VnReview
Hà Nội

Giáo dục tại gia, lời giải cho các vấn đề giáo dục hiện nay?

Hệ thống giáo dục của chúng ta đang đào mỏ trí não của chúng ta giống như cách chúng ta khai thác Trái đất đến mức cùng kiệt, và vì tương lai, điều này sẽ không có lợi cho loài người. Vậy liệu giáo dục tại gia có phải là lời giải?

giáo dục tại gia dạy trẻ tại nhà các vấn đề giáo dục hiện tại với hệ thống nhà trường

Tuyên bố nổi tiếng trên được tiến sĩ Ken Robinson, tác giả cuốn Nằm ngoài Suy nghĩ: Học cách sáng tạo đưa ra tại hội thảo TEDTalks 2006. Đây là một trong những bài phát biểu nổi tiếng nhất trong suốt 20 năm lịch sử của hội thảo TED (Công nghệ, Giải trí, Thiết kế) – nơi tính sáng tạo của con người được tôn vinh lên hàng đầu. Trong buổi nói chuyện này, tiến sĩ Robinson (được phong hàm Hiệp sĩ bởi Vương quốc Anh vào năm 2003 nhờ các đóng góp cho giáo dục) đã chỉ ra một vấn đề căn bản của hệ thống giáo dục toàn cầu: Các hệ thống giáo dục cứng nhắc hiện tại đang giết chết tính sáng tạo của con người!

Trong buổi nói chuyện này, tiến sĩ Robinson đã chỉ ra một điểm mà trẻ em sẽ luôn luôn hơn người lớn: Các em không sợ bị mắc sai lầm. Nhưng, trong suốt quá trình giáo dục tại nhà trường, chúng ta dạy trẻ em một điều: Con người không được phép;mắc sai lầm, và rồi lớn lên chúng ta bước vào cuộc đời với suy nghĩ này. Tại các công ty, "sai lầm" là thứ tai hại nhất mà bạn có thể mắc phải. Ai dạy cho chúng ta suy nghĩ đó? Nhà trường!

"Hệ thống giáo dục hiện tại là hệ thống giáo dục tồi tệ nhất mà chúng ta có thể tạo ra"

Dĩ nhiên, sai lầm luôn luôn bao hàm ý nghĩa tiêu cực. Sai lầm cũng không đồng nghĩa với trí sáng tạo. Nhưng chắc chắn bạn hay bất cứ ai khác cũng hiểu rằng nếu bạn không sẵn sàng mắc sai lầm, bạn sẽ chẳng bao giờ sáng tạo ra bất kì thứ gì cả. Theo tiến sĩ Robinson, "Chúng ta đang dạy con người tự vứt bỏ khả năng sáng tạo của mình". Chúng ta tước đi khả năng sẵn sàng mắc sai lầm của trẻ em.

Nếu nhìn nhận một cách khách quan vào hệ thống giáo dục tại bất kì quốc gia nào, bao gồm Việt Nam, bạn sẽ nhận ra rằng các môn học đang bị phân cấp khá rõ ràng. Đứng ở đỉnh là toán học, tiếp đó là khoa học tự nhiên và các môn ngôn ngữ. Ít được tôn trọng hơn một chút là các môn khoa học về con người. Ở cuối cùng của hệ thống phân cấp môn học này là các môn nghệ thuật. Điều này diễn ra "Ở tất cả mọi nơi trên thế giới", tiến sĩ Robinson khẳng định.

giáo dục tại gia dạy trẻ tại nhà các vấn đề giáo dục hiện tại với hệ thống nhà trường

Bởi vậy, hệ thống giáo dục hiện tại bị định đoạt bởi ý tưởng rằng "trình độ học thuật" là quan trọng nhất. Chúng ta đang ưu tiên các môn khoa học lên hàng đầu và làm thui chột các môn nghệ thuật. Hãy nhớ rằng, trước thế kỷ 19, thế giới chưa có hệ thống giáo dục công cộng như hiện tại. Hệ thống giáo dục của hiện tại được sinh ra vào thế kỷ 19 để phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp. Bởi vậy, hệ thống này bị phân cấp nhằm phục vụ cho 2 mục đích:

