VnReview
Hà Nội

Cá mặt thỏ chứa độc tố gì mà ăn vào hôn mê?

Cá mặt thỏ là loài cá nước mặn, sống chủ yếu ở khu vực các đảo Phú Quý, Bình Sơn, Quảng Ngãi. Cá có hàm răng giống răng thỏ nên được gọi là cá mặt thỏ, hoặc cá nóc mú.

Ngày 18/9, Bệnh viện quận 2 tại TP.HCM đã tiếp nhận cấp cứu một người đàn ông 40 tuổi trong tình trạng đã liệt tứ chi, tê khoang họng, tê mặt, nôn ói chỉ kịp nói "đã ăn bao tử cá mặt thỏ" rồi hôn mê, liệt toàn thân, mất tri giác, rất nguy kịch. Bệnh nhân bắt buộc phải thở máy, lọc máu liên tục, nếu không sẽ tử vong. Khuya cùng ngày, bệnh nhân dần hồi tỉnh, có thể cử động nhẹ ngón tay, chân. Đến chiều 21/9, người bệnh không còn chạy lọc máu liên tục, tỉnh, trả lời được các câu hỏi của bác sĩ điều trị.

Các bác sĩ cho rằng bệnh nhân bị ngộ độc chất Tetrodotoxin trong cá mặt thỏ, mức độ 3-4. Độc tố Tetrodotoxin là một loại độc tố thần kinh thường có trong da, gan hoặc thịt của một số sinh vật biển như sam, ốc, bạch tuộc... đặc biệt là cá nóc.

Cá mặt thỏ chứa độc tố gì mà ăn vào hôn mê?

Cá mặt thỏ chế biến không kỹ sẽ rất độc

Tetrodotoxin không bị nhiệt phá huỷ, nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại. Tetrodotoxin được hấp thu nhanh chóng qua đường tiêu hóa trong vòng 5-15 phút, nồng độ đỉnh đạt sau 20 phút, nửa đời sống là 30 phút đến 4 giờ, phần đáng kể được thải trừ qua nước tiểu.

Tetrodotoxin rất độc với thần kinh, ức chế kênh natri, đặc biệt ở cơ vân, ngăn cản phát sinh điện thế và dẫn truyền xung động, hậu quả chính là gây liệt cơ và suy hô hấp, dễ tử vong. Để được cứu sống, bệnh nhân cần được đảm bảo hô hấp và nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được đặt nội khí quản kịp thời và thở máy.

Cá mặt thỏ thường sống ngoài khơi xa, nằm sâu dưới đáy cách mực nước biển từ 40 - 50m. Loài cá mặt thỏ này cực kỳ hung dữ, với bộ răng nanh sắc khỏe chúng có thể quẫy rách lưới ngư dân. Nó ăn tất cả các loài cá yếu hơn, thậm chí khi đói nó có thể ăn thịt cả đồng loại.

Nhiều người dân biển gọi cá mặt thỏ là cá nóc mú không chỉ bởi hình dạng tương đồng mà vì cá này cũng chứa độc tố tương tự như cá nóc. Độc trong cá mặt thỏ thường tập trung ở trứng, gan, mật. Chính vì thế khi chế biến món ăn nếu để chất độc này dính vào thì người ăn dễ bị ngộ độc.

Thịt cá mặt thỏ là nguyên liệu chế biến nhiều món ngon hấp dẫn như: cá mặt thỏ nướng, cá mặt thỏ hấp, cà ri cá mặt thỏ… Do tính chất đặc biệt, da cá mặt thỏ là nguyên liệu sản xuất hoạt chất collagen tái tạo mô nên nó thường được lột ngay sau khi đánh bắt. Đây cũng là lý do trên bàn tiệc cá mặt thỏ luôn thiếu đi bộ da của nó.

Với tính chất quý hiếm và khó đánh bắt nên giá cá mặt thỏ thường rất cao. Cá thường được chế biến và xuất hiện ở những gia đình quý tộc, những nhà hàng, khách sạn nổi tiếng và phục vụ cho giới thượng lưu thưởng thức. Tuy nhiên, lưu ý rằng khi chế biến không kỹ, người ăn rất dễ bị ngộ độc Tetrodotoxin.

Minh Hương tổng hợp

Chủ đề khác