VnReview
Hà Nội

Mỹ: Snowden thực sự muốn làm tổn hại an ninh quốc gia Mỹ

Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Edward Snowden còn lâu mới kết thúc. Sau khi ngủ lại một đêm tại sân bay Moscow, cựu nhân viên của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ – đồng thời cũng là người rò rỉ các bí mật quốc gia của Mỹ được cho là sẽ bay tới Cuba, Venezuela và cuối cùng sẽ tị nạn tại Ecuador.

1

Song, chính quyền Mỹ đang yêu cầu Nga trao trả lại Snowden cho Washington.

Snowden, người cũng từng đóng vai trò kỹ thuật viên của CIA, đã rời khỏi Hong Kong vào ngày chủ nhật vừa qua để trốn tránh yêu cầu dẫn độ của Mỹ với các cáo buộc tình báo. Bộ trưởng ngoại giao Ecuador, Ricardo Patino, cho biết chính quyền nước này đã nhận được yêu cầu tị nạn của Snowden. Ông này cũng cho biết rằng quyết định của Ecuador về yêu cầu này sẽ bao gồm "quyền tự do ngôn luận và an ninh của toàn bộ các công dân trên thế giới". Ông Patino không nói rõ chính quyền Ecuador sẽ đợi đến khi nào để công bố quyết định cuối cùng.

WikiLeaks, tổ chức chuyên rò rỉ các tài liệu mật, cho biết họ sẽ giúp đỡ Snowden.

Ecuador trước đó đã từ chối yêu cầu hợp tác của Hoa Kỳ, và hiện đang giúp đỡ Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks, thoát khỏi sự xét xử của Mỹ và các quốc gia khác bằng cách cho ông này tị nạn tại đại sứ quán của Ecuador tại London.

Snowden đã bay chuyến bay từ Hong Kong tới Moscow vào ngày chủ nhật và đã đặt vé chuyến bay tới Cuba vào ngày thứ hai, theo 2 hãng tin ITAR-Tass và Interfax của Nga – với nguồn tin là các quan chức giấu tên của một hãng hàng không.

Patino cho biết: "Chúng tôi biết rằng anh ta đang ở Moscow, và chúng tôi đang liên lạc với cấp chính quyền cao nhất tại Nga."

Một quan chức điều hành cao cấp đã trả lời phỏng vấn với CBS News: "Khẳng định của Snowden rằng ông ta muốn ủng hộ sự trung thực và sự tự do của báo giới, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư và dân chủ bị phủ định bởi những chính quyền mà anh ta đã lựa chọn để bảo vệ mình: Trung Quốc, Nga, Cuba, Venezuela và Ecuador. Việc anh ta không chỉ trích các chính quyền này cho thấy mục đích thật sự của Snowden là gây tổn hại tới an ninh quốc gia Mỹ, chứ không phải là đẩy mạnh quyền tự do Internet và quyền tự do ngôn luận".

Snowden đã đưa một số tài liệu tới 2 tờ báo Guardian và Washington Post tiết lộ thông tin về chương trình theo dõi điện tử của chính quyền Mỹ – một chương trình nhân danh tình báo quốc tế để thu thập một lượng lớn các cuộc gọi và dữ liệu Internet từ chính người dân Mỹ. Các quan chức Mỹ thông thường cũng có khả năng thu thập thông tin từ các cuộc gọi và Internet, song họ cần phải có một yêu cầu từ tòa án nhằm kiểm tra những trường hợp riêng biệt – khi các hoạt động khủng bố có thể sẽ xảy ra.

Snowden đã trốn tại Hong Kong – một khu vực tự trị khá độc lập với Trung Hoa Đại Lục trong nhiều tuần qua. Chính quyền Mỹ đã chính thức yêu cầu dẫn độ Snowden từ Hong Kong về đối mặt với các cáo buộc tình báo song đã bị từ chối: chính quyền Hong Kong cho biết yêu cầu của Mỹ không phù hợp với điều luật tại khu vực này.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã phủ nhận tuyên bố nói trên của Hong Kong với khẳng định rằng yêu cầu từ phía Mỹ hoàn toàn đáp ứng mọi nhu cầu về hiệp định dẫn độ giữa Mỹ và Hong Kong. Trong các cuộc nói chuyện tuần trước, bao gồm một cuộc bộ đàm giữa Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder và Bí thư Tư pháp Hong Kong Rimsky Yuen, các quan chức Hong Kong đã không đưa ra được vấn đề nào về tính hợp lệ của yêu cầu từ phía Mỹ, một đại diện của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết.

Hoa Kỳ hiện nay đang liên lạc với các quốc gia mà Snowden có thể đến cư trú hoặc đi qua bằng các kênh ngoại giao và luật pháp, nhắc nhở với các quốc gia này rằng Snowden đang bị cáo buộc vi phạm pháp luật và tái khẳng định quan điểm của Washington rằng Snowden chỉ có thể được đưa về Mỹ – theo một quan chức của Bộ Tư pháp Mỹ. Hộ chiếu Mỹ của Snowden đã bị vô hiệu hóa.

Các quan chức của Mỹ đều giấu tên khi cung cấp thông tin do họ không được quyền bàn bạc về vấn đề Snowden một cách công khai.

Một quan chức giấu mặt của hãng hàng không Aeroflot đã được ITAR-Tass và Interfax dẫn lời cho biết rằng Snowden đã đến Moscow trong một chuyến bay vào ngày Chủ nhật. Thông tin từ phía Nga cho rằng Snowden dự định bay đến Cuba vào ngày thứ Hai, sau đó bay tiếp tới Caracas, Venezuela.

Nhà Trắng đang hi vọng dừng chân được Snowden trước khi anh ta rời Moscow.

Tuy vậy, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc làm gián đoạn chuyến đi của Snowden. Hoa Kỳ không hề có hiệp ước dẫn độ với Nga (mặc dù có hiệp ước với Cuba, Venezuela và Ecuador). Tuy vậy, kể cả với một hiệp ước dẫn độ, bất kì một quốc gia nào cũng có quyền cho Snowden trở thành ngoại lệ.

Khả năng một trong số các quốc gia này giữ chân Snowden không cho phép đi tới Ecuador tỏ ra rất hạn chế. Trong khi căng thẳng ngoại giao đã giảm xuống giữa Cuba và Mỹ, 2 quốc gia này không phải là đồng minh – thậm chí, 2 bên đã trải qua một nửa thế kỷ mâu thuẫn. Venezuela, một quốc gia khác trên đường đi của Snowden, cũng sẽ rơi vào trường hợp tương tự. Cố tổng thống Hugo Chavez là một kẻ thù của Mỹ, và người kế nhiệm của ông, Nicolas Maduro, đầu năm nay đã gọi Tổng thống Obama là "kẻ đứng đầu lũ quỉ dữ". 2 quốc gia này không hề có đại sứ ngoại giao.

Tuy vậy, Snowden không có nhiều lựa chọn – theo lời luật sư của Assange, Michael Ratner.

"Anh ta phải đến một quốc gia sẵn sàng đối mặt với Hoa Kỳ. Anh ta không có nhiều lựa chọn", Ratner cho biết.

Hiện tại, chưa rõ Snowden có tiếp tục tung các thông tin tuyệt mật hay không.

Snowden có khả năng sở hữu tới 200 tài liệu bí mật, Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, thông báo trong chương trình "Face the Nation" (Đối mặt với quốc gia") của CBS.

Việt Dũng

Chủ đề khác