- Thứ nhất, những gì sẽ giúp cho bạn thành công trong công việc sẽ được đặt lên hàng đầu. Do đó, ngay từ bé bạn đã bị "lái" ra khỏi các môn có thể là tài năng của bạn, dựa trên cơ sở rằng bạn có thể sẽ chẳng bao giờ có việc làm nếu cứ theo đuổi các môn học này. Có thể sẽ không trở thành họa sĩ? Đừng học vẽ. Có thể sẽ không trở thành ca sĩ? Đừng học nhạc nữa. Nói cách khác, hệ thống giáo dục nhà trường đang tạo ra những cỗ máy cần thiết để duy trì hệ thống kinh tế hiện tại, vốn đã có tuổi đời hơn 200 năm.

- Thứ hai, trong suốt lịch sử, các trường đại học trên toàn cầu đã và đang cố gắng xây dựng ra toàn bộ hệ thống giáo dục theo ý của họ. Hãy thử nghĩ xem, có ở đâu trên thế giới này, trung tâm của toàn bộ hệ thống giáo dục không phải là "phải vào bằng được trường đại học"? Ngay cả khi bạn là một nhạc công, người ta cũng vẫn sẽ dạy bạn rằng phải vào được một Nhạc viện nào đó. Muốn vẽ tranh? Hãy vào Đại học Mỹ thuật.

giáo dục tại gia dạy trẻ tại nhà các vấn đề giáo dục hiện tại với hệ thống nhà trường

Cần phải hiểu rằng những người đưa ra 2 luận điểm trên không khẳng định rằng nhà trường sẽ giết chết tính sáng tạo của tất cả các nhạc sĩ, ca sĩ tiềm năng. Song, với hệ thống phân cấp môn học "ngầm" như hiện tại, sẽ có quá nhiều tài năng tiềm ẩn bị "giết chết". Hậu quả là có quá nhiều con người tài năng, xuất chúng, sáng tạo đã rơi vào suy nghĩ rằng họ không phải là những con người tuyệt vời – tất cả chỉ vì tài năng của họ không được đánh giá cao tại trường học. Chúng ta không thể tiếp tục đi theo con đường này được nữa.

Không chỉ có vậy, UNESCO tuyên bố rằng trong vòng 30 năm nữa, số lượng người sở hữu các bằng cấp giáo dục sẽ nhiều hơn số người có bằng cấp tính từ khởi nguồn lịch sử đến thời điểm này. Bởi vậy, bằng cấp sẽ chẳng có ý nghĩa gì nữa cả. Nếu như trước đây cứ có bằng đại học là có việc thì giờ câu trả lời là "chưa chắc". Những công việc vốn chỉ đòi bằng cử nhân giờ đòi bằng thạc sĩ, hoặc thậm chí là tiến sĩ. Người ta gọi quá trình này là "lạm phát bằng cấp": giá trị của bằng cấp càng ngày càng giảm.

Điều này có nghĩa rằng hệ thống giáo dục của cả thế giới đang chuẩn bị phải đón nhận những thay đổi toàn cục, mang tính chất hệ thống. Vậy, đâu là lời giải cho các vấn đề giáo dục này? Câu trả lời có thể là giáo dục tại gia!

Giáo dục tại gia và ảnh hưởng tới tính sáng tạo của con người

Trước hết, hãy cùng nhìn lại yếu tố quan trọng nhất của tính sáng tạo: Ý tưởng. Một ý tưởng hay đòi hỏi con người bắt buộc phải "chạy theo" nó ngay lập tức, không thể chần chừ được. Điều gì xảy ra nếu như cô bé của bạn nghĩ ra một điệu múa rất hay? Cô bé liệu có thể học toán hay địa lý khi tất cả những gì đang diễn ra trong đầu là điệu múa sáng tạo kia? Tính mềm dẻo của giáo dục tại gia là một lợi thế cực kì rõ ràng so với giáo dục nhà trường. Với trẻ em có thiên hướng sáng tạo, điều này còn quan trọng hơn gấp nhiều lần những đứa trẻ thông thường.

