VnReview
Hà Nội

Nhà sáng lập Bose qua đời

Nhà tiên phong về các công nghệ âm thanh đồng thời cũng là người sáng lập hãng Bose nổi tiếng trong lĩnh vực này, tiến sĩ Amar Bose vừa qua đời ngày hôm nay (13/7 theo giờ Việt Nam). Ông thọ 83 tuổi.

amar gopal bose

Là nhà sáng lập và chủ tịch của công ty gia đình, ông Bose không ngừng tập trung cải tiến các công nghệ thanh âm. Các sản phẩm loa do công ty ông làm ra dù có giá bán rất cao song nổi tiếng với khả năng mang chất lượng âm thanh từ rạp hát về ngôi nhà của bạn.

Bằng cách từ chối phát hành cổ phiếu ra thị trường, ông Bose có thể theo đuổi các công trình nghiên cứu mạo hiểm và dài hơi như tai nghe chống ồn và hệ thống treo tân tiến dành cho ô tô mà không phải chịu áp lực từ các buổi công bố kết quả kinh doanh hàng quý.

Trong một buổi phỏng vấn với tạp chí Popular Science, ông phát biểu: "Tôi có thể bị đuổi việc hàng trăm lần tại các công ty khác. Tuy nhiên tôi không bao giờ kinh doanh vì tiền. Tôi kinh doanh để mình có thể làm những điều thú vị mà trước đây không thể được thực hiện".

Là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo và đam mê nhạc cổ điển, ông Bose cảm thấy thất vọng bởi chất lượng của dàn âm thanh nổi đắt đỏ mà ông mua được khi còn là sinh viên trường MIT vào những năm 1950. Niềm đam mê về âm thanh trỗi dậy và ông nhận ra một điều rằng 80% âm thanh nghe được tại rạp hát ở dạng không trực tiếp, nghĩa là chúng đập lại tường và các vật cản khác trước khi đến tai người nghe.

Điều này cùng với các kiến thức vật lý cơ bản đã hình thành nền tảng cho nghiên cứu của ông. Vào những năm 1960, Bose chế tạo một kiểu loa nổi dựa trên lý thuyết về tâm thính học (psychoacoustics), môn học về sự cảm nhận âm thanh. Thiết kế của ông gồm nhiều loa nhỏ hướng về phía tường xung quanh chứ không phải trực tiếp đến người nghe nhằm dội lại âm thanh, tái tạo âm thanh nghe được ở trong rạp hát. Năm 1964, nhờ sự động viên của người thầy tại MIT, Tiến sĩ Y. W. Lee, ông sáng lập công ty cá nhân để theo đuổi những công trình nghiên cứu dài hạn về thanh âm. Tập đoàn Bose ban đầu chỉ nhận các hợp đồng quân sự, song tầm nhìn của ông Bose hướng đến việc sản xuất thế hệ loa nổi mới.

Dù những sản phẩm đầu tiên không được như mong đợi, ông Bose không hề chùn chân. Năm 1968, ông giới thiệu hệ thống loa Bose 901 Direct/Reflecting – một sản phẩm bán chạy trong vòng 25 năm và củng cố vị thế của Bose với tư cách là nhà sản xuất hàng đầu trong thị trường thiết bị âm thanh cạnh tranh đầy khốc liệt. Không giống như các bộ loa từng có chỉ phát ra âm thanh thẳng, 901 sử dụng cả âm thanh trực tiếp lẫn phản chiếu.

Các phát minh sau này của ông bao gồm đài Bose Wave nổi tiếng và tai nghe chống ồn Bose. Ngay cả quân đội và các phi công thương mại cũng sử dụng những đôi tai nghe này.

Một phần mềm của Bose cho phép các kĩ sư thanh âm mô phỏng âm thanh nghe được từ bất cứ vị trí nào trong rạp hát, kể cả trước khi rạp được xây dựng. Hệ thống này được dùng để thiết kế hệ thống âm thanh tại các không gian rộng lớn như Staples Center ở Los Angeles, Sistine Chapel và Masjid al-Haram – giáo đường hồi giáo ở Mecca.

Năm 1982, một số hãng xe hơi nổi tiếng, trong đó có Mercedes-Benz và Porsche bắt đầu tích hợp hệ thống âm thanh Bose vào xe của mình. Cho đến ngày nay Bose vẫn là thương hiệu được ưa chuộng trong lĩnh vực này.

Niềm đam mê dạy học của tiến sĩ Bose cũng không hề kém so với niềm đam mê nghiên cứu. Sau khi lấy bằng cử nhân, thạc sĩ rồi tiến sĩ chuyên ngành Kĩ sư điện tử tại Học viện MIT vào những năm 1950, Bose trở lại sau suất học bổng Fullbright tại Viện nghiên cứu Vật lý Quốc gia ở New Delhi, Mỹ rồi tham gia giảng dạy tại MIT vào năm 1956.

Ông dạy tại đó trong vòng hơn 45 năm. Đến năm 2011, Bose tặng phần lớn cố phần của công ty cho trường, giúp trường nhận cổ tức của hãng hàng năm. MIT không được phép bán cổ phần và không được tham gia vào công việc quản lý của Tập đoàn Bose.

Ông Bose không chỉ gây ấn tượng ở công ty mà còn ở trường học. Môn học thanh âm của ông còn đề cập đến các khía cạnh của cuộc sống chứ không chỉ xoay quanh kiến thức điện tử, Alan V. Oppenheim, một đồng nghiệp của Bose tại MIT cho biết.

"Ông ấy không chỉ nói về thanh âm và còn cả triết lý sống, hành vi con người và những điều quan trọng trên đời. Ông là người có những chuẩn mực đáng kinh ngạc".

Tiến sĩ William R. Brody, hiệu trưởng trường Salk Institute tại La Jolla, Mỹ từng là học trò của Bose vào năm 1962. Ông cho biết: "Lớp học của ông ấy cho tôi sự can đảm để giải quyết các vấn đề với độ rủi ro cao, trang bị cho tôi khả năng xử lý tình huống cần thiết để tôi có thể thành công trong nhiều ngành nghề. Amar Bose dạy tôi cách suy nghĩ".

Amarr Gopal Bose sinh ngày 2/11/1929 tại Philadelphia, Mỹ. Bố của ông, Noni Gopal Bose là một người đấu tranh cho tự do ở Bengal, học vật lý tại Đại học Calcutta khi ông bị bắt và bỏ tù vì phản đối sự cai trị của Anh tại Ấn Độ. Ông bỏ trốn và bay tới Mỹ vào năm 1920 và cưới một cô giáo Mỹ.

Ở tuổi 13, Bose đã có thể sửa chữa đài radio kiếm tiền tiêu vặt. Trong Thế chiến II, khi công việc nhập khẩu của cha gặp khó khăn, tiệm sửa chữa đồ điện của Bose đã giúp nuôi sống gia đình ông. Sau khi tốt nghiệp trung học, Bose được nhận vào trường MIT năm 1947.

Là một vận động viên cầu lông và bơi tích cực, tiến sĩ Bose dành vài tuần mỗi năm tại nhà nghỉ dưỡng của mình ở Hawaii.

Bose và vợ cũ, Prema có 2 người con, Vanu Bose – giờ là chủ công ty Vanu Inc. tại Cambridge, Massachusetts và Maya Bose. Người vợ thứ 2 của ông có tên Ursula.

Việt Dũng

Chủ đề khác