VnReview
Hà Nội

Rác thải điện tử: Quả bom hẹn giờ toàn cầu

Sự gia tăng nhanh chóng của khối lượng rác thải điện tử đang tạo ra mối hiểm họa khó lường, chẳng khác nào như "quả bom hẹn giờ" treo trước tương lai nhân loại.

Xử lý rác thải điện tử thô sơ như thế này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường

Những con số thống kê cho thấy vào năm 2017, lượng rác thải điện tử trên toàn cầu sẽ tăng 33% so với năm 2012. Như vậy trung bình trong giai đoạn 2012-2017, khối lượng rác thải điện tử trên thế giới mỗi năm sẽ tăng 65,4 triệu tấn.

Hệ quả là đến năm 2017, đống rác thải điện tử toàn cầu - gồm máy giặt, máy tính, tủ lạnh, đồ chơi điện tử và các thiết bị điện tử dùng pin - sẽ lớn tương đương 200 tòa nhà Empire State ở New York (Mỹ) hay 11 Kim tự tháp Giza (Ai Cập).

Không phải tất cả rác thải điện tử đều vô giá trị. Nếu được tái chế, từ 1 triệu chiếc điện thoại di động có thể lọc ra 24 kg vàng, 250 kg bạc, 9 kg palladium và hơn 9 tấn đồng. Tuy nhiên, do thiết bị điện tử được sản xuất từ hàng trăm vật liệu khác nhau, bao gồm những thành phần độc hại như chì, thủy ngân, cadmium, arsenic…, việc xử lý các loại rác thải này đòi hỏi chi phí lớn. Chính vì thế mà thay vì tái chế tốn phí, người ta thường vứt bỏ chúng khắp nơi.

Trong điều kiện không đảm bảo, đặc biệt tại các nước nghèo và đang phát triển, các chất độc hại từ rác thải điện tử có thể rò rỉ ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm đất đai, nước và bầu không khí.

Hiểm họa này được các nhà môi trường ví như quả bom hẹn giờ đối với sự sống của Trái đất. Chẳng hạn, chì chứa trong các chất thải điện tử có thể gây sảy thai. Trẻ em bị nhiễm chì trong máu sẽ dẫn tới ung thư, suy thận…

Nguy hiểm hơn là thực trạng các nước nghèo bị biến thành bãi chứa rác thải. Từ chỗ bị "dụ dỗ", sau đó là hám lợi, nhiều nước nghèo đang tự hủy hoại môi trường sống và đầu độc người dân của mình bằng rác điện tử.

Dưới danh nghĩa nhập hàng second-hand hay rác tái chế, các nước nghèo từ lâu đã trở thành điểm đến phổ biến cho các loại rác điện tử độc hại từ những nước giàu hơn. Thay vì được xử lý hay tái chế biến, đống rác nhập này chỉ được chôn trong các hố rác thông thường và các chất độc hại thoải mái thấm vào đất và nước.

Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) ước đoán mỗi năm có từ 250.000 tấn đến 1,3 triệu tấn đồ điện tử đã qua sử dụng được đưa ra khỏi EU và điểm đến của chúng phần lớn là khu vực Tây Phi và châu Á.

Có thể đưa ra ở đây một thí dụ điển hình xảy ra ở Tây Phi. EU xuất khẩu những chiếc xe đã lỗi thời, không dùng được nữa, đến đây nhưng nhét đầy trong những chiếc xe này các máy điện toán cũ. Các hoạt động ngầm này có thể so với việc buôn lậu vũ khí và buôn lậu ma túy bởi lợi nhuận thu được rất lớn.

Trong khi buôn bán chất phế thải điện tử trở thành một nghề kiếm ăn béo bở ở các nước giàu, thì hiểm họa từ các chất thải này người dân các nước nghèo lại phải hứng chịu. Trong khi đó tính trung bình theo đầu người, các nước phát triển vẫn xả rác thải điện tử nhiều hơn. Ví dụ trung bình một người Mỹ xả 29,5kg rác thải điện tử, Anh 21kg/người, trong khi một người Trung Quốc chỉ xả 5kg.

Thực tế trên cho thấy con người càng đạt được những thành quả vượt bậc về công nghệ cao, thì Trái đất càng phải oằn mình gánh những nguy cơ từ sự phát triển nếu như chúng ta không kiểm soát được việc lợi dụng thành tựu này vì mục đích thương mại thuần túy.

Theo;An ninh thủ đô

Chủ đề khác