VnReview
Hà Nội

Chân dung "nhà văn" siêu lừa đảo Cusiu của diễn đàn Voz

Như đã đưa tin, một cựu thành viên Voz có nickname là Cusiu vừa bị bắt giữ vì bị cáo buộc đã lừa đảo nhiều người với số tiền lên tới mấy trăm triệu đồng. VnReview đã trực tiếp vào cuộc để tìm hiểu thêm về vụ việc này và bước đầu đã xác minh được một vài thông tin về đối tượng này.

Từ một tay viết văn "dạo" trên Voz đến trùm lừa đảo ở chính diễn đàn này

Trước khi vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên Voz bại lộ, Cusiu đã nổi danh với truyện dài "Chị ơi, anh yêu em" (sau đó được xuất bản thành sách), nên việc lợi dụng "tên tuổi" để lừa đảo diễn ra khá suôn sẻ, thậm chí ngay cả khi bị lật tẩy vào hồi năm 2012 thì vẫn còn có nhiều người bảo vệ cho "thần tượng" Cusiu và... vụ việc sớm chìm xuồng.;

Chân dung kẻ "nhà văn" lừa đảo Cusiu của diễn đàn Voz

Chân dung đối tượng Cusiu trông rất thư sinh và lãng tử, hồi còn được "thần tượng" (Ảnh từ Internet)

Vậy nên, vụ việc bắt giữ Cusiu lần này khiến cộng đồng mạng rất bức xúc, có rất nhiều người từng đọc 2 cuốn tiểu thuyết của Cusiu là "Em gái của trời" và "Chị ơi, anh yêu em" đều tỏ ra ngạc nhiên, bởi theo họ nội dung cuốn truyện của tác giả (Cusiu) rất "lắng đọng và có lối hành văn nhẹ nhàng", như miêu tả của độc giả Lê Thy (Đà Nẵng) là "Thật sự lâu lắm rồi mới có một cuốn sách có thể khiến cho mình bật khóc, khóc vì sự cao cả của đức hy sinh, vì tình cảm gia đình quý báu". Càng mê mẩn và "thần tượng" tác giả bao nhiêu, họ càng ngỡ ngàng, tan nát và phẫn nộ bấy nhiêu khi hay tin về chiêu trò lừa đảo và thông tin về vụ bắt giữ.

Cusiu

Cuốn sách "Em gái của Trời" của Cusiu được bày bán trên trang Tiki.vn

Thực sự thì các thông tin cá nhân về đối tượng này không quá mới, bởi nó được xác nhận bởi một số thành viên Voz từng bị đối tượng này lừa đã từng đối chất y tại quán cà phê Soho trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM) vào năm 2012 để tìm cách lấy lại tiền bị Cusiu lừa theo kiểu đặt hàng qua mạng nhờ uy tín của… nickname Cusiu, họ đã buộc phải lấy CMND và hộ khẩu (bản sao công chứng) của y để làm vật chứng.

Sau vụ việc đó, các thành viên Voz bị lừa đã cùng nhau thống nhất giao cho một thành viên trong nhóm đứng đầu chịu trách nhiệm thương lượng về các mốc thời gian hoàn trả. Nhưng sau buổi café đối chất này, vì lý do nào đó mà vụ việc đã "chìm xuồng" và không ai đòi được tiền như đối tượng đã cam kết. Theo tiết lộ của các thành viên thì đối tượng đã "bị miệng" người đứng đầu nhóm bằng cách trả riêng cho người này và yêu cầu im lặng. Khó hiểu nhất là số tiền bị lừa lên tới gần trăm triệu đồng nhưng không ai tố cáo hoặc báo công an để điều tra. Thậm chí đến tận lúc màn kịch năm 2012 hạ màn, cả những người ngoài cuộc và trong cuộc vẫn chưa biết rốt cuộc Cusiu thực sự là ai ngoài cái tên trên CMND.

