VnReview
Hà Nội

Người dân lên mạng 'khoe' tiền điện tháng 5/2020 tăng vọt

Nhiều người dân thuộc các vùng miền trên cả nước đã lên mạng 'khoe' hóa đơn tiền điện tháng hè đầu tiên (5/2020) tăng vọt dù được giảm trừ 10% do dịch bệnh Covid-19.

Miễn, giảm tiền điện do tác động của Covid-19 từ tháng nào? Bao nhiêu?

Theo công văn số 2698/BCT-ĐTĐL ngày 16/4/2020 của Bộ Công Thương, giá bán lẻ điện cho người dân sử dụng điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 sẽ được giảm 10% do dịch bệnh Covid-19. Chương trình này được áp dụng với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản lượng điện sử dụng của khách hàng có chu kỳ bắt đầu trong các tháng 4, tháng 5 và tháng 6/2020 (xác định theo kỳ ghi chỉ số hàng tháng của Đơn vị Điện lực). Khách hàng sẽ được thực hiện giảm giá tương ứng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 5, tháng 6 và tháng 7/2020.

Số tiền được giảm trừ do Covid-19 được thông báo và trừ ngay vào hóa đơn điện.

Phản ánh của người dân cho thấy việc giảm trừ tiền điện đã được thực hiện nghiêm túc, số tiền giảm hàng tháng được thông báo cụ thể. Tuy nhiên, đến kỳ thanh toán tiền điện tháng Sáu này (trả cho sản lượng điện tiêu thụ trong tháng 5), rất nhiều người đã sốc bởi số tiền phải trả quá lớn, thậm chí gấp 3 lần tháng trước đó. Cũng lưu ý rằng, từ tháng 5/2020, thời tiết nóng hẳn lên, các hộ gia đình sử dụng điều hòa nhiều hơn.;

Tại một diễn đàn nổi tiếng, tài khoản MrPhongTran cho biết: 'Mình ở chung cư 1 mình, tháng vừa rồi hết 960.000 đồng tiền điện, thật sự bàng hoàng không hiểu nổi'. Tài khoản hihikeke2000 cho biết: 'Tháng 6 đã đi làm bình thường, tưởng rằng tiền điện sẽ hạ như trước dịch, ai ngờ còn tăng mạnh hơn, thanh toán mà xót'.

 

Người dân tại chung cư CT6 - Xa La, Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ về tiền tiện tháng 6/2020 phải nộp tăng cao.

Người dân lên mạng 'khoe' tiền điện tăng vọt dù được giảm trừ Covid 10%

Một người cho biết tháng trước gia đình dùng hết 1 triệu tiền điện, nhưng đến tháng này thì...

Người dân lên mạng 'khoe' tiền điện tăng vọt dù được giảm trừ Covid 10%

Tiền điện tăng vọt lên gần 2,7 triệu đồng. Chưa bao giờ gia đình phải đóng tiền điện cao thế này mặc dù đồ điện trong gia đình không thêm mà chỉ bớt đi.

Tại diễn đàn của chung cư CT6 - Xa La, Hà Đông (Hà Nội), nhiều người dân cũng phản ánh tình trạng tiền điện kỳ nộp tháng 6 tăng rất mạnh, thậm chí có trường hợp tăng gấp 3 lần so với tháng trước. Tài khoản Hồ Vương cho biết: 'Tiền điện tháng này tăng gấp 3 lần so với tháng trước'. Kèm theo đó, người này có chụp ảnh hóa đơn tiền điện tháng 5 là hơn 360.358 đồng nhưng đến tháng 6 là 912.391 đồng.

Cũng tại tòa chung cư này, tài khoản Hà Linh Nguyễn cho biết dù đã được giảm trừ tiền điện do dịch bệnh nhưng tháng 6 vẫn phải đóng 909.273 đồng, gấp 3 lần tháng trước. Tài khoản Minh Le Quang cho biết tháng này phải đóng tiền điện hơn gấp đôi tháng trước. Thậm chí tài khoản Nguyễn Phượng bình luận rằng tháng trước chỉ phải nộp 156.000 đồng tiền điện nhưng tháng này tăng vọt lên 928.000 đồng.

Mới đây, một người dân ở Đồng Tháp cũng phản ánh rằng rất bất ngờ khi hóa đơn tiền điện gấp 6 lần so với tháng trước với số tiền phải trả là hơn 1,6 triệu đồng. Điện lực huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) trả lời về trường hợp này rằng tiền điện tăng đột biến là do chạm dây dẫn điện phía sau đồng hồ.

