VnReview
Hà Nội

Tin Jang Song Taek bị đàn chó đói ăn thịt: truyền thông mạng bị lừa như thế nào?

Cuối tháng 12/2013, trên các phương tiện truyền thông thế giới đã xuất hiện câu chuyện giật gân về vụ hành quyết Jang Song Taek. Tại Bình Nhưỡng, chú dượng của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un bị sỉ nhục, bị bắt và sau đó xử tử.

Ảnh: EPA

Ông Jang Song Taek bị hành quyết như thế nào thì các nguồn chính thức của Bắc Triều Tiên không nhắc đến. Nhưng theo các phương tiện truyền thông thế giới thì Jang Song Taek và một số người thân cận của ông đã bị ném vào chuồng cho đàn chó đói cắn xé. Và hình phạt khủng khiếp này được cho là đã diễn ra trước mắt 300 quan chức cấp cao của chính phủ Bắc Triều Tiên.

Mặc dù ngay từ đầu câu chuyện này đã khiến cho hầu hết các nhà quan sát nghiêm túc nghi ngờ nhưng các phương tiện truyền thông hàng đầu thế giới đã viết về cái chết khủng khiếp của Jang Song Taek trong gần hai tuần. Cuối cùng, một nhóm blogger, cũng như tờ báo Anh "The Guardian" đã quyết định điều tra trường hợp tung tin này. Những nỗ lực của họ làm cho sáng tỏ bức tranh khá tò mò.

Hóa ra tin Jang Song Taek bị ném vào chuồng chó đói xuất hiện từ blog của nhà trào phúng Trung Quốc có bí danh là "Choi Seung Ho từ Bình Nhưỡng." Tuy nhiên, blog của Choi Seung Ho không phải là trang thông tin, mà có tính phi chính trị và châm biếm! Trên thực tế không rõ Choi Seung Ho là ai không ai biết, chỉ biết ông tự xưng là người Bắc Triều Tiên.

"Choi Seung Ho" thường nhái lại phong cách tuyên truyền của Bắc Triều Tiên, nhưng không chỉ hạn chế ở một số chủ đề Hàn Quốc. Thỉnh thoảng trên blog của ông lại xuất hiện những tin tức giả mạo cố ý và vô lý với các hình minh họa. Blog "Choi Seung Ho từ Bình Nhưỡng" rất nổi tiếng và tác giả vô danh của nó được coi là một trong những nhà trào phúng chính trị hàng đầu của Trung Quốc hiện đại.

Một tin giả vô lý tương tự đã xuất hiện ngày 11/12 trên blog "Choi Seung Ho từ Bình Nhưỡng" thông báo rằng Jang Song Taek bị ném vào chuồng cho đàn chó đói ăn thịt. Ngày 12/12 báo Hồng Kông "Wen Wei Pao" đăng một bài phân tích dài về các sự kiện ở Bình Nhưỡng và sự thất sủng của Jang Song Taek. Ngoài một số những chuyện khác, bài báo viết khá nghiêm túc về cái chết của ông Jang và những người thân cận của ông ta trong chuồng chó đói.

Đồng thời, các nhà báo Hồng Kông dẫn nguồn từ blog "Choi Seung Ho từ Bình Nhưỡng" nhưng không nói gì về chuyện tác giả blog không phải là nhà báo và nhà hoạt động chính trị mà chỉ là nhà văn trào phúng. Họ có biết chuyện đó hay không, hiện đang là đề tài tranh luận, nhưng có nhiều khả năng là họ biết.

Thoạt tiên chẳng ai để ý đến tin tức của "Wen Wei Pao". Có thể là do tờ báo này không mấy danh tiếng, cũng có thể vì đây là tờ báo Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi vào ngày 24/12, khi tờ báo tiếng Anh "Straits Times" của Singapore đưa tin về những con chó. Lần này, tờ báo dẫn nguồn "Wen Wei Pao", nhưng không nêu tên nhà văn châm biếm trên mạng.

Sau khi xuất hiện trên tờ báo đáng kính này, tin tức này bắt đầu lan rộng nhanh chóng trên các phương tiện truyền thông và thu hút chú ý của độc giả thế giới.

Toàn bộ câu chuyện trước hết khiến ta tự hỏi về những thách thức mà giới truyền thông phải đối mặt trong thời đại Internet. Một mặt, với sự ra đời của mạng toàn cầu, có vẻ là dễ dàng hơn nhiều để có được thông tin. Mặt khác, thời nay khó khăn hơn nhiều để kiểm tra độ tin cậy của các thông tin đó.

Câu chuyện về đàn chó đói thú vị ở chỗ trong trường hợp này blogger không hề chủ ý gây nhầm lẫn cho bất cứ ai. Tin này thoạt đầu là một trò đùa ảm đạm, khá phù hợp với truyền thống châm biếm chính trị. Nhưng các nhà báo không biết vô tình hay cố ý đã tiếp nhận chuyện đùa này là chuyện thật. Chưa nói đến những trường hợp khi blogger cố tình bịa ra những thông tin sai lệch. Thời trước, khi chưa có Internet, nếu có người đưa ra thông tin sai sự thật, anh ta sẽ không bao giờ được tiếp nhận nghiêm túc nữa. Trong thời đại chúng ta, khi mà có thể ẩn danh trong Internet, blogger tung tin vịt đơn giản là có thể thay nick một cách dễ dàng.

Theo Tiếng nói nước Nga

Chủ đề khác