VnReview
Hà Nội

Chung kết Olympia 2020: Khán giả chê câu hỏi không đa dạng, thiếu tính tư duy...

Nhiều khán giả nhận xét bộ câu hỏi Về đích ở trận chung kết Olympia 2020 "thiếu tính tư duy", "chủ yếu kiến thức học thuộc" và không đa dạng lĩnh vực.

Trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 diễn ra sáng 20/9 đã tìm ra tân quán quân là Nguyễn Thị Thu Hằng (THPT Kim Sơn A, Ninh Bình).

Sau chương trình, bên cạnh việc quan tâm tới nhà vô địch nữ sau 9 năm, nhiều khán giả cũng bày tỏ sự thất vọng về bộ câu hỏi được ban tổ chức đưa ra, đặc biệt ở phần thi Về đích.

Dưới bài viết của Zing và trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng các câu hỏi ở trận chung kết năm nay không tạo ra sự đột biến và gay cấn như các năm trước.

Sau 9 năm, Đường lên đỉnh Olympia mới có thêm 1 quán quân là nữ. Ảnh: Quỳnh Trang.

Sau 9 năm, Đường lên đỉnh Olympia mới có thêm 1 quán quân là nữ. Ảnh: Quỳnh Trang.

Bên cạnh đó, "câu hỏi học thuộc quá nhiều", "yêu cầu nhớ chính xác các dữ kiện học vẹt" cũng là nhận định chung của nhiều khán giả theo dõi trận chung kết.

Khán giả Hiếu nhận xét: "Năm nay chỉ ra câu hỏi Lịch sử, Văn học, Thiên văn học, Sinh học... còn các môn Toán, Tiếng Anh không thấy đâu. Phần biên soạn câu hỏi không tạo ra sự đột biến và gay cấn".

Quỳnh Ly đồng tình: "Câu hỏi về đích quá khó, không đa dạng lĩnh vực. Bốn bạn chỉ trả lời đúng 3/12 câu".

Theo Nguyễn Nhi, bộ câu hỏi năm nay bị lệch, mang tính đánh đố và thiếu tư duy.

Theo ghi nhận của Zing, trong 12 câu hỏi Về đích được 4 nhà leo núi lựa chọn, có 4 câu thuộc lĩnh vực Lịch sử. Các câu còn lại thuộc môn Vật lý (2 câu), Toán học, Sinh học, Hóa học, Văn học, Kiến thức xã hội (2 câu), không có câu hỏi nào ở môn Tiếng Anh.

Trong 12 câu hỏi được 4 thí sinh lựa chọn, có 4 câu thuộc lĩnh vực Lịch sử. Ảnh cắt từ clip.

Trong 12 câu hỏi được 4 thí sinh lựa chọn, có 4 câu thuộc lĩnh vực Lịch sử. Ảnh cắt từ clip.

Trả lời Zing chiều 20/9, đại diện Đường lên đỉnh Olympia cho biết chương trình đã tiếp nhận thông tin trên và sẽ làm việc với ban cố vấn để đưa ra giải đáp sớm nhất tới khán giả.

Đây không phải lần đầu tiên khán giả phản ứng về các câu hỏi và phần trả lời của thí sinh trong trận chung kết Olympia. Trong đó, trường hợp xảy ra ở chung kết năm thứ 14 gây tranh cãi gay gắt vì được cho thay đổi cả kết quả vô địch.

Cụ thể, trước câu hỏi: "Vì sao dung dịch muối có tính sát trùng?", thí sinh Nguyễn Hoàng Bách (TP.HCM) trả lời: "Vì dung dịch nước muối tạo môi trường ưu trương nên khi vi khuẩn ở trong dung dịch nước muối sẽ bị mất nước mà chết" và không được ban cố vấn chấp nhận.

Chung kết Olympia 2014 bị khán giả phản ứng, cho rằng thay đổi kết quả vô địch. Ảnh: Lê Hiếu.

Chung kết Olympia 2014 bị khán giả phản ứng, cho rằng thay đổi kết quả vô địch. Ảnh: Lê Hiếu.

Quyết định này sau đó vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Theo nhiều giáo viên, câu trả lời của Bách có thể chấp nhận được bởi cậu đã vận dụng kiến thức về quá trình thẩm thấu được học trong chương trình Sinh học lớp 10.

Nếu được chấp nhận, Bách sẽ san bằng số điểm với Nguyễn Trọng Nhân - quán quân năm 14. Dù nam sinh TP.HCM và gia đình không có ý định khiếu nại, trước ý kiến trái chiều của dư luận, ban tổ chức, ban cố vấn, các thí sinh tham gia trận chung kết năm 14 đã cùng họp và đưa ra quyết định.

Theo đó, ban tổ chức quyết định giữ nguyên đáp án đã công bố, đồng nghĩa với việc điểm số và thứ hạng của các thí sinh không thay đổi. Cách xử lý này không làm thỏa mãn kỳ vọng của khán giả.

Theo Zingnews

Chủ đề khác