VnReview
Hà Nội

Tòa án Mỹ công nhận blogger là nhà báo

Một trong những câu hỏi lớn nhất của người Mỹ thời đại này đã có lời giải vào tuần trước, khi một tòa án liên bang tại Mỹ tuyên bố rằng blogger cũng là "nhà báo" – ít nhất là khi xét đến các quyền Hợp hiến của họ.

Tòa án Mỹ: Blogger là nhà báo

Trong vụ xử về tranh chấp giữa Tổ chức Tài chính Obsidian (Obsidian Finance Group) và blogger Crystal Cox, Tòa Phúc thẩm Ninth Circuit đã đưa ra phán quyết rằng ngay cả khi một người không viết cho "các tổ chức báo chí", họ cũng được quyền hưởng sự bảo vệ của Hiến pháp đối với các nhà báo.

Vụ kiện giữa Obsidian Finance Group và Crystal Cox

Vào năm 2010, Crystal Cox, một "blogger điều tra" đã cho đăng tải một loạt các bài viết của mình nói về các hành vi trốn thuế, rửa tiền và các tội khác do Obsidian Finance Group thực hiện. Các bài viết này đã được đăng tải trên các tên miền có tính xúc phạm như "obsidianfiancesucks.com" (tạm dịch: Obsidian Finance là một lũ tồi tệ). Obsidian và nhà sáng lập Kevin Padrick đã quyết định khởi kiện Cox với cáo buộc xúc phạm danh dự.

Chỉ có những tuyên bố hàm chứa "khẳng định sự thật" mới có thể bị đem kiện vì tội xúc phạm danh dự. Điều này có nghĩa rằng bị đơn phải đưa ra những khẳng định chỉ có thể là đúng hoặc sai (ví dụ như "Vụ rửa tiền này là có thật") thay vì đưa ra các ý kiến cá nhân (như "Tôi không thích Obsidian"). Thẩm phán tại tòa án Oregon, Marco Hernandez đã đưa ra phán quyết rằng phần lớn các bài viết của cô Cox đều quá phóng đại, do đó không thể coi là "khẳng định sự thật" mà chỉ có thể coi là "ý kiến cá nhân". Tuy vậy, một bài viết trong số này được tòa án Oregon phán xét là đủ mức "khẳng định sự thật" đến ranh giới có thể coi là xúc phạm danh dự. Do đó, Obsidian và Padrick sẽ được bồi thường 2,5 triệu USD do bị xúc phạm danh dự.

Phán quyết mới của tòa phúc thẩm Ninth Court vừa qua đã xét tới 2 yếu tố mới: 2 vụ xử án New York Times với Sullivan và Gertz với Robert Welch. 2 vụ án này đã đặt ra định nghĩa về việc "ngôn luận như thế nào thì bị tính là xúc phạm" đối với từng loại tổ chức.

Trong vụ xử New York Times với Sullivan vào năm 1964, Tòa án Tối cao Mỹ cho rằng các nhân vật công chúng chỉ có thể cáo buộc người/tổ chức khác đã xúc phạm danh dự khi các thông tin xúc phạm bị đăng tải với "mục đích xấu thực sự" (người đưa ra thông tin biết chắc chắn rằng thông tin mình đưa ra là sai lầm). Trong vụ xử lý Gertz vào năm 1974, Tòa án Tối cao cũng cho rằng các thông tin xúc phạm về các nhân vật cá nhân có thể coi là xúc phạm nếu như chúng bị đưa ra một cách "không cẩn thận" (thông tin đưa ra không được kiểm chứng một cách cẩn thận).

Cox cho rằng Obsidian và các đối tác của mình là các nhân vật công chúng, và đây là một tuyên bố không được tòa Ninth Circuit chấp thuận. Thẩm phán Hurtwitz cho rằng các bài viết của Cox vẫn là về các nhân vật cá nhân, mặc dù chủ đề được nói tới trong bài là vấn đề được cả công luận quan tâm. Do đó, vụ việc này sẽ bị đánh giá tương tư như Gertz. Thông tin trong các bài viết này không chỉ sai lầm mà còn "bị đưa ra một cách không cẩn thận".

Theo bản Sửa đổi lần thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ, chỉ có các nhà báo mới được không bị cáo buộc "xúc phạm danh dự" ngay cả khi họ đã đưa ra thông tin sai lệch "một cách không cẩn thận". Do đó, để có thể chiến thắng đơn kiện này, cô Cox sẽ phải được coi là một nhà báo.

Tòa án Mỹ: Blogger là nhà báo

Blogger Crystal Cox

Blogger và nhà báo

Vụ việc càng trở nên phức tạp khi Cox tuyên bố rằng nguồn tin đưa ra thông tin về hành vi trốn thuế của Obsidian là bí mật, và do đó không cần phải bị tiết lộ do được bảo vệ bởi các điều luật về truyền thông. Thẩm phán Hernandez cho rằng Cox sẽ không được bảo vệ bởi lá chắn luật pháp này, do cô ta đã từng đưa ra đề nghị gỡ bỏ các bài blog của mình với giá 2.500 USD/tháng.

Vấn đề mấu chốt vẫn là "Cô Cox, một người tự xưng là blogger, có phải là một nhà báo hay không?". Thẩm phán Hurwitz của Tòa Phúc thẩm đã đưa ra phán quyết rất rõ ràng về vấn đề này:

"Mặc dù Tòa Tối cao chưa từng đưa ra phán quyết trực tiếp rằng các luật sau vụ Gertz sẽ được áp dụng bên ngoài các tổ chức báo giới, Tòa Tối cao cũng đã liên tục từ chối bảo vệ truyền thông có tổ chức nhiều hơn các tổ chức khác dựa theo Tu chính Lần thứ nhất của Hiến Pháp". Do đó, tòa Phúc thẩm Ninth Court đưa ra phán quyết rằng: "chúng tôi không thấy có sự khác biệt nào giữa báo giới và các đơn vị không thuộc các đơn vị truyền thông".

Và do đó, sự bảo vệ quyền ngôn luận dành cho báo giới cũng sẽ được áp dụng cho các "nhà báo" không thuộc về các tổ chức truyền thông:

"Các điều luật bảo vệ của Tu chính Hiến pháp Lần thứ nhất không hề phân biệt liệu bị đơn có phải là một nhà báo đã qua đào tạo, đã từng liên kết với các tổ chức thông tin truyền thống… hay không.

Giống như Tòa Tối cao đã khẳng định chính xác, việc phân biệt giữa các đơn vị báo chí và các tổ chức khác là không thể thực hiện được: 'Với sự ra mắt của Internet và sự thoái trào của truyền thông in ấn, phát sóng… ranh giới giữa báo giới và những người muốn bình luận về các vấn đề chính trị và xã hội trở nên mờ nhạt hơn rất nhiều".

Như vậy, xét về mặt luật pháp, tại Mỹ nếu bạn viết blog, bạn có thể được coi là một nhà báo. Vụ xử án của Cox do đó sẽ được tiếp tục tại tòa án Oregon. Có thể, khoản tiền phạt mà "nhà báo" blogger này sẽ được giảm xuống.

Còn người Mỹ thì giờ có thể mặc áo pajama, ngồi trên giường ăn pizza viết blog và trở thành những "nhà báo" được luật pháp công nhận.

Gia Cường

Theo The Atlantic

Chủ đề khác