VnReview
Hà Nội

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Tại sao người Mỹ lại đi bầu cử vào ngày thứ Ba?

Tại sao ngày bầu cử tại Mỹ không được chọn vào một ngày mà người dân trên cả đất nước đều nghỉ?

Vào năm 2016, Mỹ xếp thứ 26 trên thế giới về tỷ lệ người tham gia bầu cử, với chỉ 56% số cử tri hợp lệ thực hiện bỏ phiếu kín trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Kết quả này tuy vẫn cao hơn cuộc bầu cử năm 2012 vốn có tỷ lệ chỉ 53,6%, nhưng thấp đến đáng xấu hổ so với tỷ lệ 87% của Thuỵ Điển, và chỉ cao hơn một chút so với các nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ như Slovenia mà thôi.

Dù năm 2020 được dự báo sẽ là năm có tỷ lệ người tham gia bầu cử cao hơn mức bình thường tại Mỹ, nhưng các chuyên gia vẫn đưa ra con số ước tính khá khiêm tốn, khoảng 65%, chứ chắc chắn không thể mơ đến 80% được. Vậy tại sao người Mỹ không hào hứng gì với bầu cử tổng thống? Điều gì khiến nhiều người không đi bầu cử, hoặc nếu có thì chỉ bỏ phiếu trắng? Một số đơn giản là không thích các ứng viên tổng thống tranh cử trong năm đó, số khác có những việc khác phải làm trong ngày bầu cử, hoặc cũng có những người...quên béng mất đang có một cuộc bầu cử. Nhưng theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew về những cử tri đã đăng ký nhưng không bỏ phiếu vào năm 2014, lý do lớn nhất họ đưa ra chính là lịch bỏ phiếu vướng với lịch đi làm hoặc đi học, khiến 35% những người không tham gia bầu cử phải từ bỏ quyền hợp pháp của mình.

Sự trùng lắp lịch bầu cử nói trên có nguồn gốc từ một điều luật liên bang vào năm 1845, trong đó chỉ định một ngày trong tuần - cụ thể là ngày thứ Ba đầu tiên sau thứ Hai đầu tiên của tháng 11 - làm ngày bầu cử.

Nhưng một tổ chức có tên là "Why Tuesday" (Tại sao lại là thứ Ba) đang kêu gọi áp dụng một giải pháp đã được thực hiện rất hiệu quả tại Bỉ, Pháp, Đức, Ấn Độ, và nhiều quốc gia khác. Tổ chức này muốn thay đổi luật bầu cử và tổ chức các buổi đi bầu vào thời điểm khác phù hợp hơn với cuộc sống của người Mỹ hiện đại. Họ muốn ngày bầu cử được tổ chức vào cuối tuần, hoặc nếu không được, thì có thể biến một ngày trong tuần thành ngày nghỉ lễ liên bang.

Đồng sáng lập của "Why Tuesday", Norman J. Ornstein, một nhà khoa học về chính trị kiêm học giả Viện American Enterprise cho biết việc lựa chọn ngày bầu cử hiện tại là một mô hình đã lỗi thời còn vương lại từ một thời kỳ mà đất nước rất khác so với ngày nay.

"Điều luật năm 1845 được viết nhằm đáp ứng những nhu cầu của một xã hội chủ yếu là trồng trọt",;ông giải thích - "Thời đó không có Uber, hay xe hơi, hay tàu hoả. Người nông dân phải mang sản phẩm ra chợ bằng xe ngựa, vốn thường mất một ngày trời đi đường. Và họ cần về nhà cho kịp ngày Sabbath, do đó họ cần có một ngày nằm ở giữa những ngày đó. Và thời đó, người ta phải thanh toán tài khoản vào ngày đầu tiên của tháng, do đó họ cũng không thể đi bầu cử vào ngày đó". Xét những vấn đề nảy sinh, ngày thứ Ba đầu tiên nằm sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11 dường như là lựa chọn hợp lý nhất.

