VnReview
Hà Nội

Trung Quốc hạn chế đốt pháo hoa vì ô nhiễm không khí

Chính quyền Trung Quốc đang khuyến khích người dân đón năm mới Giáp Ngọ 2014 mà không sử dụng pháo hoa. Động thái này được cho là nhằm giảm bớt các chất gây ô nhiễm do việc đốt pháo hoa gây ra.

Truyền thống đón chào năm mới tại Trung Quốc là phải có pháo hoa, cũng như Noel là phải có cây thông ở các nước phương Tây. Theo truyền thống, đốt pháo hoa sẽ tạo ra tiếng nổ ồn ào và những cụm pháo hoa rực rỡ sắc màu sẽ xua đuổi ma quỷ và mang điều may mắn đến trong năm mới.

Nhưng việc đốt pháo hoa cũng phát ra các hạt phóng xạ bao gồm các hạt sulfur dioxide và các chất độc khác.

Ngoài ra, vấn nạn khói bụi đang phủ kín nhiều thành phố của Trung Quốc khi năm con Ngựa đến, các nhà hoạt động vì môi trường, các nhà khí tượng học và các quan chức chính phủ đang kêu gọi mọi người đón năm mới mà không đốt pháo.

Người dân Trung Quốc có phong tục đốt pháo sáng đón mừng năm mới

Ngay cả khi không đốt pháo hoa vào dịp năm mới, mùa đông cũng là khoảng thời gian mà chất lượng không khí đặc biệt tồi tệ tại Trung Quốc. Đặc biệt tại các khu vực phía Bắc, nơi hoạt động đốt than diễn ra phổ biến. Hồi tháng 12, Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc báo cáo có 62/74 thành phố mà họ theo dõi có chất lượng không khí không đạt chuẩn trong hơn một tháng.

Ngày hôm qua (29/1/2014 tức ngày 29 tết), chính phủ Bắc Kinh đã gửi tin nhắn SMS đến nhiều người dùng điện thoại di động trong thành phố, vận động mọi người đốt ít pháo hoa hoặc không đốt. Cách đây 2 năm, nồng độ các hạt phóng xạ nhỏ đã tăng lên mức 1.486 microgram/mét khối.

Để so sánh mức độ ô nhiễm, trang Los Angeles Times cho biết vào ngày chất lượng không khí ở Los Angeles tồi tệ nhất, nồng độ các hạt phóng xạ là 220 microgram/mét khối. Theo các tiêu chuẩn sức khỏe của Mỹ, nồng độ hạt phóng xạ nhỏ không nên vượt quá mức trung bình 35 microgram/mét khối trong khoảng thời gian 24 giờ.

Bắt đầu từ ngày 30/1/2014 (tức ngày 30 tết), Cục Quản lý Khí tượng Trung Quốc sẽ sử dụng chỉ số cảnh báo mức độ ô nhiễm do pháo hoa kết hợp với các yếu tố khói bụi gây ra tại một số thành phố với 4 mức cảnh báo. Khi chỉ số này đạt mức cao nhất, hay màu đỏ, công chúng sẽ được khuyên không đốt bất cứ loại pháo nào.

Một số thành phố đã rút ngắn số ngày mà người dân được phép đốt pháo hoa. Tại Hàng Châu, chính quyền thành phố cho biết họ đã ban hành quy định cho phép đốt pháo hoa chỉ 3 ngày trong suốt kỳ nghỉ lễ dài, giảm so với mức 18 ngày hồi năm ngoái. Thành phố cũng đã hủy lễ hội pháo hoa mùa thu của họ.

Thông qua các mạng xã hội và phương tiện truyền thông, tỉnh Chiết Giang cũng đã khuyến khích mọi người hạn chế sử dụng pháo hoa.

"Mỗi người dân nên thực hiện những điều nhỏ bé để giúp tạo ra chất lượng không khí tốt hơn", một cán bộ của tỉnh Chiết Giang nói. "Vì thế, hãy lái xe ít hơn, hút thuốc ít hơn và đốt pháo hoa ít hơn".

Cuộc khảo sát của Cục thống kê thành phố Thượng Hải phát hiện ra có 81% công dân thành phố ủng hộ việc cấm hoàn toàn đốt pháo hoa và 85% nói họ không mua pháo trong mùa lễ hội này.

Ngoài việc kêu gọi mọi người giảm pháo hoa, chính phủ còn khuyến khích sử dụng "pháo hoa điện tử", một thiết bị điện tử cũng phát ra tiếng nổ như đốt pháo hoa thật và cũng phát ra ánh sáng, nhưng không có khói.

Hiệp hội người tiêu dùng Bắc Kinh gợi ý mọi người dân có thể mua hoa thay cho pháo hoa. Trong chuyên mục bình luận, báo China Daily nói các phong tục đón năm mới cần thay đổi để phù hợp với thời đại hiện đại, ô nhiễm.

"Một số người có thể lập luận rằng đốt pháo là một phần truyền thống của văn hóa Trung Quốc. Nhưng văn hóa xuất phát từ cuộc sống và thay đổi cùng với thời gian", China Daily viết. "Do chúng ta đang phải sống trong bầu không khí đặc quánh khói bụi, sương mù khiến những người đứng trước mặt chúng ta chỉ vài mét cũng không thể nhìn rõ, chúng ta cần bày tỏ niềm vui và mong ước tốt đẹp trong một năm mới mọi người không bị ho và chịu hậu quả từ việc đốt pháo".

Hoàng Lan

;Theo LaTimes

Chủ đề khác