VnReview
Hà Nội

Sốc: Bà mẹ trẻ bị ném đá đến chết vì sử dụng di động

Một phụ nữ trẻ người Pakistan tên Arifa Bibi mới đây đã bị chính những người họ hàng ném đá đến chết theo yêu cầu của một tòa án bộ lạc sau khi bị buộc tội tàng trữ một chiếc điện thoại di động.

Người mẹ trẻ bị ném đá đến chết vì… dùng điện thoại di động

Phụ nữ tại các bộ lạc ở Pakistan bị cấm sử dụng điện thoại di động. Ảnh minh họa.

Truyền thông Pakistan đưa tin, Arifa Bibi đã bị chú, những người anh em họ và nhiều người khác trong bộ tộc ném đá và gạch vào người cho đến chết. Vụ việc diễn ra tại huyện Dera Ghazi Khan thuộc tỉnh Punjab.

Hai trong số những người họ hàng của Arifa Bibi cho biết, cô đã bị áp dụng hình phạt ném đá theo quyết định của pancahayat – một hệ thống tư pháp và chính trị địa phương – sau khi bị bắt gặp đang sử dụng một chiếc điện thoại di động.

Sau khi bị hành hình, thi thể người mẹ hai con này đã được chôn cất trên vùng sa mạc cách xa ngôi làng mà cô sinh sống. Hai người họ hàng nói trên cho biết thêm, việc chôn cất Arifa không hề được thông báo cho gia đình cô, kể cả hai đứa con của cô cũng không được dự đám tang.

Tại nhiều bộ lạc ở Pakistan, việc một người phụ nữ sở hữu một chiếc điện thoại di động được xem là một tội danh cực kỳ nghiêm trọng, thậm chí được xem tương đương với tội giết người hay tội đánh bom khiến nhiều người thiệt mạng. Vụ việc sau khi được công bố đã khiến nhiều người tại Pakistan phẫn nộ, song đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy những thành viên của panchayat liên quan đến vụ hành quyết bị bắt giữ. Nguyên nhân được cho là do các cơ quan của Chính phủ gần như đã bị vô hiệu hóa trước các uy quyền và tiền bạc của những người đứng đầu trong bộ lạc.

Các nhà hoạt động vì nữ quyền cho biết, Arifa không phải là nạn nhân duy nhất từng bị ném đá đến chết vì bị buộc một "tội danh" nào đó. Tục lệ dã man này hiện được xem là hình phạt hợp pháp tại 1/3 các bang của Nigeria, Pakistan, Ả rập Xê-út, Somalia, Sudan, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Yemen.

Tại các nước Mauritania và Quatar, hình phạt này không được thực hiện dù vẫn được xem là hợp pháp. Nhưng ngược lại, tại các nước như Afghanistan và Iraq, dù ném đá là bất hợp pháp nhưng lực lượng phiến quân, những người đứng đầu các bộ lạc và nhiều đối tượng khác vẫn ngang nhiên thực thi hình phạt dã man này mà không hề bị truy tố.

Hầu hết các ý kiến cho rằng hình phạt ném đá không hề được đề cập trong kinh Koran, nhưng nó lại được xem là một hình phạt cụ thể theo một số cách diễn dịch của luật sharia hay luật Hồi giáo. Trong một số trường hợp, những người phụ nữ khai báo việc họ bị hãm hiếp có thể bị xem là đã thừa nhận tội danh quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, như trường hợp của bé gái 13 tuổi người Somali Aisha Ibrahim Duhulow.

Cô bé đã bị chôn đến cổ và bị 50 người đàn ông ném đá đến chết trước sự chứng kiến của khoảng 1.000 người tại một sân vận động ở Kismayu hồi năm 2008. Aisha đã bị buộc tội ngoại tình sau khi cố tìm cách tố cáo việc cô đã bị ba người đàn ông hiếp dâm tập thể. Đặc biệt, người phụ nữ thường là đối tượng của tục lệ man rợ này.

Trước các thực trạng này, các nhà hoạt động vì nữ quyền mới đây đã phát động một chiến dịch trên phạm vi toàn cầu nhằm thúc giục chính quyền các nước đưa ra một lệnh cấm hoàn toàn đối với hình phạt ném đá. "Ném đá là hình phạt độc ác và vô nhân tính. Đó chính là hình thức tra tấn người khác đến chết" – bà Naureen Shameem, một thành viên trong nhóm vận động vì quyền phụ nữ quốc tế cho hay. Bà Naureen cho biết thêm, bà và các cộng sự cũng đang tích cực vận động để thúc giục Liên Hợp quốc thông qua một nghị quyết cấm áp dụng hình phạt ném đá, tương tự như việc loại bỏ hủ tục cắt bộ phận sinh dục ở nữ giới hồi năm ngoái.

Trong khi đó, Ủy ban về quyền con người châu Á cũng đang thúc giục Quốc hội Pakistan đưa ra các đạo luật chống lại các tòa án bộ lạc bất hợp pháp như panchayat. Tổ chức này cũng yêu cầu Chính phủ Pakistan truy tố những quan chức cảnh sát cấp cao tại quận Dera Ghazi Khan vì hành vi lơ là trách nhiệm trong quá trình điều tra vụ việc của Arifa Bibi.

Ném đá được xem là hành vi trái với một loạt các hiệp ước của Liên Hợp quốc, trong đó có Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, vốn cấm áp dụng các biện pháp tra tấn hoặc các hình phạt tàn bạo, vô nhân tính đối với các cá nhân. Cũng theo Công ước đã được cả Iran và Pakistan tham gia này, việc xử tử chỉ được áp dụng đối với những người bị buộc các tội danh nghiêm trọng nhất.

;Theo Pháp luật Việt Nam 

Chủ đề khác