Hết lừa thành viên Voz đến lừa thành viên VnPhoto

Sau thông tin về trò lừa đảo năm 2012, tưởng chừng nhiều người đã tỉnh ra và tránh xa các giao dịch qua mạng, nhưng gần đây nhất là vào đầu tháng 12/2103, đối tượng này tung tiếp một trò lừa đảo mới là... đặt hàng máy ảnh từ Mỹ, và nhiều người lại dính bẫy. 

Nội dung mà đối tượng Cusiu rao vặt trên VnPhoto có ghi rõ tên và địa chỉ, nhưng tất cả đều là... thông tin giả.

Biết rằng do dính "phốt" quá lớn trên Voz nên việc lừa đảo ở diễn đàn này sẽ khó khăn, nên hắn chuyển qua diễn đàn... nhiếp ảnh VnPhoto. Để nhử mồi, chiêu trò mới của hắn chính là... máy ảnh DSLR và hắn đã đánh trúng tâm lý thèm muốn sở hữu máy ảnh DSLR "chất" với số tiền rẻ hơn thị trường của nhiều thành viên tham gia cộng đồng máy ảnh VnPhoto.

Khác hẳn với những trò lừa đảo nhan nhản trên mạng, hắn thản nhiên đăng tải đầy đủ thông tin (giả) về địa chỉ và họ tên cụ thể, và để đánh tan nốt nghi ngờ của người mua hắn lập ra nhiều nickname khác nhau để đăng bài xác nhận giao dịch thành công. Và để thỏa mãn lòng tham, hắn đã chọn các sản phẩm có giá trị lớn là máy ảnh DSLR, iPhone và phụ kiện để lừa đảo hòng chiếm đoạt nhiều tiền hơn.

Lừa đảo đánh vào lòng tham con người và bị tóm cổ cũng vì lòng tham

Khác với vụ việc lần trước (năm 2012), lần này các nạn nhân của Cusiu quá bức xúc vì số tiền bị lừa rất lớn, nên điều mà Cusiu từng áp dụng thành công để qua mặt nạn nhân và thoát thân là "cù nhây" và "hẹn trả sau" đã không xảy ra. Sau khi nhận ra bị lừa, các thành viên VnPhoto đã phối hợp với các thành viên (nạn nhân) Voz đã "dụ" đối tượng Cusiu vào tròng với sự giúp đỡ của một nạn nhân mua iPhone, dĩ nhiên là hắn tỏ ra hí hửng (và tham lam) với nạn nhân mới nên đã đến nơi hẹn và sau khi xác minh đúng người, cả nhóm đã tiến hành bắt giữ đối tượng ngay tại quán cafe rồi giao cho công an phường 25, quận Bình Thạnh.

Bên cạnh sự phẫn nộ và ủng hộ việc bắt giữ, vẫn có người còn thắc mắc về tính pháp lý khi các thành viên Voz (bị hại) phối hợp cùng các nạn nhân bên VnPhoto bắt giữ Cusiu và giao cho công an. Tuy nhiên, theo mục B, khoản 1 trong Điều 81 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì "việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp có thể cho phép khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn", do vậy việc bắt giữ đối tượng và sau đó giao cho công an xử lý có thể coi là đúng luật.

Theo thông tin ban đầu mà VnReview có được từ đội cảnh sát hình sự, thuộc Phòng điều tra tội phạm và trật tự xã hội công an quận Bình Thạnh, Cusiu có tên là Đoàn Mạnh Quang (vẫn đang chờ xác minh từ địa phương), sinh năm 1989, nguyên quán tại Ứng Hòa, Hà Nội. Đăng ký hộ khẩu thường trú tại thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh thuộc tỉnh Lâm Đồng. Đối tượng này vừa chính thức bị chuyển từ công an Phường 25 quận Bình Thạnh về Phòng điều tra hình sự của công an quận Bình Thạnh để thụ lý và điều tra.

