VnReview
Hà Nội

Trung Quốc tuyên chiến với "tham nhũng hàn lâm"

Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ phát triển khoa học. Tuy nhiên, một phần không nhỏ khoản tiền này rơi vào túi các nhà nghiên cứu có quan hệ khăng khít với quan chức chuyên trách phân bố tài trợ.

Lên cầm cương lãnh đạo đất nước và đảng Cộng sản, ông Tập Cận Bình đã gọi tham nhũng là mối đe dọa lớn đối với sự tồn tại của đảng. Cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc không giới hạn trong khuôn khổ hàng ngũ các đảng viên. Hoạt động điều tra ngày càng đưa ra nhiều hồ sơ lớn, liên quan đến cái gọi tham nhũng "hàn lâm" hay tham nhũng "khoa học".

"Tham nhũng khoa học" là khái niệm tương đối mới ở Trung Quốc và tồn tại dưới nhiều hình thức. Đặc biệt trong đó là sự lạm dụng kinh phí ngân sách được cấp cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, Global Times viết.

Theo báo cáo gần đây từ Cục Thống kê Quốc gia, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc năm ngoái trong nghiên cứu và phát triển lần đầu tiên đã vượt quá một nghìn tỷ nhân dân tệ. Năm năm trở lại đây, chỉ số tăng đều đặn mỗi năm 20%. Con số khẳng định việc Chính phủ Trung Quốc quyết tâm theo đuổi chiến lược quốc gia hỗ trợ khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, chiều hướng tham nhũng trong cộng đồng khoa học đã biến thành trở ngại bất ngờ cho tiến bộ khoa học và kỹ thuật.

Tại cuộc họp báo ngày 11/10, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc Vạn Cương cho biết, ông ngạc nhiên, sửng sốt và lấy làm buồn. Đó là cảm nhận của ông trước sự lạm dụng quyền lực và tham ô trong lĩnh vực khoa học. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Trung Quốc nhắc tới "một quan chức chịu trách nhiệm về khoa học cấp tỉnh" đã vi phạm luật pháp và kỷ luật đảng, hiện đang bị điều tra". Mặc dù ông Vạn Cương không nêu tên, nhưng người ta hiểu ông nhắc tới Chủ tịch Sở Khoa học công nghệ tỉnh Quảng Đông là Lý Hưng Hoa, người gần đây bị cách chức. Có ý kiến cho rằng, ông này dính dáng tới tài trợ khối lượng lớn cho dự án nghiên cứu công nghệ đèn LED.

Trong các phát biểu và bài viết của mình, sáng lập viên Khoa Tin học và kỹ thuật trường Đại học Phục Đán, Giáo sư Chen Lyanyao đã nhiều lần nêu lên vấn đề phân bổ kinh phí. Suốt hai thập kỷ, ông nỗ lực xin đầu tư cho một trong các dự án của mình nhưng đều vấp phải thất bại. "Xin hỗ trợ nhà nước phát triển dự án là rất khó", Giáo sư nói. Trong khi đó, những đối tượng duy trì quan hệ tốt với chuyên gia và cán bộ chủ chốt thường cầm chắc cơ hội nhận trợ cấp.

Một cuộc khảo sát toàn quốc ở Trung Quốc được tiến hành năm 2004 đã chỉ ra rằng, hơn một nửa kinh phí dành cho khoa học đã bị chi vào các khoản "nằm ngoài mục tiêu". Thông tin khác từ Tân Hoa Xã cho biết, trong ba năm qua Trung Quốc phát hiện ít nhất 39 trường hợp vi phạm nghiêm trọng và tham ô quỹ tài trợ nghiên cứu. Theo lời Bộ trưởng Vạn Cương tại cuộc họp báo ngày 11/10, chính phủ đã nhận ra tầm quan trọng của vấn đề này.

Theo RUVR

Chủ đề khác