VnReview
Hà Nội

Sạt lở đất ở Quảng Nam: Tiếp cận hiện trường rất khó khăn

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, hiện tuyến đường huyết mạch nối huyện Bắc Trà My lên huyện Nam Trà My đang sạt lở nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc cứu hộ các nạn nhân của vụ sạt lở đất ở Quảng Nam tối 28/10.

Vì sao lở đất thường kèm theo những tiếng nổ lớn?

Theo đường bộ, để lên huyện Nam Trà My nhanh nhất sẽ phải đi qua tuyến đường Quốc lộ 40B. Đây là con đường huyết mạch, trước đây là tuyến ĐT616 (Quảng Nam) và ĐT 672 (Kon Tum) rồi kết thúc tại km1506 đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận thị trấn Đắc Tô, huyện Ngọc Hồi. Trong đó, đoạn đi qua huyện Nam Trà My trước đây là tuyến ĐT616, bắt đầu từ thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam).

Tuyến ĐT616 là con đường huyết mạch nối huyện Nam Trà My với các địa phương khác. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở của khu vực nên tuyến đường này từng xảy ra các vụ sạt lở nghiêm trọng. Điển hình như vào tháng 11/2016, nước lũ cuốn 50.000m3 đất, đá và cây cối vùi lấp một đoạn ĐT616 và phải mất vài ngày đêm mới thông tuyến lại được.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 9, tuyến đường huyết mạch đi qua huyện Nam Trà My kể trên lại bị sạt lở nghiêm trọng. Tuy nhiên, do địa hình chia cắt nên chính quyền địa phương vẫn chưa thống kê được chính xác có bao nhiêu điểm sạt lở trên tuyến đường này. Nếu chỉ có một điểm sạt lở ở cuối huyện Bắc Trà My thì đến đầu giờ chiều lực lượng công binh có thể thông tuyến lên ngã 3 Trà Leng, cách điểm sạt lở hơn 10 km nữa.

Từ ngã 3 Trà Leng, để đi vào điểm sạt lở tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My hiện nay sẽ còn phải đi bộ hơn 10km nữa. Tuyến đường này hiện có 2 điểm sạt lở lớn nên lực lượng cứu hộ sẽ chỉ có thể đi bộ vào. Theo cơ quan chức năng, hiện nay lực lượng trinh sát đã đi trước để soi đường vào xã Trà Leng. Trung Tướng Nguyễn Long Cáng, Tư lệnh quân khu 5 cho biết lực lượng quân đội tham gia cứu hộ, cứu nạn đều được huấn luyện đảm bảo an toàn. Ông cho biết: 'Quá trình di chuyển chúng tôi có sự hiệp đồng chặt chẽ. Chỗ nào nghi ngờ nguy hiểm là dừng kiểm tra xong mới di chuyển để đảm bảo an toàn cho lực lượng'.

Hiện nay, thời tiết tại huyện Nam Trà My đang có nắng khá đẹp, thuận lợi cho công tác cứu hộ. Tuy nhiên, theo dự báo thì trong những ngày tới Quảng Nam sẽ có mưa.

Chỉ đạo công tác cứu hộ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương nỗ lực của các đơn vị tham gia cứu nạn đã khẩn trương làm việc. Ông đề nghị Quân khu 5 nghiên cứu tiếp cận hiện trường bằng cả đường bộ, đường thủy và nghiên cứu cả đường hàng không để nhanh nhất đưa người, phương tiện tìm kiếm người mất tích. Khi chưa thể đưa phương tiện cơ giới vào thì cần sử dụng phương án thủ công, phải khẩn trương vì sự mong đợi của gia đình các nạn nhân.

Cơ quan chức năng cho biết phương án tiếp cận tốt nhất hiện nay là mở đường bộ để vào hiện trường. Phương án đường thủy hiện do nước lớn, rất nguy hiểm nên mục đích tiếp cận chủ yếu là để trinh sát. Trung tá Võ Văn Thành, chủ nhiệm chính trị Trung đoàn bộ binh 885 cho biết phương án tiếp cận hiện trường là dùng xe nhỏ, xe bán tải, nếu chỗ nào không đi được sẽ tính đến phương án hành quân bằng đường bộ.

Một cán bộ Văn phòng UBND & HĐND huyện Nam Trà My cho biết hiện toàn huyện này đã mất sóng điện thoại, chỉ còn mạng Vinaphone có thể liên lạc được. Vì vậy, hiện vẫn chưa xác định được cụ thể có bao nhiêu điểm sạt lở trên đường dẫn vào xã Trà Leng.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết tới 9h sáng 29/10, lực lượng cứu hộ đã tìm kiếm và đưa ra khỏi hiện trường 8 thi thể nạn nhân trong vụ lở đất ở xã Trà Leng. Như vậy ở đây còn 37 người mất tích. Ông cũng cho biết theo thông tin chưa chính thức, có 2 gia đình đã kịp chạy lên rừng trước khi vụ lở đất xảy ra nên con số thương vong có thể không cao như dự báo.

T.T

Chủ đề khác