VnReview
Hà Nội

Chính quyền Nga bắt Internet phục vụ

Hoạt động của quan chức Nga trong các mạng xã hội sẽ được tăng cường, nhưng phải đúng quy định. Văn phòng Tổng thống Nga đặt các nhà nghiên cứu tìm ra mô hình toán học, thông qua đó đại diện các cơ quan chính phủ có thể giao tiếp hiệu quả với nhân dân qua Internet. Người ta cho rằng bằng cách đó các quan chức sẽ có thể cải thiện hình ảnh của mình và đưa chính sách nhà nước đến với công chúng tốt hơn.

Internet là sân chơi xã hội ngày càng phổ biến. Các nhà hoạt động đối lập là những người đầu tiên nhận thấy và sử dụng điều đó. Thông qua phương tiện truyền thông xã hội, họ đã tổ chức các cuộc biểu tình của dân chúng để phản đối chính phủ. Bây giờ điện Kremlin quyết định nắm bắt sáng kiến này. Tổng giám đốc Trung tâm Chính trị hiện đại Sergei Mikheyev cho biết:

"Càng ngày lĩnh vực thông tin càng thâm nhập sâu rộng vào mạng Internet. Ở các nước phương Tây, khoảng 80-90% dân số thường xuyên sử dụng Internet. Ở Nga, con số này không phải là quá cao, nhưng nó đang phát triển đều đặn. Ở các thành phố lớn, Internet đã vượt lên trước đài phát thanh và thậm chí cả truyền hình. Nó trở thành một kênh rất quan trọng phổ biến thông tin và ý kiến công chúng, các chuyên gia nhấn mạnh. Bởi vậy, chính phủ muốn tìm hiểu cách thức hoạt động và làm việc qua Internet."

Theo đơn đặt hàng, đến tháng Mười một năm nay, các nhà phân tích phải gửi danh sách khuyến nghị cho chính quyền tổng thống, nêu rõ những mạng xã hội nào phổ biến nhất, được tin cậy nhất đối với người Nga, qua đó người ta nhận được tin tức nhanh nhất. Hơn nữa, mô hình toán học được chuẩn bị sẽ chỉ ra các thông tin được phổ biến như thế nào và có hiệu quả ra sao trên Internet. Trên cơ sở của nghiên cứu này sẽ nêu ra yêu cầu và phương pháp tiếp cận trong hoạt động của các cơ quan nhà nước với phương tiện truyền thông xã hội. Bằng cách đó, chính quyền có thể tạo ra nền tảng tin tức và tạo ảnh hưởng đối với dư luận xã hội. Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin chính trị Alexei Mukhin cho biết:

"Các công nghệ hiện có đã trở nên lỗi thời. Vì vậy, cần có một mô hình mới, không chỉ không cần tiến hành chiến dịch tuyên truyền truyền thống mà vẫn phổ biến hành động của người đứng đầu nhà nước cho người dân, mà còn chứng minh những tác động tích cực của những hành động ấy. Rõ ràng đây là công việc rất tinh tế, ông Alexei Mukhin nói. Ranh giới giữa tư tưởng và tuyên truyền là gần như vô hình. Đây là lý do tại sao lại cần dịch vụ của cộng đồng khoa học, chứ không phải là các nhà nghiên cứu chính trị. Ý tưởng chính của văn phòng tổng thống ở giai đoạn này là từ bỏ công nghệ chính trị với công chúng và thiên về định hướng quy hoạch chiến lược. Đây là một xu hướng tích cực, cần được duy trì và phát triển."

Phải nói rằng nhiều quan chức Nga đã tích cực hoạt động trên Internet. Hầu như tất cả mọi người đều có trang riêng của họ trên các mạng xã hội và blog. Tuy nhiên, cho đến bây giờ đó là sáng kiến cá nhân của họ, thậm chí có lần vì điều đó mà họ đã bị chỉ trích. Bởi vì khi một người có thẩm quyền sử dụng Twitter, các thông điệp của ông ta sẽ mang tính chất chính thức. Gần đây, khi bình luận một bài viết trên báo Moscow, Phó Tổng thư ký Ủy ban đảng "Nước Nga thống nhất" Andrei Isayev đã viết rằng ông ta không để ý đến ý kiến của bọn "sâu bọ" vì không đáng quan tâm. Ý kiến được công bố trên Internet gây ra phản ứng náo động trong giới nhà báo. Chính khách phải biện minh, nhấn mạnh rằng đó là phản ứng cảm xúc cá nhân thái quá của mình mà không có liên quan đến vai trò chính thức của đảng. Để tránh sự cố như vậy, hoạt động của cơ quan nhà nước trên Internet cần được quy định chặt chẽ, và bản thân các quan chức cần học cách sử dụng kênh truyền thông này.

Theo RUVR

Chủ đề khác