VnReview
Hà Nội

Zimbabwe tịch thu tài sản không rõ nguồn gốc của quan chức

Chính quyền Zimbabwe cho biết những người không thể giải thích tài sản của họ đến từ đâu có nguy cơ bị tịch thu tài sản ngay cả khi tòa án bác bỏ cáo buộc tham nhũng.

Bà Justice Loyce Matanda-Moyo, chủ tịch Ủy ban chống tham nhũng của Zimbabwe khẳng định, đây là "một cuộc kiểm toán lối sống" đối với người giàu.

Được biết, đất nước châu Phi Zimbabwe đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ qua. Bên cạnh đó, tình trạng tham nhũng và dịch vụ công yếu kém cũng thổi bùng lên làn sóng giận dữ ở đất nước này.

Bà Justice Matanda-Moyo chia sẻ với tờ Sunday News của Zimbabwe: "Đây là một cuộc kiểm toán lối sống đối với một số người giàu. Họ sẽ phải xuất hóa đơn cho những hàng hóa, dịch vụ mà họ mua. Ngoài ra nó phải phù hợp với giá trị tài sản mà họ đang sở hữu. Chúng tôi sẽ kiểm tra xem những người này hay doanh nghiệp của họ đã nộp thuế hay chưa".

Theo BBC, động thái trên của Ủy ban chống tham nhũng Zimbabwe sử dụng quyền hạn mà ủy ban này có được vào tháng 7/2019 để yêu cầu một lời giải thích từ những người giàu có trong xã hội nhưng không thể giải thích được tài sản của họ đến từ đâu.

Những người bị điều tra có thể tới Tòa án tối cao để tính toán lại tài sản của họ. Những ai không nghiêm túc chấp hành có thể bị tịch thu tài sản.

Zimbabwe không phải là quốc gia đầu tiên có động thái yêu cầu người giàu phải chứng minh tài sản của mình. Trước đó vào năm 2017, Ireland hay Vương quốc Anh đều đã thay đổi luật và yêu cầu người giàu phải chứng minh được tài sản của họ.

Cơ quan giám sát tham nhũng Tổ chức minh bạch quốc tế gần đây đã chỉ ra một trường hợp mua sắm các thiết bị vật tư y tế chữa trị Covid-19 đáng ngờ tại Zimbabwe. Tổ chức này cho biết, tình trạng giá thiết bị vật tư y tế bị thổi phồng lên quá cao cho thấy, tham nhũng rất có thể đã xảy ra.

Sau đó không lâu, Bộ trưởng Y tế của Zimbabwe là Obadiah Moyo đã bị buộc tội lạm dụng chức quyền để tư lợi cá nhân. Ông dự kiến sẽ phải hầu tòa vào tháng 7 tới.

Theo thống kê của Chương trình Lương thực thế giới ;(WFP), Cơ quan thống kê quốc gia Zimbabwe và Đại học Johns Hopkins, đất nước Châu Phi với 15,6 triệu dân này hiện có 63% người dân sống dưới mức nghèo khổ và tỷ lệ lạm phát chính thức hàng năm tính tới tháng Năm vừa qua là 785,5%.

Tiến Thanh

Chủ đề khác