VnReview
Hà Nội

Sữa học đường: Đóng tiền ít sao phụ huynh không hưởng ứng

Mỗi học sinh tiểu học ở Hà Nội chỉ phải đóng khoảng 70.000 đồng/ tháng và là chương trình tự nguyện nhưng không nhận được sự hưởng ứng của nhiều phụ huynh.

Chương trình sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018 – 2020 do Sở Giáo dục và Đào tạo khởi xướng chủ trì. Cụ thể, mỗi trẻ mẫu giáo, học sinh được uống sữa tươi 5 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml.

Về chi phí, với học sinh bình thường, ngân sách hỗ trợ 30% tiền sữa, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20% tiền sữa, 50% tiền sữa sẽ do phụ huynh học sinh đóng góp.

Các học sinh thuộc diện nghèo cận nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách được uống sữa miễn phí. Trong đó ngân sách hỗ trợ 50% tiền sữa, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.

Với mức giá một hộp sữa trên thị trường khoảng 6.800 nghìn đồng/hộp 180ml, mỗi học sinh (trừ trường hợp miễn phí) phải đóng 3.400 đồng/ hộp, mỗi tháng khoảng 70.000 đồng.

Thoạt tiên, có thể thấy đây là một chương trình có ý nghĩa đối với sức khoẻ trẻ nhỏ và số chi phí cha mẹ học sinh phải bỏ ra mỗi tháng là không nhiều, như ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo so sánh là chỉ bằng hai bát phở. Song đáng tiếc nó lại vấp phải nhiều ý kiến phản đối.

Trước hết là do phụ huynh có cảm giác bị "ép" tự nguyện trong khi chưa được thông tin về chất lượng, chủng loại sữa như thế nào. Theo báo Dân trí phản ánh, có tình trạng giáo viên chủ nhiệm nhắn tin đến phụ huynh, yêu cầu cho trẻ tham gia. Nếu gia đình nào không đăng ký tham gia thì trao đổi trực tiếp với cô giáo lí do. Có gia đình phản ánh con của họ không uống được sữa hoặc không nên uống sữa do thừa cân, cơ địa không dung nạp lactose (thường có các triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, nôn và chướng bụng ,đầy hơi gia tăng khi ăn sữa) nhưng vẫn buộc phải đồng ý cho con tham gia vì cô giáo bảo cả lớp tham gia rồi, con không tham gia sẽ cảm thấy bị cô lập khi các bạn đến giờ uống sữa mà không được uống.

Tin nhắn giáo viên chủ nhiệm gửi phụ huynh học sinh đôn đốc tham gia Sữa học đường

Cho đến nay, tất cả những gì phụ huynh biết được về chương trình sữa học đường chỉ là về chi phí. Trong khi mối quan tâm của họ là về chất lượng sữa như thế nào? Có được vận chuyển, bảo quản đúng quy cách, quy chuẩn hay không? lại không có thông tin gì. Một số vụ học sinh ngộ độc do uống sữa ở trường học phía Nam cũng khiến phụ huynh không khỏi lo lắng và bị ép buộc khi phải tự nguyện tham gia. Đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ để nảy sinh một số thông tin cực đoan như sữa sắp hết hạn, sữa kém chất lượng tuồn vào trường học.;

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội. ảnh: VietNamNet.

Tuy nhiên, cho đến nay Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn chưa thoả mãn thông tin này cho các phụ huynh. Có thể do Sở mới phát hành hồ sơ mời các nhà sản xuất sữa tham gia đấu thầu cung cấp sữa, đến ngày 1/10 mới có kết quả. Tất cả những gì Sở có thể cam kết về chất lượng mới là lựa chọn doanh nghiệp lớn, có uy tín để cung cấp và sẽ liên kết chặt chẽ với Bộ Y tế để kiểm định, giám sát chất lượng sữa.

Theo ước tính của Sở GD&ĐT Hà Nội nếu có 90% trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học Hà Nội tham gia chương trình sữa học đường mỗi ngày doanh nghiệp sữa phải cung cấp từ 1 đến 1,1 triệu hộp sữa. Học sinh không bắt buộc phải tham gia chương trình Sữa học đường. Phụ huynh có thể không đăng ký và cho con tự mang sữa đến trường. Thậm chí, kể cả dù đã đăng ký tham gia, nếu thấy không phù hợp và cần thiết thì có thể dừng tham gia bất cứ lúc nào.

Thiết nghĩ, với số tiền không đáng kể và nếu được thông tin đầy đủ, chương trình sữa học đường với mục tiêu đúng đắn là cải thiện tầm vóc trẻ em không có lý do gì để phản đối.

Kiều Trang

Chủ đề khác