VnReview
Hà Nội

Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh: Kì tích khó tin của họa sĩ vẽ chân dung tội phạm

Thủ phạm vụ bắt cóc bé sơ sinh ở Bệnh viện Quận 7 TP.HCM hôm 9/1 vừa qua đã bị bắt. Đó là nhờ bức vẽ chân dung dựa trên mô tả của các nhân chứng quá giống khiến thủ phạm phải giật mình kinh sợ và ra đầu thú. Ai là người vẽ bức phác thảo chân dung đó?

Từ sáng 12/1, cơ quan cảnh sát điều tra công an quận 7, TPHCM đã công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng bức phác thảo chân dung của kẻ bắt cóc bé sơ sinh, được các nhân chứng thừa nhận là rất giống thật.

Phác thảo chân dung mô tả các đặc điểm trên khuôn mặt của mẹ mìn bắt cóc trẻ sơ sinh ở TP HCM.

Bức chân dung cho thấy một phụ nữ trẻ, khuôn mặt tròn và hơi ngắn, hai má bầu bĩnh nhưng không có nhiều vẻ phúc hậu. Ngoài ra, người phụ nữ này còn có đôi môi dày, hình tim, mũi không cao và hai lỗ mũi hơi hớt. Trong chân dung của công an, "mẹ mìn" để tóc hất ra sau, buộc túm theo kiểu truyền thống. Cơ quan điều tra còn cung cấp thêm một số thông tin như: nghi can cao khoảng hơn 1,5 m, da trắng, dáng mập, tóc dài đến nửa lưng nhuộm màu hơi vàng, nói giọng miền Tây, đeo kính cận trắng, mặc áo thun lửng màu cam nhạt, tay áo gần sát nách, quần lửng tới đầu gối, bên ngoài mặc áo khoác màu xanh xám tro.

Đến trưa nay, tin trên các báo cho biết, thủ phạm đã gọi điện tới công an đầu thú. Trước đó, cơ quan điều tra cũng nhận được nhiều nguồn tin báo và đã tiếp cận được nơi ở của đối tượng, nhưng do lo cho tính mạng cháu bé nên đã tìm cách vận động đối tượng đầu thú.

chân dung kẻ bắt cóc bé sơ sinh

Diện mạo thật của "mẹ mìn" cho thấy tài năng đáng nể của họa sĩ vẽ chân dung

Vậy, ai là người vẽ bức chân dung này?

Hiện tại, cơ quan công an không công bố thông tin về người họa sĩ đã vẽ bức chân dung trên, nhưng nhiều khả năng ông chính là họa sĩ Võ Tấn Thành, cộng tác viên ruột của Phân viện khoa học hình sự - Bộ Công an phía Nam và là khắc tinh của bọn tội phạm. Rất nhiều vụ án đã được phá nhanh gọn nhờ những bức phác họa chân dung kẻ tình nghi của ông.

Họa sĩ Thành chụp cùng đại tá Nguyễn Phi Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm Bộ Công an.

Người họa sĩ... trinh sát

Võ Tấn Thành nổi tiếng với tuyệt đỉnh vẽ kí họa trên gương, nhận dạng liệt sĩ qua mô tả của người thân. Chính vì điều này đã tạo cơ duyên cho ông gắn bó với công việc vẽ chân dung tội phạm trong ngành công an.

Năm 1999, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận như TP. HCM, Bình Dương, Bình Phước, bọn tội phạm nổi lên ngày một liều lĩnh và manh động. Chúng dùng các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để xóa dấu vết hiện trường gây án. Chúng thường lợi dụng lúc đêm khuya đột nhập vào nhà, quán ăn thậm chí cả cơ quan nhà nước để cướp, nếu gặp người chúng sẵn sàng kề dao vào cổ uy hiếp. Chúng ngang nhiên chặn xe ô tô đang chạy, đe dọa tài xế để trấn lột tài sản gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Lực lượng công an đã vào cuộc nhưng để truy bắt bọn tội phạm này rất khó vì hầu hết đều không thể nhận dạng.

Góp phần vào phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc, được sự chỉ đạo của Bộ Công an, Tổng cục cảnh sát phía Nam Phân viện khoa học hình sự, Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai thời điểm này là đại tá Nguyễn Phi Hùng, Phó giám đốc Công an tỉnh (hiện nay là Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an) đã có sáng kiến vận dụng giải pháp Căn bản họa hình mô tả chân dung trong nghiệp vụ và họa sĩ Võ Tấn Thành là ứng cử viên được đề cử tham gia.

Sau một loạt mô tả nhận dạng của các nạn nhân về hung thủ, bằng bàn tay và khối óc, bằng sự liên tưởng hình dung căn bản, họa sĩ Võ Tấn Thành đã phác thảo ra chân dung tên tội phạm mà khi xem xong các nạn nhân đều khẳng định giống đến 80%. Từ tấm hình phác thảo, ban chuyên án đã tiến hành xác định đối tượng tình nghi số một là Phó Văn Chính (sinh năm 1963 ngụ tại Bà Rịa - Vũng Tàu) từng có tiền án tiền sự về tội trộm cắp.

Một vụ án khác mà đến giờ ông Thành vẫn còn nhớ rõ là vào năm 2009, tại tiệm vàng Lan Anh (thị xã Hà Tiên Kiên Giang), xẩy ra vụ cướp 100 lượng vàng. Điều đáng nói là bọn cướp có vũ khí nóng và sẵn sàng xả đạn nếu như gặp phải sự chống cự. Tiệm vàng Lan Anh có trang bị Camera nhưng hình ảnh thu lại sau đó rất mờ không thể nhận dạng mặc dù đã dùng đến kĩ thuật xử lý hình ảnh trên truyền hình.

