VnReview
Hà Nội

Những bức ảnh giả gây sốt trên mạng

Hàng ngày có hàng trăm bức ảnh ấn tượng lọt vào mắt chúng ta trên Facebook và Internet nói chung. Rất nhiều trong số chúng là giả, đi kèm những lời nói dối hoặc cả hai. Liệu bạn có thể nhận ra?

Có đúng là John Lennon đã từng chơi ghi-ta với Che Guevara? Ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh có tệ tới mức người dân phải đón ánh mặt trời thông qua màn hình TV khổng lồ? Hay đã từng có dịch vụ gửi trẻ em qua bưu điện?

Hãy cùng điểm qua một số bức ảnh nổi tiếng trên mạng Internet gần đây theo tổng hợp của trang công nghệ The Verge. Trái với những gì trước mắt bạn, không có bức nào ghi lại một cách trung thực những sự kiện đã xảy ra.

1. John Lennon chơi đàn ghi-ta với Che Guevara?

ảnh giả ghép

Bạn có tin rằng John Lennon từng ngồi xuống và chơi đàn ghi-ta với biểu tượng Mác-xít Che Guevara? Bạn không nên tin bởi Lennon chưa bao giờ làm vậy.

Bức ảnh là một tác phẩm photoshop. Ai đó đã thay khuôn mặt của tay ghi-ta Wayne Tex Gabriel bằng khuôn mặt của Che. Dưới đây là bức ảnh thật.

ảnh giả ghép

2. Người dân Bắc Kinh phải ngắm hoàng hôn giả?

ảnh giả ghép

Một bức ảnh chỉ ghi lại được một thời điểm duy nhất. Vì vậy, kể cả một bức ảnh không qua chỉnh sửa cũng có thể biết nói dối nếu bạn không có đủ thông tin.

Bức ảnh này được tờ Daily Mail đăng tải kèm với thông tin rằng người dân Bắc Kinh chỉ được tận hưởng ánh mặt trời từ một màn hình điện tử do không khí quá ô nhiễm. Đúng là lớp sương mù ở Trung Quốc hiện nay đã ở mức rất tệ. Nhưng câu chuyện của Daily Mail thì hoàn toàn không chính xác.

Thực tế, đây là một quảng cáo du lịch được chiếu ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc trên một màn hình cỡ lớn đặt tại Quảng trường Thiên An Môn. Hình ảnh mặt trời chỉ hiện lên trong một thời gian ngắn và là một phần của đoạn phim quảng cáo. Video này được chiếu quanh năm dù sương mù ở nơi đây có tệ tới mức nào.

3. Trẻ em được gửi qua bưu điện?

ảnh giả ghép

Đây là những bức ảnh đáng yêu, đi kèm với những câu chuyện ghê rợn. Có phải người ta đã từng dán tem lên người trẻ em rồi gửi chúng qua đường bưu điện? Không hẳn như vậy.

Có rất nhiều tài liệu ghi lại việc người Mỹ "gửi bưu điện" con cái của mình vào đầu những năm 1910. Tuy vậy, có điều cần nhớ liên quan đến việc này. Thứ nhất, những bức ảnh xuất hiện trên các tài khoản Twitter về lịch sử không thực sự cho thấy trẻ em bị gửi bưu điện. Theo Viện Smithsonian, đây là những bức ảnh dùng với mục đích gây cười. Thứ hai, "gửi trẻ em qua bưu điện" không phải là điều chúng thực sự muốn truyền tải.

Ví dụ, May Pierstorff 6 tuổi được "gửi" vào ngày 19/2/1914 từ Grangeville, Idaho tới nhà ông bà cách đó 73 dặm nhờ người quen làm cho công ty đường sắt. Nhờ cách này, gia đình cô bé tiết kiệm được chút tiền so với việc mua vé hành khách thông thường.

Vào năm 2009, Catherine Shteynberg đến từ Viện Smithsonian đã làm rõ câu chuyện gửi trẻ qua bưu điện này, vốn vào thời điểm đó đang gây sốt:

"Rõ ràng, rất nhiều người đã ngạc nhiên và hoảng hốt trước bức ảnh một người đàn ông đem theo một đứa trẻ trong túi thư. Tôi đã nói chuyện với Nancy Pope, một nhà sử gia ở Bảo tàng Bưu điện Quốc gia. Cô đã dẫn lại thông tin từ lời giới thiệu của bức ảnh trên Flickr: đầu tiên, bức ảnh đã được sắp xếp và thứ hai, có ít thông tin cho rằng trẻ em được gửi qua đường bưu điện ngoài hai trường hợp được đặt trên toa làm "hàng hóa" vì giá rẻ hơn vé hành khách".

4. Đứa trẻ Syria nằm ngủ cạnh mộ cha mẹ?

ảnh giả ghép

Bức ảnh phía bên trái được đăng tải đi kèm với lời bình: "Ở Syria, ngủ giữa cha và mẹ".

Đây là một bức ảnh rất cảm động. Tuy nhiên đây chỉ là một phần của dự án nghệ thuật ở Ả Rập Saudi. Nhiếp ảnh gia 25 tuổi Abdul Aziz al-Otaibi muốn chụp một bức ảnh cho thấy tình yêu của con cái dành cho cha mẹ là bất tử. Ý tưởng của anh hoàn toàn không liên quan đến cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria.

"Bức ảnh của tôi không liên quan gì tới Syria". Al-Otaibi chia sẻ với một phóng viên người Hà Lan làm việc tại Trung Đông. "Tôi rất sốc trước việc bức ảnh của tôi bị người ta làm méo mó".

5. Đây có phải tượng Phật tại tu viện Ngyen Khang Taksang?

ảnh giả ghép

Không phải vậy, bức ảnh phía bên trái không phải là một tu viện mà bạn có thể thăm quan. Bức ảnh được photoshop đến từ nhóm sưu tập nghệ thuật Reality Cues và dự án Graffiti Lab trên Tumblr. Bức ảnh chưa chỉnh sửa nằm ở phía bên phải thuộc khu danh lam thắng cảnh Vũ Lăng Nguyên của tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

6. Đây có phải chiếc điện thoại di động đầu tiên trên thế giới?

ảnh giả ghép

Khi một bộ phim tư liệu có tên "Eve's Wireless" được trang British Pathe đăng tải và gây sốt, kể cả các trang tin uy tín cũng đưa tin rằng đây là một chiếc điện thoại di động. Tuy vậy, thực tế thiết bị xuất hiện trong video là một bộ radio.

Vào những năm đầu 1920, "điện thoại không dây" (wireless telephone) vẫn là cụm từ được chấp nhận khi miêu tả công nghệ radio. Radio lúc bấy giờ vẫn còn khá mới mẻ với số đông và công nghệ này vẫn đang phát triển từ một công cụ giao tiếp hai chiều sang công cụ phát sóng. Người phụ nữ trong phim đơn giản chỉ đang nghe radio và không hề có dấu hiệu nào cho thấy thiết bị này có khả năng truyền phát.

7. Hồ Tiên ở đảo Skye tại Scotland?

ảnh giả ghép

Bức ảnh phía bên trái không phải Hồ Tiên ở Scotland mà thực chất là một con sông ở Quenstown, New Zealand. Ai đó đã photoshop làm cho cây cối trở thành màu tím và gây sốt hơn cả bức ảnh gốc vốn đã rất tuyệt vời.

Gia Cường

Nguồn Gizmodo

Chủ đề khác