Một người dân khác ở thành phố Hồ Chí Minh cũng phản ánh từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2020, trung bình mỗi tháng gia đình ông tiêu thụ trên dưới 400 KWh điện nhưng từ tháng 4/2020, mức tiền điện tăng bất thường, trung bình mỗi tháng 720 KWh dù vật dụng sử dụng điện trong gia đình không thay đổi. Nguyên nhân của sự việc được điện lực thành phố Hồ Chí Minh trả lời là do thời tiết nắng nóng, khách hàng sử dụng nhiều thiết bị làm mát, nhất là máy lạnh nên tiêu thụ nhiều điện. Kết quả kiểm chứng đồng hồ đo điện của gia đình này chính xác theo chuẩn về đo lường và kiểm tra chỉ số điện phù hợp với thực tế.

Vì sao hóa đơn tiền điện tăng cao?

Các cơ quan chức năng giải thích tình trạng nắng nóng diễn ra gay gắt trên cả nước chính là nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình tăng cao trong thời gian vừa qua. EVN Hà Nội cho biết, từ ngày 1/6 đến ngày 7/6, sản lượng điện năng trên địa bàn Hà Nội dao động ở mức cao từ 73,15-78,17 triệu kWh, riêng ngày 4/6 đã vọt lên 81,38 triệu kWh.

Trong khi đó, ông Bùi Trung Kiên, Phó TGĐ EVN HCMC cho biết quy luật hàng năm tại thành phố Hồ Chí minh từ tháng 3 đến tháng 6 là mùa nắng nóng, nhiệt độ trung bình các tháng đều tăng cao trong đó có nhiều ngày lên đến 37 - 40 độ C. Vì vậy, thời gian gần đây hóa đơn tiền điện của một số gia đình tăng đột biến.

Mới đây, Bộ Công thương đã chỉ đạo, đôn đốc và giám sát EVN thực hiện giải quyết triệt để thắc mắc, khiếu nại của khách hàng sử dụng điện khi thời tiết đã chuyển sang giai đoạn nắng nóng trên cả nước. EVN cũng cần thực hiện tốt công tác ghi chỉ số công tơ; công tác kiểm tra, phúc tra chỉ số công tơ và thông tin kịp thời đến khách hàng sử dụng điện.

Ảnh minh họa

EVN cho biết trong thời điểm tình trạng nắng nóng đang hoành hành, đơn vị này đã thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Theo đó, EVN đã chủ động khuyến cáo khách hàng khi tiêu thụ điện tăng cao so với tháng trước, để khách hàng chủ động kiểm tra việc sử dụng điện của mình, các ghi chú được ghi trong thông báo tiền điện gửi đến khách hàng. Đồng thời, đơn vị này cũng thực hiện phúc tra chỉ số công tơ do bộ phận độc lập thực hiện với 100% hóa đơn có mức tăng trên 30%, trước khi phát hành tới khách hàng.

Một đại diện của EVN cho biết: 'Khi nhận được thắc mắc, khiếu nại của khách hàng về hóa đơn tiền điện, trong vòng 24 giờ, EVN sẽ cử nhân viên gặp gỡ, phối hợp cùng khách hàng đối soát chỉ số đồng hồ, lượng điện tiêu thụ trong kỳ, hóa đơn tiền điện'.

Điện năng hộ gia đình sử dụng bao nhiêu đều có công tơ ghi chỉ số. Tuy nhiên, nhiều năm nay người dân vẫn tỏ ra bức xúc vì hóa đơn tiền điện tăng đột biến trong khi mức sử dụng điện hằng ngày không có thay đổi. Rõ ràng, có thể thấy khách hàng dùng điện còn thiếu tin tưởng vào công tơ và việc ghi chỉ số điện.

Để giải tỏa vấn đề này, cách đây 5 năm, EVN đã đề nghị 'toàn dân tham gia vào việc giám sát ngành Điện thông qua việc chốt chỉ số công tơ. Đến ngày chốt, khách hàng có thể tự xem xét lại chỉ số công tơ của mình'.

Tuy nhiên, trên thực tế việc này không mấy khả thi vì người dân không phải lúc nào cũng sẵn sàng kè kè bên cạnh nhân viên điện lực khi ghi chỉ số. Và như chúng ta đã thấy, cứ đến hẹn lại lên, đến mùa nóng nực, cao điểm người dân lại than phiền về tiền điện tăng cao.

Bây giờ đang ở thời đại 4.0, khoa học công nghệ phát triển, ngành điện có lẽ cần đầu tư nhiều hơn cho các giải pháp công nghệ, làm thế nào để giải quyết triệt để vấn đề này để người dân tâm phục khẩu phục khi thanh toán tiền điện.

T.T

Chủ đề khác