VnReview
Hà Nội

Vì sao cột điện bê tông ly tâm ứng lực ưu điểm vượt trội vẫn bị đổ gãy trong bão?

Trong cơn bão số 5 vừa qua, hàng trăm cột điện tại một số tình miền trung đã bị đổ gãy. Đồng thời, một số người dân cũng cho biết không thấy cốt thép bên trong các cột điện này.

Tin bão số 5 mới nhất: Gió giật cấp 12, đã vào đến biển Quảng Bình - Quảng Nam

Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Trung xác nhận do ảnh hưởng của cơn bão số 5, đã có gần 500 cột điện tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng bị gãy. Các cột điện này đều là loại bê tông cốt thép ly tâm (hay cột điện bê tông ly tâm ứng lực trước). Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao loại cột điện hiện đại được thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 5847:2016 có thể chịu được gió giật cấp 12 lại gãy khi cơn bão số 5 thời điểm đổ bộ vào đất liền gió giật cấp 11.

Cột điện bê tông ly tâm ứng lực trước là gì?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc trung tâm tư vấn đường dây (PECC1) trả lời trên trang chủ của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trên thế giới, loại cột phổ biến đang dùng trong truyền tải điện là cột được sản xuất từ công nghệ bê-tông ly tâm kết hợp cốt thép ứng lực trước, còn gọi cột điện bê tông ly tâm ứng lực trước (thép được kéo ứng suất trước kết hợp với quay ly tâm bê tông mác cao để tạo ra cột).

Từ năm 2016, Hội bê tông Việt Nam đã biên soạn Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 5847:2016 về cột điện bê tông cốt thép ly tâm. Sau đó, Tổng cục Đo lường chất lượng (Bộ Xây dựng) đã thẩm định bộ tiêu chuẩn này. Cùng với đó Bộ khoa học và công nghệ cùng với EVN đã khuyến khích các đơn vị thành viên của EVN sử dụng cột điện bê tông ly tâm ứng lực trước thay thế trụ điện truyền thống.

Cốt thép trong cột điện bê tông ly tâm ứng lực trước

Theo TCVN 5847:2016, cột điện bê tông ly tâm ứng lực trước tùy theo mục đích sử dụng được chia thành nhóm I và nhóm II. Trong đó, cột nhóm I được dùng để truyền dẫn, phân phối điện còn nhóm 2 để cấp điện cho các tuyến đường sắt, xe điện. Các cột điện bị gãy trong cơn bão số 5 vừa qua thuộc nhóm I.

Cùng với đó, cột điện bê tông ly tâm ứng lực trước phải dùng xi măng, phụ gia, bê tông... theo các tiêu chuẩn Việt Nam. Đồng thời, cột nhóm I có dạng côn cụt rỗng, chiều dài từ 6 - 22 mét, mặt cắt tròn độ côn bằng 1,11% và 1,33% theo chiều dài cột.

Cốt thép trong bê-tông ly tâm ứng lực trước là cốt thép cường độ cao, được kéo căng ra bằng máy kéo ứng suất trước, đạt tới một giá trị ứng suất nhất định theo thiết kế, nằm trong giới hạn đàn hồi của nó trước khi các kết cấu bê tông cốt thép này chịu tải.

Lực căng cốt thép này làm cho kết cấu bê-tông biến dạng ngược với biến dạng do tải trọng gây ra sau này khi kết cấu làm việc. Nhờ đó, kết cấu bê-tông ứng lực trước có thể chịu tải trọng lớn gần gấp đôi so với khi không căng cốt thép ứng suất trước.

Cột điện bị gãy tại Đà Nẵng trong cơn bão số 5 vừa qua

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trên thế giới hiện nay cột được sản xuất theo công nghệ bê-tông ly tâm cốt thép ứng lực trước được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong lĩnh vực truyền tải điện, viễn thông, chiếu sáng... nhờ có những ưu điểm vượt trội về kết cấu, độ bền và giá thành hợp lý.

Vì sao khi cột điện gãy không thấy cốt thép bên trong?

Ông Hà Thanh Long, Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế trả lời trên Zing cho biết: 'Ngành điện không tự ý soạn thảo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 5847:2016 và cũng không sản xuất cột điện bê tông cốt thép ly tâm để sử dụng'.

Ông Long cũng cho rằng việc cột điện ly tâm dự ứng lực bị hư hỏng nhiều là do không lường trước khả năng chống chịu cây xanh đổ ngã vào hệ thống cột điện. Cây xanh đổ ngã vào đường điện hàng loạt là nguyên nhân khiến hệ thống cột bị hư hỏng nhiều.

Ông Nguyễn Đại Phúc - Phó giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế cho biết các cột điện được đưa vào sử dụng cho công trình đều tuân thủ quy định hiện hành. Ông nói: 'Trước khi cột điện được xuất xưởng, cơ quan chức năng đã tiến hành 2 thử nghiệm chịu lực và phá hủy. Hai thử nghiệm này nếu đạt mới được dán tem chứng nhận chất lượng xuất xưởng'.

Cột điện tại Đà Nẵng sau khi được người dân đục

Hiện tại, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã tạm dừng sử dụng các cột ly tâm dự ứng lực để chờ kết luận chính thức từ cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm bất cứ loại cột bê-tông nào sản xuất ra đều phải tuân thủ về thiết kế và các quy chuẩn, tiêu chuẩn của quốc gia đó và được kiểm tra chất lượng trước khi lắp đặt. Nguyên nhân nhiều cột điện đổ gãy có thể do có nhiều tải trọng bất lợi khác nhau không thể dự báo trước tác dụng lên cột điện bê tông như: cây đổ, vật cản nặng tác dụng lên cột…

Ngoài ra, việc không thấy cốt thép bên trong là do cấu tạo của cột điện bê tông ly tâm ứng lực trước. Từ khi sản xuất, cốt thép bên trong loại cột điện này đã được căng trước. Vì vậy, khi gãy cột điện, cốt thép bị đứt sẽ co về hai đầu, rút vào trong bê-tông với độ sâu khoảng 1cm. Do cốt thép có đường kính nhỏ, bằng mắt thường khó có thể thấy được cốt thép mà chỉ thấy được những lỗ đường kính của cốt thép trên bề mặt bê-tông. 'Đây là hiện tượng quán tính bình thường của vật lý, giống như sợi dây đang căng mà đứt ra thì sẽ co về 2 đầu và cốt thép trong bê-tông này cũng tương tự như vậy' - ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

T.T

Chủ đề khác