VnReview
Hà Nội

Tết thanh minh là ngày gì, diễn ra khi nào?

Tết thanh minh là một ngày lễ tuy không phải quá lớn nhưng mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Á Đông.

Covid-19 đến và đánh bại phòng vé Việt Nam mùa Tết Nguyên đán

Tiết thanh minh là một trong 24 tiết khí trong năm. Tiết này đến sau Lập xuân 60 ngày và sau Đông chí 105 ngày. Ngày đầu tiên của Tiết thanh minh được gọi là Tết thanh minh. Năm nay, Tết thanh minh rơi vào ngày 4/4/2021, tức 23/2 Âm lịch.

Theo tiếng Hán, 'thanh' có nghĩa là thanh khiết, mang ý nghĩa sạch sẽ, trong lành còn 'minh' có nghĩa là ánh sáng. Vì vậy, thanh minh có nghĩa là khoảng thời gian khí trời trong sáng, quang đãng và thanh khiết nhất.

Về mặt thời tiết, tại miền Bắc Việt Nam khi Tiết thanh minh bắt đầu thì hiện tượng mưa phùn gần như đã chấm dứt hẳn bởi các luồng gió mùa đông bắc đã yếu. Điều này khiến hiện tượng 'nồm' biến mất, tiết trời cũng trong xanh, dễ chịu hơn do nhiệt độ tăng cao, độ ẩm giảm xuống.

Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, Tết thanh minh tuy không phải là ngày lễ lớn nhưng lại mang ý nghĩa rất nhân văn và là một phong tục truyền thống đáng quý. Đây là dịp để con cháu sum vầy nhớ đến cội nguồn tổ tiên, báo hiếu các bậc sinh thành.

Hoạt động mang tính nhân văn nhất của Tết thanh minh là con cháu nhớ về tổ tiên, đi tảo mộ và dọn dẹp để những ngôi mộ người đã khuất sạch đẹp hơn. Ở đó, con cháu thường mang theo xẻng, cuốc đắp lại ngôi mộ cho đầy đặn, nhặt hết cỏ dại và cây hoang mọc trùm lên các ngôi mộ để tránh động vật hoang dã như rắn, chuột làm tổ trên đó. Sau khi dọn dẹp, người tảo mộ sẽ thắp hương, đốt vàng mã, đặt hoa trên mộ người đã khuất.

Vào dịp Tết thanh minh, các nghĩa trang trở nên đông đúc hơn hẳn ngày thường. Người già lo khấn vái mộ phần tổ tiên, trẻ em cũng theo cha mẹ đi tảo mộ để biết kính trọng những người đã khuất. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình.

Theo quan niệm dân gian, nam thanh nữ tú cũng sẽ du xuân trong ngày Tết thanh minh và gọi là hội 'đạp thanh' (giẫm lên cỏ). Hiện nay, tại Việt Nam gần như đã không còn hội này nhưng tại một số nơi ở Trung Quốc vẫn có. Trong 'Truyện Kiều' của đại thi hào Nguyễn Du có đoạn mô tả Tết thanh minh:

'Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Thanh minh trong tiết tháng Ba

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

Gần xa nô nức yến anh

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân...'.

T.T

Chủ đề khác