VnReview
Hà Nội

Facebook chưa được "tha" tại 28,78 km2 ở Thượng Hải

Theo báo South China Morning Post (SCMP) của Trung Quốc, những người sinh sống và làm việc trong khu vực tự do thương mại ở Thượng Hải đã có thể truy cập vào Facebook, Twitter và các trang "nhạy cảm chính trị" khác từ cuối tuần qua. Thông tin này được rất nhiều báo đưa lại và xem đó là tín hiệu tốt, song mới đây, có các lãnh đạo chính phủ Trung Quốc lại phủ nhận thông tin đó và khẳng định mọi biện pháp kiểm duyệt không có gì thay đổi.

Theo báo South China Morning Post (SCMP), cuối cùng một số lượng nhỏ người dân ở Trung Quốc cũng đã có thể truy cập và các trang web mạng xã hội như Facebook, Twitter và những trang "nhạy cảm chính trị" khác từ cuối tuần vừa qua. Lệnh cấm truy cập vào những trang web này được đặt ra từ năm 2009 sau khi có những vụ bạo động xảy ra và chính phủ Trung Quốc ra chính sách cấm từ đó.

Mặc dù đã nới lỏng lệnh cấm song chỉ những người sống và làm việc ở khu vực thương mại tự do mới ở Thượng Hải mới được phép truy cập này những trang web này. ;

Nhưng chính xác thì khu vực tự do thương mại là ở đâu và rộng bao nhiêu? SCMP cho biết đó là một khu vực rộng 28,78 km2 ở Thượng Hải, thành phố có dân số đông nhất ở Trung Quốc. Khu vực này nằm ở khu Phố Đông mới của Thượng Hải và sẽ bao gồm khu vực miễn thuế Waigaoqiao, cảng nước sâu Yangshan và khu sân bay quốc tế. Các quan chức chính phủ giấu tên của Trung Quốc cho biết trong vài năm tới khu vực tự do thương mại này sẽ bao phủ toàn bộ quận Phố Đông – thêm khoảng 1.210 km2.

Trung Quốc nổi tiếng kiểm duyệt Internet chặt chẽ. Cho đến nay, có hơn 2.000 website đã và đang bị chặn tại vùng đại lục (không bao gồm Macau và Hong Kong) và theo tổ chức Ân xá Quốc tế, Trung Quốc "có số tù nhân là nhà báo và blogger lớn kỷ lục thế giới". Hồi năm ngoái, Trung Quốc cũng chặn truy cập vào trang New York Times của Mỹ. Theo bình luận của báo chí phương Tây, việc nới lỏng lệnh cấm Facebook, Twitter và các trang web khác tại khu vực thương mại tự do này có thể là dấu hiệu tốt.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang có các chính sách cởi mở, chào đón các công ty nước ngoài thiết lập cửa hàng, công ty trong khu vực, đặc biệt là các công ty viễn thông cung cấp kết nối Internet. China Mobile, China Unicom, và China Telecom, ba công ty viễn thông lớn nhất đất nước, không hề có băn khoăn gì về mối nguy cạnh tranh đến từ các công ty nước ngoài bởi họ đều là những tập đoàn nhà nước và quyết định cuối cùng để các nhà đầu tư nước ngoài vào phải được sự phê chuẩn của các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc.

"Để chào đón các công ty nước ngoài đầu tư và để người nước ngoài sống và làm việc thoải mái, hạnh phúc ở khu vực tự do thương mại, chúng tôi phải nghĩ cách để họ cảm thấy như đang ở nhà. Nếu họ không thể vào Facebook hoặc đọc New York Times, họ có thể tự hỏi khu vực tự do thương mại có gì đặc biệt so với các khu vực khác của Trung Quốc", một đại diện chính phủ nói với báo SCMP.

Khu vực tự do thương mại Thượng Hải dự kiến sẽ ra mắt vào cuối tháng này.

Tuy nhiên, thông tin cập nhật trên trang Digitaltrends cho biết các quan chức Trung Quốc đã phủ nhận thông tin của SCMP và phát biểu trên Nhân dân Nhật báo – tờ báo được xem là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – rằng các biện pháp kiểm soát Internet trong khu vực tự do thương mại ở Thượng Hải "sẽ không thay đổi" và các hoạt động trên mạng Internet vẫn bị kiểm soát chặt chẽ, và truy cập vào Facebook vẫn bị chặn.

Hoàng Lan

Theo Digital Trends

Chủ đề khác