VnReview
Hà Nội

Olympus OM-D hơn gì Olympus PEN E-P3?

Với sự xuất hiện của chiếc máy ảnh được đồn đại từ lâu OM-D E-M5, Olympus đã có hai máy ảnh Micro Four Thirds tốc độ cao. Chiếc Olympus PEN E-P3 mới được công bố hồi tháng 6/2011, hiện đang được bán với giá thấp hơn từ 200-400 USD so với giá dự kiến của OM-D. Vậy OM-D có đáng để bạn đầu tư thêm?

Nếu bạn đang sử dụng một chiếc PEN, hẳn bạn sẽ băn khoăn không biết có nên tiếp tục gắn bó với máy ảnh đó, hay là nâng cấp để thưởng thức những cải tiến của OM-D? Hoặc nếu bạn đang muốn chọn mua một chiếc máy ảnh không gương lật của Olympus, bạn nên mua model nào? Bài phân tích từ TechRadar dưới đây sẽ giúp bạn có câu trả lời.

Bộ cảm biến

Mặc dù cả hai máy ảnh đều sử dụng cảm biến Micro Four Thirds, OM-D tự hào có một bộ cảm biến 16.1 megapixel, so với 12.3 megapixel của E-P3.

Olympus OM-D E-M5

Olympus tuyên bố, khả năng giảm nhiễu trên OM-D tốt hơn đáng kể so với các model PEN hiện có, do đó, máy sẽ có khả năng chụp ảnh tốt hơn trong điều kiện chụp ánh sáng yếu, với số điểm ảnh nhiều hơn.

Bộ xử lý

Cả OM-D và E-P3 sử dụng bộ xử lý tương tự nhau, TruePic VI. Tuy nhiên, Olympus tuyên bố rằng nó đã được tinh chế và cải tiến cho OM-D, mang lại hình ảnh ít nhiễu và tăng tốc độ chụp.

Kính ngắm

Đối với những người dùng thích sử dụng kính ngắm (EVF), OM-D sẽ thuyết phục được họ bởi máy có một kính ngắm điện tử tích hợp, không giống như E-P3 đòi hỏi phải mua thêm phụ kiện kèm. Kính ngắm của OM-D có độ phân giải cực cao, 1,44 triệu điểm ảnh, có trường ngắm 100% và cũng cung cấp tùy chọn để thay đổi các thiết lập chính.

Olympus E-M5

Thân máy

Tất nhiên ý tưởng ban đầu của các máy ảnh không gương lật như OM-D là bạn có được chất lượng hình ảnh DSLR trong một thân máy nhỏ gọn hơn nhiều. Từ vài năm nay, dòng máy này đã phát triển mạnh với chất lượng gia tăng, đồng thời một số nhà sản xuất lại đi theo hướng sản xuất những máy ảnh có kích thước gần như máy DSLR, chẳng hạn như chiếc Pentax K-01 gần đây.

Olympus OM-D E-M5 có thân máy bằng hợp kim magiê, được thiết kế theo phong cách hoài cổ (retro) và có thể chống chịu các yếu tố thời tiết và tác động ngoại cảnh. Và mặc dù máy có thiết kế retro, nhưng trông máy cũng không phải quá cồng kềnh.

Như vậy, nếu bạn muốn trải nghiệm một chiếc máy ảnh có dáng vẻ cổ điển, chọn E-M5, nhưng nếu thích tính di động và gọn nhẹ của E-P3 thì nên chọn model này.

Khả năng lấy nét

Cả PEN và và OM-D đều tuyên bố có khả năng tự động lấy nét nhanh "hàng đầu thế giới" nhờ hệ thống lấy nét FAST AF (Frequency Acceleration Sensor Technology) của Olympus. Tại thời điểm ra mắt của PEN E-P3, nó được tuyên bố là máy ảnh không gương lật có tốc độ lấy nét nhanh nhất trên thế giới.

Hệ thống FAST AF tương tự cũng được sử dụng trong OM-D, nhưng được cải tiến để có tốc độ thậm chí nhanh hơn. Olympus tuyên bố, OM-D có thể lấy nét nhanh hơn so với tất cả các hệ thống tự động lấy nét khác, bao gồm cả các dòng máy DSLR. Tuy nhiên điều này còn cần được kiểm chứng khi sử dụng máy.

Độ nhạy ISO

E-P3 có khả năng ghi lại hình ảnh với ISO 6400, nhưng khả năng chụp ảnh ở ánh sáng thấp của nó không phải là đặc biệt ấn tượng. Tuy nhiên trên OM-D, độ nhạy sáng ISO đã được tăng cường mạnh mẽ lên 25.600. Sẽ còn cần kiểm tra khả năng giảm nhiễu ở từng mức ISO trong dải ISO đó, nhưng Olympus tuyên bố rằng OM-D có thể mang lại những bức ảnh với nhiễu thấp hơn 75% so với PEN series.