giáo dục tại gia dạy trẻ tại nhà các vấn đề giáo dục hiện tại với hệ thống nhà trường

Mặt khác, phát huy tính sáng tạo cũng không đồng nghĩa với việc bạn phải "hi sinh" các kiến thức căn bản. Hãy thử nghĩ về những bài học lịch sử, nơi con trai của bạn có thể vẽ về những trận chiến lớn, vẽ lại những vĩ nhân của lịch sử. Cậu bé chắc chắn sẽ phát huy được năng khiếu hội họa của mình và cũng có thể học được những kiến thức học thuật quan trọng khác. Giữa cách học này và cách "cầm sách học vẹt", cách nào tốt hơn cho con của bạn? Câu trả lời là khá hiển nhiên.

Trong môi trường giáo dục tại gia, sức ép đến từ các bài kiểm tra, các bài tập và những lời chỉ trích sẽ được giảm thiểu hơn rất nhiều. Quan trọng nhất, trẻ em giáo dục tại gia không bị ép khuôn vào cách đánh giá thông thường của trường học (tức là đặt toán học và ngôn ngữ lên trên hết). Ai đó đã từng ví von rằng "Hệ thống thi cử của chúng ta là bắt một con khỉ, một con cá và một con voi thi xem ai leo cây nhanh nhất". Khi trẻ được giáo dục tại nhà, bạn sẽ đánh giá được cả những thế mạnh thực sự của con trẻ - những khía cạnh rất có thể sẽ bị thui chột khi ở trên ghế nhà trường.

giáo dục tại gia dạy trẻ tại nhà các vấn đề giáo dục hiện tại với hệ thống nhà trường

Tiến sĩ Robinson cho rằng, trí thông minh của mỗi người sẽ riêng biệt theo những cách hoàn toàn khác nhau. Bạn có nghĩ rằng bạn cần phải thông minh để trở thành một nghệ sĩ múa? Câu trả lời là "có". Nghệ sĩ múa là những người "chỉ có thể suy nghĩ khi đang di chuyển". Họ thông minh theo cách của riêng họ. Những con người thông minh theo khía cạnh này rất có thể sẽ bị giết chết tài năng bởi môi trường nhà trường quá giới hạn.

Rõ ràng, môi trường giáo dục tại gia có khả năng tạo ra những con người sáng tạo, dễ thích nghi và có tư duy tốt hơn môi trường giáo dục nhà trường rất nhiều. Hệ thống giáo dục nhà trường rõ ràng đang dần dần suy yếu bởi quá trình "lạm phát bằng cấp" mà chúng ta đã bàn tới. Có một điều hết sức rõ ràng: Nếu như bạn không thể nào phát triển trong hệ thống giáo dục ở ngôi trường mà bạn đang học, ở thành phố, đất nước mà bạn đang sinh sống hay ở bất kì nơi nào trên thế giới, bạn có lựa chọn nào khác ngoài cách ra đi và trở về nhà và tìm một hướng đi thực sự phù hợp với bạn?

Giáo dục tại nhà và các môn học thuật

Khi đọc đến đây, có lẽ bạn đã nhận ra một điểm thiếu sót trong luận điểm được trình bày phía trên: Có rất nhiều người không giỏi các tài năng sáng tạo (như hội họa, âm nhạc…) mà lại giỏi về các môn học thuật. Thế giới của chúng ta vẫn được điều hành và phát triển chủ yếu bởi những con người có kiến thức rất tốt về khoa học, kinh tế. Tài năng của họ là các môn học thuật, và hiển nhiên chúng ta cũng cần phát triển tri thức cho trẻ em có thiên hướng này. Giáo dục tại gia có phải là câu trả lời tốt nhất cho các em? Câu trả lời là có!