Họa sĩ Võ Tấn Thành được mời tham gia chuyên án. Ông cùng người con trai (hiện đang học Đại học Cảnh sát) theo chân các trinh sát lặn lội khắp các con đường, ngõ hẻm của Hà Tiên lục tìm manh mối và gặp mặt nhân chứng. Khi tổ chuyên án đang đau đầu tìm manh mối thì khoảng 2 tháng sau đó, tại huyện Tịnh Biên (An Giang) tiếp tục xẩy ra vụ cướp tiệm vàng. Bọn cướp có 6 người đều bịt mặt có súng và cướp đi 300 lượng vàng.

Nhận định đây có thể là bọn tội phạm người nước ngoài, lực lượng công an Việt Nam phối hớp với cảnh sát hoàng gia Campuchia đã truy bắt được băng cướp này. Nghi vấn rất có thể đây chính là bọn đã từng thực hiện vụ cướp tiệm vàng Lan Anh trước đó nhưng chúng một mực không khai nhận. Sau khi cán bộ điều tra đưa ra tấm hình một trong các tên cướp do họa sĩ Võ Tấn Thành vẽ thì chúng mới hoảng hồn, cúi đầu nhận tội.

Phó Văn Chính do họa sĩ Thành vẽ (trái) và ảnh thật (phải)

"Hồi sinh" chân dung những người đã khuất

Không những vẽ chân dung tội phạm mà họa sĩ Võ Tấn Thành còn có khả năng tái tạo lại những tấm hình chỉ bằng hộp sọ. Ông đã vận dụng kĩ thuật chuyên sâu của ngành giải phẫu mặt, tâm lý học và khoa học hình sự để phục dựng chân dung người cha của dược sĩ Nguyễn Văn Mười ở TP. HCM. Ông Mười có người cha tên Nguyễn Dương đã mất. Nhưng do lúc đó, ông đi bộ đội không thể về chịu tang cha được cũng không nhớ rõ từng đặc điểm trên khuôn mặt cha. Ông quyết định mang bức hình chụp hộp sọ của cha lúc cải táng tới họa sĩ Tấn Thành.

Khi nhận tấm hình chụp xương sọ ông Mười mang tới, họa sĩ Thành phải tỉ mẩn nghiên cứu thật chi tiết, vận dụng khả năng giải phẫu y khoa, đo đạc các cơ xương cùng với sự miêu tả xơ lược của ông Mười. Suốt một tháng miệt mài đo, vẽ, phác thảo, cuối cùng họa sĩ Tấn Thành đã cho ra một bản thảo về khung ảnh cơ bản nhất về cụ Nguyễn Dương. Họa sĩ cho gọi con cháu tới nhận dạng, góp ý để chỉnh sửa hoàn chỉnh nhất. Con cháu vừa nhìn thấy tấm hình giống với cha mình quá thì họ òa khóc nức nở. Họ bảo giống lắm rồi, gần như là tuyệt đối.

Hàng trăm liệt sĩ vô danh chỉ qua phác họa hoặc những miêu tả của người thân đã được họa sĩ Võ Tấn Thành dựng lại. Ông sẵn sàng đi bất cứ đâu, có khi phải lên rừng, xuống thác cùng người thân tìm mộ liệt sĩ để vẽ chân dung. Không chỉ phục dựng lại hình chân dung nhân vật, họa sĩ Tấn Thành còn có khả năng tuyệt đỉnh đó là vẽ hình ngược trong chai hoặc trên kính. Khả năng này hiện nay chưa có ai đạt tới. Để nói có sách, mách có chứng, ông lấy ra cho chúng tôi xem nhưng chiếc chai nhựa bên trong là hình ảnh vẽ bằng bút cọ sơn mài sinh động và có hồn.

Họa sĩ cho biết: Cái khó của việc vẽ tranh trong chai nhựa là không gian múa bút bó hẹp. Tôi phải tự chế ra bút lông cọ đặc biệt thì mới có thể đưa vào trong cổ chai nhỏ hẹp. Khi vẽ, phải vẽ bằng trí tưởng tượng, óc quan sát chứ không phải bằng mắt. Một chai nhựa, ông có thể vẽ được hai hình ảnh khác nhau ở hai mặt mà không bị chồng chéo. Nhìn phía trước là một cô gái nhưng khi lật ra sau lại là một chàng trai.

"Cảnh sát không quân phục"

Ông là họa sĩ từng tham gia rất nhiều trong các chuyên án lớn của lực lượng công an. Ông được Bộ Công an trao kỉ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tại hội thi Sáng tạo công nghệ khoa học toàn quốc lần thứ 9 (7/ 2008), công trình nghiên cứu giải pháp căn bản họa hình mô tả chân dung của ông đạt giải 3.Họa sĩ Tấn Thành có 4 người con nhưng chỉ có một người con trai duy nhất hiện đang theo học trường Đại học Cảnh sát nhân dân sẽ kế nghiệp cha. Ông chia sẻ: "Tôi là một cảnh sát không quân phục. Tôi đã từng đi đánh án khắp nơi cùng các chiến sĩ công an. Vì sự bình yên của nhân dân tôi thấy mình phải có trách nhiệm bảo vệ an ninh Tổ Quốc. Con trai tôi sau này sẽ là một chiến sĩ công an thực sự. Tôi cũng sẽ ủng hộ và động viên con hết mình".

Theo Người đưa tin

Chủ đề khác