Màn hình

Màn hình OLED của E-P3 là một trong những màn hình tốt nhất trên các máy ảnh có màn hình cảm ứng gần đây, với màn hình cảm ứng điện dung (tương tự như trên iPhone) có khả năng đáp ứng nhanh và dễ dàng sử dụng.

Cũng được trang bị một màn hình cảm ứng, OM-D đi xa hơn nữa bằng cách cung cấp một màn hình có thể nghiêng lật, mang lại sự tiện dụng hơn cho người dùng, nhất là những khi quay video. Mặc dù rất đáng tiếc là màn hình không xoay ngang được mà chỉ có thể lật lên xuống, song dù sao đó cũng là một cải tiến mang lại sự linh hoạt.

Hệ thống ổn định hình ảnh

Hệ thống ổn định hình ảnh 5 trục (axis) mới là một trong những tính năng quan trọng mà Olympus quan tâm để tăng cường tính năng cho OM-D. Hệ thống cho phép giảm rung mờ trên ảnh, nhờ xử lý được 5 loại chuyển động khác nhau, điều đặc biệt hữu ích khi chụp ảnh macro.

Để so sánh, hệ thống ổn định hình ảnh của E-P3 chỉ có thể xử lý hai loại hiệu ứng mờ do chuyển động khác nhau theo trục thẳng đứng và ngang. Điều này có nghĩa, OM-D có khả năng cho hình ảnh sắc nét và rõ ràng hơn ở tốc độ màn trập thấp hơn.

Video

Cả hai máy ảnh đều có khả năng quay video Full HD 1080p, tuy nhiên bộ vi xử lý đã được cải tiến của OM-D sẽ giúp quay phim mượt mà hơn. Một chức năng sáng tạo mới, Live Echo, có sẵn trên OM-D, nhưng cũng có khả năng sẽ được bổ sung thêm cho E-P3 (và các model PEN series khác) thông qua nâng cấp firmware.

Các bộ lọc nghệ thuật

Olympus nổi tiếng với những bộ lọc nghệ thuật (art filter) trên máy ảnh của mình, trong đó E-P3 có 10 bộ lọc, trong đó một số bộ lọc còn cho phép pha trộn lẫn nhau để tạo thêm các hiệu ứng phụ sáng tạo.

OM-D E-M5 có thêm một bộ lọc nữa, bộ lọc Key Line. Nhưng tính năng này cũng có thể bổ sung qua nâng cấp firmware cho các model cũ.

Kết luận

Olympus OM-D E-M5 sẽ chính thức ra thị trường vào tháng Tư tới với giá 1000 USD cho riêng thân máy, 1100 USD với ống kính 14-42mm F3.5-5.6 hoặc 1300 USD với ống kính 12-50mm F3.5-6.3. Như vậy, Olympus OM-D E-M5 đắt tiền hơn nhiều máy ảnh không gương lật khác, nhưng nó cũng có một số tính năng ấn tượng.

Trong khi đó, PEN E-P3 có giá 899 USD kèm ống kính 14-42mm, rẻ hơn từ 200-400 USD so với OM-D E-M5 và có thể còn hạ giá nữa, nhưng nếu chấp nhận đầu tư thêm, bạn nhận được một số nâng cấp đáng kể với OM-D, bao gồm một kính ngắm EVF, màn hình nghiêng, độ phân giải và dải ISO cao hơn, hứa hẹn giảm nhiễu tốt hơn.

Lưu ý rằng mức giá trên vẫn là giá bán lẻ đề nghị, có thể giá chính thức sẽ rẻ hơn khi OM-D E-M5 thực sự được bán ra thị trường, giúp giảm sự chênh lệch giá giữa hai model máy.

Thật khó mà khuyên những người đang sử dụng E-P3 chuyển sang dùng E-M5, nhưng họ chắc chắn bị hấp dẫn bởi những tính năng mới của OM-D. Quyết định chọn model nào là tương đối khó, do đó bạn nên cân nhắc dựa trên mục đích sử dụng máy ảnh của mình.

Những nhiếp ảnh gia đường phố chủ yếu làm việc trong ánh sáng ban ngày có thể sẽ làm việc tốt hơn khi gắn bó với chiếc E-P3 nhỏ gọn hơn. Nó cũng phù hợp với nhiều người dùng khác có mục đích thông thường hoặc chụp ảnh cho các kỳ nghỉ, các chuyến đi dã ngoại.

Tuy nhiên, đối với những người tìm kiếm một máy ảnh dự phòng thay thế cho máy DSLR, thì E-M5 là lựa chọn tốt hơn hẳn so với những cái tên mới công bố gần đây như Fujifilm X-Pro1 hay Panasonic GX1.

Ngọc Mai

Chủ đề khác