Trong một nghiên cứu được viện Fraser Canada công bố vào năm 2001, các nhà giáo dục đã đưa ra kết luận rằng "Tại Mỹ và Canada, trẻ em được giáo dục tại gia thường xuyên đạt kết quả học tập tốt hơn trẻ em theo học tại trường công và trường tư". Tại các quốc gia khác, kết quả cũng rất đáng khích lệ.

giáo dục tại gia dạy trẻ tại nhà các vấn đề giáo dục hiện tại với hệ thống nhà trường

Online College khẳng định trẻ em được giáo dục tại nhà sẽ được đánh giá cao hơn khi xét tuyển đại học, có tỉ lệ bỏ học thấp hơn và đạt kết quả tốt hơn nhiều so với sinh viên được giáo dục truyền thống trong các cấp học thấp hơn

Tại Mỹ, ở bất kì bậc học nào, trẻ em được giáo dục tại gia có điểm số đạt từ 82 – 92% trong môn Đọc và điểm số trung bình 85% trong môn Toán. Tính tổng các môn, điểm số kiểm tra của trẻ em được giáo dục tại nhà đạt từ 75% đến 85%. Tại trường công, học sinh chỉ đạt điểm số khoảng 50%. Học sinh trường tư đạt từ 65 – 75%. Các học sinh được giáo dục tại nhà cũng thường xuyên vượt qua điểm số trung bình của toàn bộ nước Mỹ trong các kì thi có ý nghĩa quan trọng với quá trình theo học đại học như ACT và SAT.

Tại Canada, kết quả là hoàn toàn tương tự. Trẻ em được giáo dục tại nhà đạt điểm số trung bình 80% trong môn Đọc, 76% môn Ngôn ngữ, và 79% môn Toán. Trẻ em học tại trường công và trường tư Canada thường chỉ đạt điểm số khoảng 50%.

Online College đã tiến hành tổng hợp ra 15 "sự thật" không thể chối cãi về sự chênh lệch giữa trẻ được giáo dục tại nhà và trẻ tham dự trường lớp. Theo tổ chức này, trẻ được giáo dục tại gia sẽ có tỉ lệ học đại học cao hơn, có điểm GPA và các yếu tố đánh giá khác luôn xếp ở thứ hạng cao hơn trẻ được giáo dục tại nhà trường, có tỉ lệ được vinh danh trong các chương trình khuyến học và đạt học bổng cao hơn - nói cách khác, trẻ được giáo dục tại gia có học vấn vượt trội so với trẻ được giáo dục tại nhà trường.

Thậm chí, viện Fraser còn đưa ra kết luận "Gần 1/4 số trẻ được giáo dục tại gia có kết quả học tập cao hơn hẳn một lớp (hoặc hơn) so với các trẻ em cùng tuổi được giáo dục tại nhà trường".

Như vậy, có thể nói rằng học tại nhà sẽ giúp phát triển các môn học thuật không kém gì các môn nghệ thuật sáng tạo cả.

Trẻ được giáo dục tại gia và khả năng hòa đồng

giáo dục tại gia dạy trẻ tại nhà các vấn đề giáo dục hiện tại với hệ thống nhà trường

Học tại nhà không đồng nghĩa với việc các em bị "tước" đi cuộc sống xã hội của mình

Mọi người thường suy nghĩ rằng, trẻ được giáo dục tại gia sẽ kém hòa đồng và dễ có các vấn đề về tâm lý hơn trẻ được đến trường. Suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm.

Trước hết, trẻ được giáo dục tại gia vẫn sẽ tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, bao gồm cả các chương trình vào cuối tuần hoặc trong tuần với học sinh các trường công. Các em cũng sẽ được đi tham quan, giã ngoại và tham gia vào các chương trình phối hợp với nhóm các trẻ được giáo dục tại gia khác. Tại Canada, có tới 98% trẻ được giáo dục tại gia tham gia vào từ 2 hoạt động ngoại khóa trở lên mỗi tuần.

Kết quả thu được là rất khả quan. Nghiên cứu của Viện Fraser kết luận rằng trẻ được giáo dục tại nhà thậm chí còn hòa đồng hơn cả trẻ học tại trường. Các em cũng sẽ không bị ảnh hưởng xấu bởi các tác động trang lứa khi lớn tuổi hơn, chúng cũng ít bị bạn bè cùng trang lứa kỳ thị hoặc "ăn hiếp" tại lớp.

