VnReview
Hà Nội

Vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme cuối cùng đã khép lại sau 34 năm

Phải mất 34 năm, 10.000 cuộc phỏng vấn và 134 lời thú tội giết người, cho đến mới đây Thụy Điển mới khép lại được vụ ám sát Thủ tướng Olof Palme.

Theo AP, ông Palme bị bắn trên đường phố Sveavägen ở Stockholm vào buổi tối tháng 2/1986, sau khi đi xem phim cùng vợ và con trai.

Vào ngày 10/6/2020, công tố viên trưởng Thụy Điển Krister Petersson đã xác định kẻ giết người là Stig Engström, một nhân chứng ban đầu trong cuộc điều tra vụ ám sát. Tuy nhiên, không có cáo buộc nào có thể được đưa ra chống lại Engstrom vì ông ta đã tự tử chết năm 2000.

Phát biểu với báo chí, công tố viên trưởng Krister Petersson cho biết, có những bằng chứng cho thấy, người đã bắn Thủ tướng Olof Palme là Stig Engstrom, một nhà thiết kế đồ họa.

Theo các hồ sơ lưu lại, Thủ tướng Olof Palme bị ám sát ngay trên một con phố đông đúc tại thủ đô Stockholm vào đêm 28/2/1986. Tuy là Thủ tướng nhưng ông không sử dụng vệ sĩ do muốn có cuộc sống bình thường như bao người dân và đêm xảy ra án mạng không phải là ngoại lệ. Sau khi xem một bộ phim hài tại rạp chiếu phim Grand, ông và phu nhân - bà Lisbeth Christina Palme - đi bộ ra ga tàu điện ngầm để về nhà. Vào lúc 23h21, thủ phạm xuất hiện từ phía sau và nổ súng vào vợ chồng ông. Thủ tướng Olof Palme bị trúng đạn ở gáy, trong khi viên đạn thứ hai sượt qua vợ khiến bà bị thương. Sát thủ tháo chạy khỏi hiện trường trước khi một nhóm người gần đó chạy đến giúp đỡ. Thủ tướng Olof Palme được đưa đi cấp cứu nhưng qua đời tại bệnh viện rạng sáng 1/3/1986.

Vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme cuối cùng đã khép lại sau 34 năm

Người dân Thụy Điển đặt hoa tưởng niệm cố Thủ tướng Olof Palme tại hiện trường vụ án năm 1986.

Điều tra sai lầm

Năm 1989, một người đàn ông tên Christer Pettersson đã bị kết án giết Thủ tướng Palme, lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển. Pettersson có quá khứ phạm tội, bao gồm một tội kết án ngộ sát, và bà Lisbeth Christina Palme, vợ của Thủ tướng xác định anh ta trong đội hình cảnh sát là người đàn ông giết chồng mình.

Nhưng một tòa phúc thẩm sau đó đã lật lại bản án vì công tố viên không đưa ra được tang vật (vũ khí) giết người.

Theo Conversation, nay chính quyền Thụy Điển có vẻ tự tin Engström là người đàn ông đã bắn chết Thủ tướng Palmer - hoặc ít nhất là tự tin vừa phải.

Engstrom đã đến cảnh sát trình diện vào năm 1986 sau khi ông Palme bị sát hại vì anh ta làm công việc thiết kế đồ họa cho Công ty Bảo hiểm Skandia, nằm gần hiện trường vụ án. Anh ta tuyên bố là một trong những người đầu tiên trên hiện trường, và nói với cảnh sát rằng anh ta đã cố gắng giúp cấp cứu thủ tướng.

Nhưng trong lần gần đây kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các cuộc phỏng vấn và các tài liệu khác, cảnh sát đã nhận thấy nhân chứng Engström có vấn đề.

"Không ai thấy ai giống với Engstrom trong vai trò nhân chứng tại hiện trường mà anh ta tự mô tả", trưởng nhóm điều tra Hans Melander nói trong cuộc họp báo công bố kết luận về vụ án hôm 10/6 vừa qua.

Engstrom cũng là một đối thủ chính trị của Thủ tướng Palme, người trúng cử Thủ tướng nhiệm kỳ 2 vào năm 1969. Ông Palme xuất thân từ gia đình quý tộc, học tập ở Mỹ nhưng đã trở thành một nhà xã hội chủ nghĩa thẳng thắn. 15 năm cầm quyền của ông đã định vị Thụy Điển là một nền dân chủ tiên tiến, giàu có, ủng hộ các giá trị bình đẳng, nhân ái và nhân đạo, theo cuốn sách "Murder on the Snow" của Jan Bondeson.