Khi VnReview có dịp tiếp xúc với một thành viên Voz (xin được phép giấu tên) có mặt ở trụ sở Công an quận Bình Thạnh để khai báo về việc bị lừa, chúng tôi được biết anh bị Cusiu lừa tới 25 triệu đồng từ vụ việc diễn ra hồi năm 2012. Có 4-5 người khác có mặt tại đây cũng cho biết bị lừa từ 4 tới 8 triệu đồng.

Chân dung "nhà văn" siêu lừa đảo Cusiu của diễn đàn Voz

Giấy biên nhận nợ do Cusiu viết

Khi nhìn vào bản giấy biên nhận viết tay của một nạn nhân từ VnPhoto, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy nó khá sơ sài và dĩ nhiên là Cusiu sử dụng tên giả, quê quán giả. Thậm chí nếu để ý kỹ sẽ thấy ngày giao máy theo hẹn là… 1 năm về trước (12/2012) so với mốc thời gian viết giấy biên nhận (12/2013). Có lẽ, sự "nhầm lẫn" này có thể là do Cusiu đã "cố ý" nhằm trốn tránh trách nhiệm.

Chấm dứt màn kịch lừa đảo hơn 700 triệu đồng tại đồn công an

Vì lý do đang trong giai đoạn tạm giữ điều tra nên chúng tôi không được phép chụp ảnh. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với đối tượng tại phòng trực ban của đội điều tra hình sự của công an quận Bình Thạnh, chúng tôi nhận thấy Cusiu trông phờ phạc như người mất hồn và mặt mũi gầy sọp đi so với ảnh chụp lúc mới bị bắt giữ, điều này có thể dễ hiểu khi đối tượng đã dính quá sâu vào tội lỗi.

Theo thông tin VnReview có được từ các thành viên tham gia nhóm bắt giữ, do đam mê cờ bạc và lang thang từ lâu, nên khả năng hoàn trả số tiền cho các nạn nhân của Cusiu hầu như không có. Cộng đồng mạng dự đoán quy mô vụ lừa đảo lần này khoảng hơn 500 triệu đồng. Tuy nhiên, khi chúng tôi trao đổi với phía cơ quan điều tra, họ cho biết số tiền mà đối tượng Đoàn Mạnh Quang này lừa đảo và chiếm đoạt trong vụ máy ảnh này có thể lên tới 700 triệu đồng và theo thông tin mới nhất từ cơ quan điều tra thì trước mắt họ sẽ tạm giữ hình sự đối tượng Đoàn Mạnh Quang tại công an quận Bình Thạnh dưới dạng bắt khẩn cấp để phục vụ công tác điều tra. Cơ quan này cũng chính thức tiếp nhận đơn tố giác của các nạn nhân từ đầu tuần sau do tuần này rất bận, tuy nhiên phía công an khẳng định sẽ khởi tố hình sự đối tượng này.

Đối tượng bị bắt giữ tại cơ quan công an (ảnh từ cộng đồng mạng)

Qua vụ việc lần này, có thể thấy có rất nhiều mô hình và phương thức lừa đảo trên mạng đang được các đối tượng triển khai. Điểm chung duy nhất vẫn là đánh vào lòng tham con người, nên trước khi gửi/trao tiền trong các giao dịch qua mạng, bạn cần xác minh rõ đối tượng cũng như lịch sử giao dịch của họ với các khách hàng trước đó.

Ngoài ra, tránh các giao dịch với số tiền lớn nếu không đủ cơ sở pháp lý và những chi tiết khác, và khi nhận thấy dấu hiệu lừa đảo hoặc phát hiện ra chiêu trò lừa đảo hãy báo ngay với cơ quan công an để được hỗ trợ và phanh phui, hạn chế việc tự ý tiếp xúc và thương lượng khi quy mô quá lớn. Bởi chính lòng tin và sự chủ quan (đến mức ngây thơ) của nhiều người cũng vô tình tiếp tay (và trở thành nạn nhân) của các chiêu lừa đảo tương tự. VnReview sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc về đối tượng Cusiu và cập nhật thông tin tới độc giả trong thời gian sớm nhất.

Hữu Thắng

Chủ đề khác