên nghiệp cố gắng bám trụ, và giờ họ đã được tưởng thưởng xứng đáng.

Châu Á: chỗ dựa cho PC eSports

Giải đấu Championship Gaming Series trước đây luông có phần thưởng rất lớn, nhưng đột ngột ngừng tổ chức từ năm 2008

Vậy nhờ đâu mà nghề thi đấu game trên PC trở lại được thời kỳ huy hoàng của mình? Đó là nhờ một chuỗi các sự kiện đã diễn ra nhằm khôi phục ngành game PC, sự khôi phục của nền kinh tế châu Á, và sự xuống dốc của các nhà sản xuất game console.

Vậy người châu Á đã cứu vớt game PC như thế nào?

Mặc dù các hệ console có thể cạnh tranh mạnh mẽ với game trên PC ở các thị trường như châu Âu và Bắc Mỹ, ở châu Á PC vẫn là số một. Trong cuộc chiến với hệ máy console, khu vực Đông Á và Đông Nam Á (viết tắt là SEA) đã trở thành trái tim của PC eSport. Đây là cái nôi sản sinh ra các game thủ xuất sắc nhất: tất cả các game thủ Starcraft hàng đầu đều là người Hàn Quốc, còn đế chế LoL thì ngự trị ở Đài Loan. Nhưng tại sao lại là châu Á mà không phải một nơi nào khác?

Một lý do giải thích cho điều này là việc Trung Quốc và một số nước SEA khác không cho phép bán máy chơi game gần 15 năm nay, và có rất ít nơi cung cấp các máy chơi game. Lẽ dĩ nhiên, game PC có một chỗ đứng vững chắc ở những quốc gia này.Thay vì phải chạy đi rất xa để kiếm máy chơi game, bạn có thể ngồi nhà và chơi game trên PC qua mạng LAN.

Ở Hàn Quốc, các máy chơi gamekhông bị cấm, nhưng thuế nhập khẩu đã khiến cho giá của chúng trở nên quá cao. Thêm vào đó, có lẽ việc lắp đặt hệ thống Internet tốc độ cao đã khuyến khích các game thủ PC,và mật độ dân số cao ở đây khiến cho việc tìm kiếm những đối thủ cùng đẳng cấp trở nên dễ dàng.

Châu Á: chỗ dựa cho PC eSports

Năm nay giải LoL All-Star sẽ được tổ chức ở Thượng Hải.

Trong ngắn hạn, các game console sẽ khó có thể phát triển tại những quốc gia này, khi mà mọi người đều muốn chơi game PC với bạn bè tại những "PC Baangs" – cách gọi những tụ điểm game ở Hàn Quốc. PC Baangs là một nơi tuyệt vời dành cho các trận đấu đỉnh cao. Những game thủ trẻ tuổi thường xuyên tụ họp tại đây để luyện tập, thi đấu và thảo luận về những tựa game được yêu thích như StarCraft hay LoL.

"Trong vài thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã có thêm rất nhiềugame thủ PC" – theo Lewis Ward, một nhà phân tích game làm việc tại International Data Corporation – "Vì vậy thực tế cho thấy các PC Baangs sẽ vẫn là tâm điểm ở đây. Và đó là lý do tại sao bạn có thể dễ dàng kiếm được những game miễn phí như LoL tại những quốc gia này".

Các game PC online miễn phí rất phổ biến ở những nước này bởi vì thu nhập của người dân ở đây vẫn thấp hơn các nước phương Tây rất nhiều. Ví dụ như ở Trung Quốc, thu nhập bình quân đầu người hàng năm vẫn chỉ khoảng 6000 USD. Vì vậy dễ hiểu tại sao kể cả các game thủ nhiệt thành nhất cũng phải chần chừ khi phải bỏ ra 60 USD (hoặc hơn) cho một video game. Điều này cũng lý giải tại sao bản quyền phần mềm vẫn đang là một vấn đề nhức nhối ở các nước châu Á. Mặt khác, các game online khó có thể bị vi phạm bản quyền hơn nhiều, khi mà người chơi chỉ phải trả tiền cho các trang bị phụ thêm của nhân vật.