Tầm nhìn tiến bộ của Thủ tướng Palme, như phản đối Chiến tranh Việt Nam, phân biệt Nam Phi và các chế độ độc tài trên toàn thế giới, đã tạo ra nhiều kẻ thù, bao gồm cả Engstrom thuộc cánh hữu.

Năm 1992, Engstrom gõ cửa nhà báo Jan Arvidsson và kể nhiều về vụ ám sát thủ tướng Palme - giống như ông ta đã làm với cảnh sát vào năm 1986. Trong cuộc phỏng vấn báo chí, Engstrom đã cung cấp chi tiết về một vũ khí giết người có thể và ngụ ý rằng vụ ám sát ông Palme là một tội ác của cơ hội.

Tuy nhiên, "Quan điểm cá nhân tôi lẽ ra sử dụng một vũ khí linh hoạt hơn, cỡ nòng nhỏ hơn", ông ta nói, và bổ sung rằng, "nếu tôi là sát thủ".

Vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme cuối cùng đã khép lại sau 34 năm

Cố Thủ tướng Olof Palme có tầm nhìn tiến bộ, trong đó ông kịch liệt phản đối Chiến tranh Việt Nam. Ông là một người bạn lớn của Việt Nam.

"Chúng tôi đã cố gắng nhất có thể"

Mặc dù chính thức khép lại vụ án ám sát Thủ tướng Palme, nhiều người Thụy Điển vẫn thấy chưa thỏa đáng.

Công tố viên Petersson đã không đưa ra được bằng chứng mới hoặc đặc biệt thuyết phục về lý do tại sao ông tin rằng Engstrom là kẻ giết người. Vũ khí giết người vẫn mất tích, mặc dù 738 vũ khí đã được thử nghiệm.

Nhưng, Petersson giải thích, "chúng tôi đã cố gắng nhất có thể để truy tìm thủ phạm".

Nhiều nghi ngờ đã bao trùm cuộc điều tra vụ ám sát Palme, vốn bị chỉ trích đã không niêm phong hiện trường vụ án và phân tích sai sót về lời khai của nhân chứng. Ông Petersson đã tiếp quản vụ án năm 2016 và thay đổi nhân sự mới để để xem xét, rà soát khối tài liệu đồ sộ của vụ án một lần nữa.

Vụ án cũng nhận được sự chú ý mới, và có thể là một số thông tin mới hữu ích, với loạt ấn phẩm năm 2018 của nhà báo Thomas Pettersson có tựa đề "The Unlikely Murderer" trên tạp chí Filter. Nhà báo Petersson, người không có liên quan đến nghi phạm Christer Pettersson, đã chuyển các phát hiện của mình cho công tố.

Mårten, con trai của Thủ tướng Olof Palme, thừa nhận rằng các sai lầm đã làm hỏng cuộc điều tra về vụ giết ám sát cha mình.

Nhưng ông nói "tôi tin rằng ‘Skandia Man' có tội. Tôi tin rằng vụ án nên được khép lại".

Khép lại

Việc khép lại vụ án ám sát Thủ tướng Palme có thể là một tin tốt cho Thụy Điển, nơi đã phải chứng kiến tỷ lệ tử vong do Covid-19 đặc biệt cao ở châu Âu,

Thụy Điển, đất nước đã không tham gia bất kỳ cuộc chiến nào từ năm 1814, đã tránh được những tổn thương lịch sử của các nước láng giềng châu Âu và trở thành một nhà lãnh đạo trong việc thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tế.

Nhưng vụ ám sát Thủ tướng Palme, người đại diện cho những giá trị này, là một trong một số sự kiện trong nước đau thương làm rung chuyển đất nước. Năm 1973, một cuộc khủng hoảng con tin kéo dài tại một ngân hàng đã sinh ra thuật ngữ "hội chứng Stockholm". Năm 2003, Bộ trưởng Ngoại giao Anna Lindh bị sát hại trong một cửa hàng bách hóa ở Stockholm.

Người Thụy Điển thường nói về những sự kiện này như một sự tổn thất to lớn đối với quốc gia nổi tiếng hòa bình, đáng tin cậy. Cảnh bắn thủ tướng trên đường phố Sveavägen là một cuộc khủng hoảng, một vết thương, một câu đố mà không có giải pháp. Do vậy, việc khép lại vụ án Palme, đại diện cho một mối quan hệ gần gũi với lịch sử hiện đại của họ - mang ý nghĩa vết thương bây giờ có thể bắt đầu lành.

Minh Hương

Chủ đề khác