"Mọi người vẫn nghĩ rằng trẻ học tại nhà sẽ rất nhút nhát và yếu kém về mặt xã hội, song nghiên cứu cho thấy điều ngược lại: Trẻ học tại nhà sẽ hòa đồng hơn các học sinh cùng trang lứa. Một vài nghiên cứu cho thấy trẻ được giáo dục tại gia sẽ hạnh phúc hơn, thích ứng tốt hơn, suy nghĩ chín chắn hơn, trưởng thành và hòa đồng hơn các em học tại trường".

Giáo dục tại gia có phải là lời giải cho cả xã hội?

giáo dục tại gia dạy trẻ tại nhà các vấn đề giáo dục hiện tại với hệ thống nhà trường

11 tuổi, Logan LaPlante khiến cả hội trường TED bất ngờ khi tuyên bố "học tại nhà giúp em hạnh phúc". Cậu bé được đánh giá là một trong các thần đồng hoàn toàn có thể giành giải Nobel trong tương lai.

Mặc dù có rất nhiều lợi thế nhưng giáo dục tại gia sẽ không phải là lựa chọn phù hợp với tất cả các gia đình. Các gia đình giáo dục trẻ tại nhà gần như bắt buộc phải có cả cha và mẹ của các em: Một người lo về kinh tế, một người đảm nhiệm trách nhiệm nuôi dạy trẻ. Ngoài ra, các gia đình giáo dục trẻ tại nhà cũng cần phải có cha mẹ có học vấn cao hơn thông thường. Đây có thể coi là thử thách lớn nhất, quyết định thành công hay thất bại cho mô hình giáo dục này.

Một trở ngại khác đối với giáo dục tại gia tại các quốc gia như Việt Nam là chúng ta chưa có một hệ thống qui định cũng như một hệ thống đánh giá chất lượng giáo dục tại gia rõ ràng. Tuy vậy, vấn đề này cũng sẽ đòi hỏi nghiên cứu kĩ càng hơn, bởi một số nghiên cứu tại Mỹ cho thấy mức độ quản lý của chính phủ sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới trình độ học vấn của trẻ em được giáo dục tại gia.

Hiện tại, giáo dục tại gia chưa thực sự phát triển tại Việt Nam, do đó các bậc cha mẹ Việt Nam có thể gặp khó khăn khi tìm cách xây dựng cộng đồng chung cho các em được giáo dục tại nhà, cũng như xây dựng quan hệ với các nhà trường để tạo ra các chương trình ngoại khóa phù hợp, giúp các em phát triển tốt về mặt xã hội. Thậm chí là sẽ khó khăn trong việc tìm sự công nhận mức độ hoàn thành học vấn của các em khi thi vượt cấp hoặc vào đại học.

Kinh phí dành cho giáo dục tại gia cũng là một vấn đề lớn: Ngay cả tại Canada, chỉ có Alberta sẵn sàng cung cấp kinh phí để giúp các gia đình chọn hướng giáo dục tại gia. Việc xây dựng hệ thống pháp lý nhằm hỗ trợ chi phí cho giáo dục tại gia sẽ là một công việc hết sức khó khăn.

Nói tóm lại, giáo dục tại gia có thể được coi là một trong những lời giải khả thi nhất đối với hệ thống giáo dục toàn cầu trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến quá nhanh và mạnh mẽ như hiện nay. Song, phương pháp giáo dục này không phù hợp với tất cả mọi gia đình, và các chính phủ cũng như các bậc cha mẹ cũng còn rất nhiều điều phải làm để có thể tối ưu tiềm năng của phương pháp giáo dục tại gia. Ngoài ra, cần coi giáo dục tại gia là một sự bổ sung cho giáo dục nhà trường.

Bài liên quan: 

Dư luận chưa sướng về điểm toán PISA của học sinh Việt Nam

Chuyên gia Mỹ: Điểm số PISA "là vô nghĩa"

Lê Hoàng (Tổng hợp)

Chủ đề khác