VnReview
Hà Nội

Mỹ lo Snowden tung tài liệu các cục tình báo nước ngoài hợp tác với Mỹ

Các quan chức Mỹ đang cảnh báo một số cục tình báo nước ngoài về việc những tài liệu mô tả chi tiết về mối quan hệ bí mật của họ với nước Mỹ đang nằm trong tay cựu điệp viên Cục An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden.

Các quan chức chính phủ Mỹ cho biết Snowden đang giữ hàng chục ngàn tài liệu, một số chứa những thông tin rất nhạy cảm về các chương trình thu thập chống lại những nước đối địch như Iran, Nga và Trung Quốc. Một số tài liệu đề cập đến các hoạt động liên quan đến những quốc gia không công khai liên minh với Mỹ.

Những tiết lộ xung quanh các hoạt động gián điệp, ngoại giao này đang khiến chính phủ Mỹ điên đầu, còn các nước đồng minh với Mỹ tức giận.

Các quan chức chính phủ Mỹ cho biết Snowden đang giữ hàng chục ngàn tài liệu, một số chứa những thông tin rất nhạy cảm về các chương trình thu thập chống lại những nước đối địch như Iran, Nga và Trung Quốc.

Theo bình luận của báo Mỹ Washington Post, việc thông báo cho quan chức các nước về rủi ro bị lộ thông tin, tài liệu mật vô cùng tế nhị và nhạy cảm. Các quan chức chính phủ Mỹ cho biết trong một số trường hợp, một số bộ phận các chính phủ có thể biết về các hoạt động hợp tác, tình báo này song cũng có một số bộ phận chính phủ - chẳng hạn như bộ ngoại giao – có thể không biết về các hoạt động đó. Những tài liệu, thông tin hợp tác này nếu bị tiết lộ có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác giữa Mỹ và các cơ quan tình báo nước ngoài mà cả trong nội bộ quốc gia đó.

Những thông báo về nguy cơ lộ thông tin mật đến đúng lúc chính quyền Tổng thống Obama đang phải cố xoa dịu các đồng minh sau khi có các cáo buộc NSA đã do thám các nhà lãnh đạo của họ, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel. Các cáo buộc này đã khiến Mỹ phải giảm nhẹ một số hoạt động với các nước bạn bè, đồng thời cố gắng bảo vệ các chương trình phụ thuộc vào các đối tác tạm thời. Dù trong bất cứ trường hợp này, vụ việc đã khiến lòng tin vào nước Mỹ bị ảnh hưởng.

"Đó chắc chắn là một vấn đề đáng lo ngại, vì nhiều hoạt động thu thập của Mỹ chống lại các đồng minh châu Âu bị đưa lên mặt báo. Điều đó không chỉ khiến các hoạt động thu thập bị gián đoạn mà còn đe doạ làm hỏng các mối quan hệ", một phụ tá của Quốc hội Mỹ nói.

Hiện nay, các quan chức Mỹ cho biết Văn phòng Giám đốc Cục tình báo quốc gia (ODNI) đang xử lý công việc thông báo với các cục tình báo các nước. Tuy nhiên, ODNI từ chối bình luận về vấn đề này.

Chính quyền Tổng thống Obama đang phải cố xoa dịu các đồng minh sau khi có các cáo buộc rằng NSA đã do thám các nhà lãnh đạo của họ

Theo các nguồn tin yêu cầu ẩn danh khi thảo luận về các vấn đề nhạy cảm này, Snowden đã lấy các tài liệu từ một mạng lưới tối mật của Cục Tình báo Quốc phòng và được sử dụng bởi các cơ quan tình báo của Quân đội, Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến. Cụ thể, Snowden đã lấy 30.000 tài liệu liên quan đến hoạt động tình báo của một trong các cục tình báo. Anh ta cũng đã tiếp cận được các tài liệu qua Hệ thống Truyền thông Tình báo liên toàn cầu, hay JWICS, và nắm được các thông tin cực kỳ nhạy cảm.

Những tài liệu này chủ yếu liên quan đến các hoạt động tình báo của NSA về khả năng quân sự của các quốc gia khác, như hệ thống vũ khí gồm tên lửa, tàu và máy bay phản lực. Mặc dù Snowden đang có trong tay số lượng lớn các tài liệu song nhiều người cho rằng anh ta sẽ không chia sẻ tất cả tài liệu với các nhà báo. Hơn nữa, Snowden cũng sẽ lo lắng cho sự an toàn của bản thân khi cung cấp các tài liệu.

