VnReview
Hà Nội

24h, FPT Online, Nhaccuatui bị tố vi phạm bản quyền

Ngày 21/11, Hiệp Hội Công nghiệp ghi âm (RIAV); gửi công văn đến thanh tra Bộ VHTTDL, cùng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc các website nghe nhạc trực tuyến lại vi phạm bản quyền.

Nhiều ca sĩ tham gia kêu gọi khán giả "nghe có ý thức"

Theo bà Trương Thị Thu Dung - Phó chủ tịch thường trực RIAV - một số công ty như 24h, FPT Online, Nhaccuatui đã vi phạm bản quyền nghiêm trọng khi ngang nhiên sử dụng bất hợp pháp các nội dung trong kho nhạc hơn 40.000 bài hát của RIAV.

Theo RIAV, cho đến tháng 7/2013, hợp đồng giữa RIAV về quyền sử dụng các bản thu âm trên những website nhacvui.vn (thuộc sở hữu của Cty CP quảng cáo trực tuyến 24h), nhaccuatui.com (thuộc sở hữu của Cty CP NCT), nhacso.net (thuộc Cty CP dịch vụ trực tuyến FPT - FPT ONLINE) đã kết thúc.

Kể từ đó đến nay, đại diện kinh doanh của RIAV đã tích cực liên hệ và đàm phán với các đơn vị chủ quản các website trên, bày tỏ mong muốn được tiếp tục hợp tác. RIAV nhấn mạnh việc hợp tác này sẽ tiếp tục mở ra môi trường kinh doanh nhạc số lành mạnh, tôn trọng bản quyền tác giả các ca khúc cũng như bản thu âm của các nghệ sĩ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian đàm phán, các đại diện của các công ty nói trên đều tỏ thái độ không muốn sử dụng kho nhạc của RIAV trên website của họ. Do vậy, để tôn trọng cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của những bản thu âm mà RIAV đang sở hữu, RIAV yêu cầu các đơn vị nói trên gỡ toàn bộ kho nhạc của RIAV trên 3 website đã nêu. Song đến thời điểm này, các website nói trên vẫn chưa thực hiện.

Cũng theo RIAV, thanh tra hai bộ cần kiểm tra và xử lý nội dung vi phạm bản quyền theo đúng quy định pháp luật, đồng thời thông báo cho các doanh nghiệp có hợp tác quảng cáo với các doanh nghiệp sở hữu các website đang sử dụng nhạc trái phép của RIAV, tránh tiếp tay cho việc vi phạm bản quyền.

Hiện RIAV đang có 30 hãng băng đĩa trong nước là hội viên, trong đó có những tên tuổi nhà sản xuất lớn như Bến Thành, Vafaco, Rạng Đông, Phương Nam Film…

Trước đó, MV Corp - đơn vị từng ký kết hợp đồng với RIAV để tham gia thu phí tải nhạc bản quyền, đã tuyên bố rút lui sau gần 10 tháng thực thi, dù kết quả thu phí ban đầu khả quan: Sau 5 tháng thu phí (từ 1.11.2012), tổng số tiền thu được từ tải nhạc bản quyền các ca khúc, album khoảng vài trăm triệu đồng, trong đó số tiền thu được tháng sau thường cao gấp rưỡi so với tháng trước đó.

Việc ngừng tham gia thị trường nhạc số của MV Corp đặt dấu hỏi, vì sao các đơn vị bảo hộ bản quyền lại gặp khó  trong việc kiếm tiền từ người tiêu dùng. "Nghe có ý thức" còn là việc xa vời, nên chỉ đánh động ý thức của người thưởng ngoạn là chính. Sau khi MV Corp rút lui, các website nghe nhạc khác lại  làm việc trực tiếp qua RIAV như thời gian trước.

Cuộc chiến giữa các website âm nhạc trực tuyến và RIAV thường dấy lên theo từng thời điểm và dường như chưa có hồi kết.

Theo Lao Động

Chủ đề khác