Khi mà các game PC phải trả phí như Counter Strike hay StarCraft đã gây tiếng vang trên toàn cầu, thì sự thành công của các game online miễn phí như LoL đã đưa PC eSport lên một tầm cao mới.

Châu Á: chỗ dựa cho PC eSports

Các fan cổ vũ cho đội của mình tại giải LoL Thế giới mùa thứ hai.

Gần ¼ trong số 8,2 triệu người theo dõi giải LoL Thế giới đến từ châu Á. Việc dễ dàng gia nhậpcác fanbase trên toàn thế giới là một lợi thế quá lớn mà game console không bao giờ có thể có được. Nền tảng máy tínhcho phép cùng chơi hoặc theo dõi game ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Các dịch vụ như GOMTV ở Hàn Quốc hay Twitch.tv ở Mỹ có thể truyền trực tiếp hình ảnh từ các trận đấu tới người xem trên máy tínhmà họ dùng để chơi game và giao tiếp với bạn bè – điều mà game console không thể làm được.

Tin tốt đối với PC eSport là thị trường Đông Á và Đông Nam Á vẫn đang tăng trưởng đều đặn. Nhưng bên cạnhchâu Á đóng góp một phần không nhỏ, thì lượng fan ở Mỹ và châu Âu cũng đã góp phần khôi phục vị thế của PC eSport.

Game console không dành cho eSport

Sự thống trị eSport hiện giờ của PC game một phần nhờ vào sự thất bại của game console, khi chỉ có một dòng game console là được coi là thể thao điện tử trong những năm qua: game võ thuật đối kháng. Mặc dù các game bắn súng như Halo hay Call of Duty ngày càng có nhiều người chơi, khả năng thu hút lâu dài của chúng vẫn kém những game đối kháng. Các tựa game đối kháng đã rất phổ biến trong những năm 90, khi chúng đem lại môi trường cạnh tranh và sôi động cần thiết. Tuy vậy, game đối kháng đã không thể nắm bắt cơ hội trong lĩnh vực thể thao điện tử, do các công ty sản xuất game không nhận ra tiềm năng của lĩnh vực này.

Châu Á: chỗ dựa cho PC eSports

Hàng nghìn game thủ tụ tập tại Las Vegas cho giải Evolution – giải đấu dành cho game võ thuật lớn nhất trong năm.

Trong quá khứ, không hiểu sao Capcom lại không thấy được rằng có hàng chục nghìn fan yêu thích các game của họ tới mức tự tổ chức những giải thi đấu lớn, và do đó bỏ lỡ cơ hội thống trị lĩnh vực eSport. Hiện giờ mọi chuyện có vẻ đã khá hơn, nhưng Capcom vẫn thất bại trong việc phân bổ nguồn lực cho việc quảng bá và tổ chức những giải thi đấu quốc tế như Blizzard và Riot đã làm với World of Warcraft hay LoL.

Điều đó một phần là do Capcom không còn lớn mạnh như trước nữa, nhưng cũng bởi Capcom đã không thể có được cái nhìn bao quát về thị trường game thế giới.

Hạn chế tới từ Nhật Bản

Ở Nhật Bản, luật cấm đánh bạc đã hạn chế nhiều hình thức thi đấu vì tiền. Điều này đã gây ra một vấn đề đối với các fan của game chiến đấu, bởi vì Nhật Bản là trung tâm của thể loại game này. Tất cả các game chiến đấu hay nhất đều được làm ra ở đây, và hầu hết các game thủ hàng đầu đều là người Nhật Bản. Nhưng do không thể tự quảng bá và giới thiệu mình – cũng như thiếu sự hỗ trợ từ các nhà sản xuất – ngành kinh doanh game chiến đấu đã phát triển chậm dần, tạo điều kiện cho sự thống trị của game PC trên thị trường thi đấu game chuyên nghiệp.