Nhưng Ornstein chỉ ra rằng, thời điểm như vậy không tiện lợi lắm trong một xã hội hiện đại, công nghiệp hoá, công nghệ tiên tiến, nơi mọi người thường làm việc vào ban ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu. "Nếu bạn có công việc, thì bạn thường sẽ làm từ 8h sáng đến 5h chiều, hay 9h tối đến 6h sáng", Ornstein nói. Và theo luật Mỹ, cử tri phải bỏ phiếu ở gần nơi họ sống, mà nơi đó chưa chắc đã gần nơi họ làm.

"Có nghĩa là nếu bạn đi bầu trong ngày bầu cử, bạn phải đến điểm bỏ phiếu trước vào buổi sáng rồi mới đến nơi làm", Ornstein nói. "Hoặc vội vàng đến đó vào cuối ngày, và hi vọng rằng bạn có thể đến đúng giờ. Dù sao thì, nếu bạn gặp phải một hàng chờ dài, bạn có lẽ không thể bỏ phiếu kịp".

Theo Ornstein, nếu được phép, ông sẽ chuyển ngày bầu cử sang một dịp cuối tuần - cụ thể hơn là một khoảng thời gian dài 24 giờ từ trưa thứ Bảy đến trưa Chủ nhật. "Theo cách đó, chúng ta sẽ không gặp rắc rối kể cả với những người vẫn giữ phong tục Sabbath", ông nói.

Ngoài ra, Ornstein sẽ cho tổ chức 3 ngày bỏ phiếu sớm, từ thứ Tư cho đến thứ Sáu của tuần, trước cuộc bầu cử thứ Bảy - Chủ nhật nói trên. Điều này sẽ tạo điều kiện cho những người làm việc vào cuối tuần, cũng như những người có việc phải rời khỏi khu vực sinh sống vào thời điểm đó. Trong cuộc bầu cử 2020 này, có 38 bang trên toàn nước Mỹ đã triển khai ý tưởng mà Ornstein đưa ra, nhiều bang có từ 2 đến 3 tuần bỏ phiếu sớm.

Nhưng chưa hết. Để việc bỏ phiếu thậm chí còn dễ dàng hơn nữa, Ornstein sẽ ứng dụng những tiến bộ trong hệ thống thông tin liên lạc để thiết lập các trạm bỏ phiếu từ xa, nơi người ta có thể bỏ phiếu mà không cần biết họ sống tại đâu trong một thành phố hay một bang. "Bạn có thể có một điểm bỏ phiếu cá nhân hoá tại nơi bạn làm việc", ông nói.

Một giải pháp thay thế cho ý tưởng bỏ phiếu vào cuối tuần, theo Ornstein, là biến ngày bầu cử thành một ngày nghỉ lễ liên bang, nhưng ông nghĩ cũng không có hiệu quả. "Đặt ra một ngày nghỉ lễ mới luôn là một ý tưởng đắt đỏ đối với nền kinh tế", ông giải thích. "Và nếu bạn mượn ngày Cựu chiến binh để tổ chức, các cựu chiến binh sẽ cảm thấy như bị lừa bịp"

Vậy điều gì khiến người Mỹ không thể thay đổi? Trong khi một số tranh cãi rằng thời điểm bầu cử như hiện nay là một cách tinh vi để "chèn ép" phiếu bầu từ những người có khả năng cao gặp khó khăn khi đi bầu - những người trẻ tuổi, những người làm việc theo giờ, người nghèo... - Ornstein cho rằng lý do người Mỹ "yên vị" với thứ Ba là bởi họ... chây ì, ngại thay đổi.

Theo ông, nước Mỹ "có một hệ thống chính trị không làm được gì một cách dễ dàng cả, và ngày nay, nó đã trở nên bệ rạc đến mức thậm chí chẳng làm tốt được những điều tối quan trọng nữa"

Minh.T.T theo HowStuffWorks

Chủ đề khác