VnReview
Hà Nội

Vì sao câu chuyện về bệnh nhân thứ 17 được quan tâm trở lại?

Câu chuyện về bệnh nhân thứ 17 tưởng như đã im ắng bỗng được cộng đồng mạng quan tâm trở lại bởi một bài viết liên quan đến cô trên tạp chí The New Yorker của Mỹ.

Bệnh nhân 17 đáng trách nhưng có thể oan khi bị gán là ca 'siêu lây nhiễm'

Vào tháng 3 năm nay, câu chuyện về bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19 ở Việt Nam khiến cộng đồng mạng 'dậy sóng'. Trước đó, nước ta có 16 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2, đều đã được chữa khỏi và trải qua một thời gian không có ca bệnh nào mới.

Tuy nhiên, đến ngày 6/3 thì bệnh nhân thứ 17 xuất hiện. Đây là cô gái có tên N.H.N, xuất cảnh ngày 15/2, sử dụng 2 hộ chiếu làm thủ tục hàng không và sang Anh trên chuyến bay VN0055. Ngày 2/3, cô về nước trên chuyến bay VN0054, làm thủ tục nhập cảnh. Thời điểm đó, Công an Cửa khẩu Nội Bài đã kiểm tra kỹ các trang của hộ chiếu, không phát hiện có dấu kiểm chứng nhập xuất cảnh của Italy nên cho N.H.N nhập cảnh bình thường.

Tuy nhiên, sau khi nhập cảnh cô gái đã có dấu hiệu sốt nhẹ, ho nhiều nên có đến Bệnh viện Hồng Ngọc cơ sở 55 Yên Ninh chụp X-quang và kết quả có hình ảnh đám mờ ở đáy phổi. Ngày 6/3, N.H.N được chuyển vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 để theo dõi điều trị và được phát hiện nhiễm Covid-19.

Ngay sau khi có thông tin kể trên, thành phố Hà Nội đã họp khẩn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch nhằm đưa ra phương án chống dịch. Đồng thời, một đoạn tuyến phố Trúc Bạch (Hà Nội) với 66 hộ gia đình, 189 nhân khẩu được phong tỏa để phòng chống dịch.

Ngày 7/3, bác gái và lái xe của bệnh nhân N.H.N được xác định nhiễm Covid-19. Trong đó bệnh nhân thứ 19 (bác gái của bệnh nhân thứ 17) rơi vào tình trạng bệnh rất nặng, có lúc phải cam thiệp ECMO, đã 3 lần ngừng tim và phải mất vài tháng để hồi phục. Đến ngày 14/3, 14 người trên chuyến bay VN0054 của hãng hàng không Vietnam Airlines từ London (Anh) về Hà Nội được xác định nhiễm Covid-19. Ngày 30/3, bệnh nhân thứ 17 được xuất viện.

Như vậy, bệnh nhân thứ 17 là người đã không khai báo quá trình di chuyển tại châu Âu của mình là có đi qua vùng dịch (phía bắc nước Ý) khi nhập cảnh vào Việt Nam. Cô gái khi xuất hiện triệu chứng của bệnh cũng vẫn không khai báo, không nhập viện từ sớm để điều trị. N.H.N cũng là người trực tiếp lây bệnh cho bác gái và tài xế của mình. Nếu cô khai báo lịch trình di chuyển tại châu Âu của mình sớm hơn thì một phần tuyến phố Trúc Bạch cũng đã không bị phong tỏa.

Thế nhưng, khi vụ việc về bệnh nhân thứ 17 đã tạm lắng thì mới đây một tạp chí của Mỹ có tên The New Yorker lại đề cập đến khiến cộng đồng mạng 'dậy sóng'. Chị gái của N.H.N là Nga Nguyễn - một người làm trong lĩnh vực thời trang khá nổi tiếng và cũng nhiễm Covid-19 nhưng không về Việt Nam mà ở châu Âu.

Tờ The New Yorker cho rằng bệnh nhân thứ 17 không được bảo mật thông tin. Điều này khác với chị gái Nga Nguyễn của cô khi ở châu Âu và 'chỉ có gia đình và bạn bè mới biết họ bị bệnh'. Khi đó thông tin về bệnh nhân thứ 17 xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời, các tin đồn về cô liên tục xuất hiện, tài khoản instagram bị 'đào bới'.

Tuy nhiên, có thể thấy những nhận định của tờ The New Yorker là sai lầm và không đúng với tình hình dịch ở Việt Nam. Các trường hợp công dân từ nước ngoài về khi nhiễm bệnh thì chỉ được công khai một số thông tin cơ bản như từ đâu về, quê quán, độ tuổi... chứ không phải toàn bộ tên, tuổi, địa chỉ...

Cùng với đó, bệnh nhân thứ 17 bị lên án không phải vì việc nhiễm Covid-19 mà vì cô đã cố tình che giấu thông tin di chuyển, ý thức phòng chống dịch kém, ngay cả khi có triệu chứng bệnh, chị gái đã dương tính với virus SARS-CoV-2 mà vẫn che giấu lịch trình của mình. Hành động của cô khiến hàng triệu người Việt Nam sau đó rơi vào lo lắng, một phần phố Trúc Bạch bị phong tỏa và người thân lâm vào tình trạng 'thập tử nhất sinh'.

Nếu bệnh nhân thứ 17 khai báo trung thực về lịch trình di chuyển của mình thì sẽ không bị lên án. Trong hơn 1.000 bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Việt Nam, chỉ có một vài người bị lên án, đều vì ý thức phòng dịch kém. Và N.H.N là người bị lên án mạnh mẽ nhất.

Hiện tại, Việt Nam đã trải qua hơn 20 ngày không có bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới ngoài cộng đồng, hơn 1.068 người dương tính với virus SARS-CoV-2, 980 người đã được chữa khỏi, 35 ca tử vong và còn 50 ca đang điều trị.

Trong khi đó, tại châu Âu hiện nay tình hình dịch bệnh lại bắt đầu phức tạp sau một thời gian tạm lắng. Tại nhiều nước Tây Âu hiện nay như Anh, Pháp... mỗi ngày vẫn đang có hàng nghìn ca nhiễm Covid-19 mới. Trong khi đó, tại Mỹ - nơi tờ The New Yorker đặt trụ sở đã có tới hơn 7 triệu ca nhiễm Covid-19, hơn 200.000 người chết. Mỗi ngày tại nước này vẫn có hàng chục nghìn người dương tính với virus SARS-CoV-2 được phát hiện.

The New Yorker (người New York) là một tạp chí của Mỹ, chuyên viết phóng sự, bình luận, phê bình... Tờ này thường đưa ra những chủ đề liên quan đến đời sống văn hóa của thành phố New York nhưng cũng có cập nhật tình hình chính trị thế giới và vấn đề xã hội.

T.T

Chủ đề khác