Mọi thứ đều vì tiền

Không còn nghi ngờ gì nữa, nhân tố quyết định dẫn tới sự thống trị eSport của PC là quảng cáo. Hiện có rất ít những nhà quảng cáo quan tâm đến việc tài trợ cho các giải đấu trên console như Halo hay Call of Duty. Trong khi đó, các giải PC eSport luôn được gắn liền với các thương hiệu như ;Kingston, Logitech, Tritton, Turtle Beach, Alienware hay Razer.

Châu Á: chỗ dựa cho PC eSports

Team Taipei Assansins được tài trợ bởi Razer.

Những công ty này đã tài trợ cho các giải game PC trong hơn 10 năm. Và giờ thì môn thể thao này đã đủ lớn mạnh để thu hút hàng trăm nghìn khán giả và các nhà tài trợ lớn như Dr.Pepper, Red Bull … Và với xu hướng này, liệu các giải đấu PC có thể đạt tới tầm của NBA hay NFL hay không?

Câu trả lời là không! Những môn thể thao như bóng rổ hay bóng bầu dục đã trở thành một phần của văn hóa Mỹ. Tuy nhiên, khi nhìn vào những con số thống kê, có thể thấy PC eSport đã và đang trở thành một mối đe dọa.

Lấy một ví dụ: đài truyền hình thể thao NBC đã đạt được mức 139.000 người theo dõi trận đấu giữa đội Philadelphia Union và Columbus Crew vào tháng Tư vừa rồi. Trong khi đó, kênh trực tuyến LoL đã ghi nhận con số 250.000 lượt theo dõi trận đấu giữa đội Curse và Vulcan vào ngày 28/4.

Dĩ nhiên những con số này chỉ mang tính tương đối, vì các trận của MLS thường diễn ra cùng lúc, nên một trận đấu đơn lẻ không thể nói lên được tất cả. Nhưng các trận đấu PC eSport cũng có những lợi thế riêng phù hợp cho việc phát sóng truyền hình: không cần phải có những sân vận động lớn đắt tiền hay đội ngũ phóng viên đi tác nghiệp – các trận đấu có thể được thu trong các studio hoặc thậm chí diễn ra trên mạng.

Châu Á: chỗ dựa cho PC eSports

Giải đấu Dreamhack ở Thụy Điển là một trong những giải Starcraft 2 lớn nhất trong năm.

Các giải đấu game PC chưa đủ lớn để thu lợi qua việc phát sóng trên truyền hình – ít nhất là bên ngoài lãnh thổ Hàn Quốc – nhưng những gì còn thiếu ở các kênh chính thống, có thể thu được qua các kênh khác. Đặc điểm của PC game cho phép các trận đấu có thể lan tỏa một cách dễ dàng thông qua các mạng xã hội như Twitter hay Facebook, do đó thu hút được các fan trên toàn thế giới.

Đó là tin tốt dành cho môn eSport cũng như các fan hâm mộ của nó: chi phí thấp và dễ dàng thu hút người xem trên toàn thế giới. Cùng với việc các nền kinh tế châu Á ngày càng phát triển, và các nhà quảng cáo ngày càng quan tâm đến các kênh truyền hình online, sự quan tâm dành cho các giải thi đấu game ngày càng tăng là điều hiển nhiên.

Và trong sự phát triển đó, game PC sẽ là người đi tiên phong. Câu hỏi duy nhất còn lại đó là khi nào game console có thể theo kịp được? Sony sắp cho ra mắt hệ máy Playstation 4 với tính năng truyền hình trực tiếp, và nếu các nhà sản xuất game console có thể nắm bắt được điều này, biết đâu chúng ta có thể lại được chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa hai hệ máy PC và console. Có thể PC sẽ mất vị thế dẫn đầu của mình – hoặc Sony – nhưng chắc chắn một điều: cả người chơi và các fan hâm mộ sẽ là những người chiến thắng.

Anh Minh

Chủ đề khác