VnReview
Hà Nội

Bẽ bàng clip thầy đánh trò bị trò đánh lại ở Bình Định

Clip thầy giáo tát đôm đốp vào mặt một nam học sinh, rồi đến học sinh nam thứ hai thì học sinh này nhảy vào đánh lại thầy giáo ngay trên bục giảng đang gây rúng động trên mạng. Mặc dù phần lớn ý kiến cho rằng hành xử của người thầy không chấp nhận được nhưng không khỏi sốc trước việc học trò đánh lại thầy.

Học sinh đánh thầy giáo

Thầy giáo cấp 3 thẳng tay tát học sinh và bị học sinh đánh trả ở Tây Sơn, Bình Định

Theo báo Tuổi trẻ, tối qua, ngày 17/2, người dùng Facebook liên tục chia sẻ, bình luận về clip thầy tát trò bôm bốp, trò phi thân đánh lại thầy ngay giữa lớp học. Đến 12g trưa 18/2, gần 11.000 lượt người bình luận và 5.500 lượt chia sẻ clip này.

Qua xác minh của báo Tuổi trẻ, vụ việc xảy ra ở lớp 11A1 trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Tây Sơn (Bình Định) trước Tết nguyên đán. Thầy giáo trong clip có tên là Trần Anh Tuấn, dạy môn Hóa lớp 11.;

Theo nội dung clip thì thầy Tuấn đang tát đôm đốp vào mặt một nam sinh. Mỗi lần đánh, thầy đều nói kèm câu: "Mày cương hé, mày cương hé". Sau cái tát thứ tư bên má trái, học sinh này giơ tay lên đỡ thì lập tức bị thầy tát mạnh bên má phải.

Lúc này, phía dưới lớp, một nam sinh khác lên tiếng: "Sao uýnh dữ thầy" thì bị thầy gọi lên bảng chỉ mặt: "Mày muốn sao? Học không được thì nghỉ nghen". Không rõ học sinh này đáp lại gì nhưng sau đó thầy Tuấn thẳng tay tát vào mặt cậu. Lập tức, cậu học sinh lên gối đánh lại thầy. Thấy thế, nam sinh bị đánh lúc đầu cũng nhảy vào "đánh hội đồng" thầy giáo.

Cô Quách Nguyễn Huyền Trân, hiệu trưởng cho phóng viên báo Tuổi trẻ biết cả thầy và trò đã làm tường trình, kiểm điểm. "Sau tết, chúng tôi đã làm việc với phụ huynh các em học sinh có thái độ ngỗ ngược đánh lại thầy giáo. Ngày 15/2, hội đồng nhà trường đã họp, phân tích cái sai của thầy, cái sai của trò và sẽ làm báo cáo trình lên Sở GD- ĐT, lãnh đạo sở sẽ có ý kiến chỉ đạo xử lý".

Theo VOV, ông Đào Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định cho rằng sự việc này rõ ràng là phản cảm, cần phải phân tích cặn kẽ lý do tại sao thầy lại đánh trò nặng tay như thế, mà trò cũng sai khi đánh lại thầy giáo ngay trên bục giảng… và "Sở đang chờ kết quả báo cáo của trường và sẽ xử lý, ai sai sẽ nhận kiểm điểm, Sở không bao che cho ai hết".

Ngay sau khi clip đăng lên mạng, phần lớn bình luận đều chỉ trích thầy giáo, rằng nếu không giữ được bình tĩnh thì đừng nên làm thầy, hay hành vi của thầy như côn đồ ngoài đường... Nhiều người mặc dù phân tích kín kẽ hơn, cho rằng có thể học sinh quá hỗn láo nhưng việc thầy đánh trò như vậy là không thể chấp nhận được, nhất là ngay trên bục giảng.

Đáng nguy hơn là không ít ý kiến ủng hộ học trò đánh lại thầy giáo, cho dù chỉ là trong trường hợp cụ thể này nhưng rõ ràng, chiếc áo giáp tôn sư trọng đạo đã bị sứt mẻ: người ta sẵn sàng chấp nhận việc đánh lại thầy giáo chỉ vì thầy chưa xứng làm thầy. Điều này khác hẳn so với thời trước đây, mặc dù học sinh vẫn bị thầy cô giáo đánh, đánh đau nhưng thầy giáo vẫn được học sinh kính trọng, nể sợ.

Tại sao có sự khác biệt như vậy? Như phân tích của thành viên Otofun Akclub Vietnam: "Ngày xưa trò sợ thầy một phép, sợ còn hơn sợ bố sợ mẹ, cũng là vì người thầy có đạo đức trồng người, để học sinh vừa kính vừa nể. Em đi học cũng bị thầy cô vụt cho, nhưng không phải đánh như kẻ thù thế này, cô giáo vừa đánh vừa khóc, vừa dạy. Thế học sinh mới kính sợ thầy cô. Chứ xã hội thời nay thầy cô giáo biến chất hết, phần nhiều cũng là do bố mẹ học sinh xót con, chiều chuộng quá đà, dùng tiền với thái độ "đi thuê" thầy về dạy con, làm sao mà con cái không láo không hỗn, vì trong mắt chúng thầy cô chỉ là người làm thuê của bố mẹ nó thôi mà, khác gì người giúp việc đâu".

Hay theo thành viên hijikatamamoru của Webtretho, các thầy cô giáo hồi xưa tận tâm dạy học, hai chữ "nghề giáo" nó thiêng liêng cho dù có đánh học trò thì tụi học trò vẫn nể vẫn kính trọng. Còn giáo viên bây giờ nhiều người không có trình độ lại không có đạo đức thì học trò nào chịu nể.

Sự việc thầy đánh trò, trò đánh lại này chỉ là hành vi đơn lẻ nhưng nó vẫn là nỗi bẽ bàng của ngành giáo dục và là lời nhắc nhở rằng dù có cải cách đến đâu thì giáo dục nhà giáo vẫn là tiên quyết, trước hết và trên hết.

Thanh Xuân

Chủ đề khác