"Snowden đã nói rõ ràng là sẽ không tiết lộ hết các hoạt động an ninh quốc gia và tình báo quốc gia hợp pháp", Thomas Drake, một cựu quan chức NSA đã từng đến thăm Snowden tại Matxcơva trong tháng này, nói. Snowden đã nói riêng với Drake và phóng viên báo New York Times rằng anh không mang theo bất cứ tài liệu nào đến Nga. "Người Nga và người Trung Quốc sẽ chẳng có cơ hội nào để có bất cứ tài liệu gì", Snowsen nói với New York Times trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến hồi tuần trước.

Thay vào đó, Drake nói Snowden khẳng định anh đã học được nhiều bài học từ các vụ tiết lộ trước đây, trong đó có vụ một người lính quân đội chuyển hàng trăm ngàn bức điện ngoại giao cho tổ chức WikiLeaks, và WikiLeaks đã đăng tải chúng lên Internet. "Điều đó cho thấy Snowden đã không cung cấp gì cho WikiLeaks", Drake nói.

Tuy nhiên, các cơ quan tình báo quân đội Mỹ vẫn rất lo sợ. Những tháng gần đây, NSA đã cho họ biết một số tài liệu mà NSA tin là Snowden đã có được. Các quan chức tình báo nói không có một tài liệu tình báo đặc biệt nào bị lấy đi, Snowden dường như chỉ lấy tài liệu một cách ngẫu nhiên "mà không nhắm tới một mục tiêu cụ thể nào", một quan chức Mỹ nói.

Vụ việc này gợi nhớ lại những gì Bộ Ngoại giao Mỹ đã phải làm hồi cuối năm 2010 khi dự đoán WikiLeaks sẽ công bố hàng trăm ngàn bức điện ngoại giao mật. Bộ Ngoại giao lo sợ những chi tiết đáng xấu hổ trong một số bức điện sẽ dẫn đến căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và các nước khác.

Trong trường hợp của WikiLeaks, P.J. Crowley, một cựu quan chức của Bộ Ngoại giao, nói rằng Bộ đã có vài tháng để đánh giá về mức độ tác động của tình hình và vạch ra chiến lược. "Tôi không chắc các bức điện sẽ gây ra bất ngờ đáng ngại nào", ông nói, nhưng vấn đề cũng đã gây tổn hại trong mối quan hệ giữa các nước.

Chẳng hạn, một số bức điện tiết lộ những chi tiết bất lợi về nhà lãnh đạo Moammar Gaddafi của Libya lúc đó, cho rằng ông ta sợ bay trên mặt nước và hầu như không bao giờ đi đâu mà không có "người nữ ý tá tóc vàng gợi cảm Ukraina của ông".

Vấn đề chính ở đây là niềm tin. "Chúng tôi phụ thuộc rất lớn vào các mối quan hệ chia sẻ tình báo với các đối tác nước ngoài, hầu hết là các chính phủ - hoặc các tổ chức trong chính phủ", một quan chức Mỹ nói. "Nếu họ nói với chúng tôi một cái gì đó, chúng tôi sẽ giữ bí mật điều đó. Chúng tôi cũng mong đợi điều tương tự từ các nước. Nếu niềm tin đó bị xói mòn, ít nhất các quốc gia này cũng sẽ nghĩ lại về việc có nên chia sẻ cái gì với chúng tôi không".

Snowden đã yêu cầu các phóng viên mà anh ta chia sẻ tài liệu là phải tự xem xét để tránh xuất bản bất cứ gì có thể gây tai hại. "Tôi xem xét rất cẩn thận mọi tài liệu mà tôi tiết lộ để đảm bảo chúng không ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng", Snowden nói với báo Guardian của Anh. "Tất cả những tài liệu này đều có tác động lớn nhưng gây hại đến nhân dân không phải là mục tiêu cảu tôi. Hãy phân biệt rõ điều đó".

Được biết, Snowden chỉ cung cấp tài liệu cho duy nhất 3 nhà báo: đó là Barton Gellman của Washington Post, nhà làm phim độc lập Laura Poitras và cựu nhà báo bình luận Glenn Greenwald của Guardian.

Drake cho biết không một tài liệu nào được tung ra trong thời gian gần đây. Tuy vậy, những tiết lộ của Snowden về NSA đã thúc đẩy một cuộc tranh luận toàn cầu về phạm vi thích hợp và mục đích hoạt động gián điệp của Mỹ đối với chính họ và công dân của các quốc gia khác.

Hoàng Lan

Chủ đề khác