VnReview
Hà Nội

So sánh Nikon V1 với Olympus PEN E-P3 và Sony NEX-7

;

Ngay khi Nikon gia nhập làng máy ảnh không gương lật với hai model V1 và J1, nhiều người dùng tự hỏi liệu sản phẩm của “đại gia” máy ảnh này có gì khác biệt với các dòng máy ảnh không gương lật đã có vài năm kinh nghiệm như PEN Olympus, Sony NEX, Samsung NX hay Panasonic G series?

 

Bài viết so sánh chi tiết model Nikon V1 với hai trong số các đối thủ cạnh tranh tiềm năng lớn nhất là Sony NEX- 7, đã được công bố vào tháng Tám, và Olympus PEN E- P3 xuất hiện lần đầu vào tháng Bảy. Thông tin trong bài được tham khảo và đối chiếu từ trang Techradar va Snapshot.

Kích cỡ cảm biến

Về kích thước vật lý, Sony NEX-7 sở hữu cảm biến APS-C lớn nhất với kích thước 23.5x15.6mm. Đây là dòng cảm biến thường thấy trên nhiều model máy ảnh DSLR.

 

 

OlympusPEN E-P3 sử dụng loại cảm biến Four thirds kích thước 17.3x13.0mm, thuộc loại trung bình. Trong khi đó, Nikon V1 có cảm biến nhỏ nhất, cảm biến CMOS kích thước 13,2 x 8.8mm.

Độ phân giải

Xét về độ phân giải megapixel, một lần nữa Sony có độ phân giải lớn nhất, lên tới 24 megapixel; Olympus PEN E-P3 có 12 megapixel, trong khi Nikon xếp cuối cùng với 10 Mp.

 

 

Kích thước thân máy

Tiếp tục so sánh về kích thước thân máy, Nikon V1 cũng vẫn thua kém về độ mỏng. Trong khi Sony Nex-7 có kích thước gọn nhất (111x59x38 mm), Olympus PEN E-P3  mỏng hơn nhưng dài và rộng hơn (122x69x34 mm), thì Nikon V1 có chiều dài vừa phải, nhưng bề rộng và dày lại lớn hơn (113x76x43 mm).

 

 

Tuy nhiên, trọng lượng của máy Nikon V1 lại nhẹ nhất, 294g so với 369g của E-P3 và 350g của NEX-7.

Kính ngắm

Việc một chiếc máy ảnh ống kính rời nhưng lại không có kính ngắm có thể là một thiếu sót "nghiêm trọng" với nhiều nhiếp ảnh gia, những người thích sử dụng kính ngắm để xác định khung hình muốn chụp.

Trước đây, kính ngắm điện tử bị mang tiếng xấu là khó sử dụng và cho chất lượng kém. Tuy nhiên, Sony đã mang lại một kính ngắm ấn tượng cho dòng NEX. Do Nikon cũng sử dụng kính ngắm quang học của Sony, nên Nikon V1 cũng có cùng một công nghệ kính ngắm ấn tượng. Trong khi đó, Olympus E-P3 không có kính ngắm tiêu chuẩn, nếu muốn bạn phải mua thêm với giá khoảng 4 triệu đồng nữa, quá đắt nếu so với kính ngắm đã tích hợp trên hai model đối thủ. Tuy nhiên, nếu bạn không thích dùng kính ngắm và chỉ cần LCD là đủ, thì điều này cũng không quá quan trọng.

Màn hình

Ba máy ảnh đang xem xét khá khác nhau về màn hình. Màn hình LCD 3-inch của NEX-7 có thể nghiêng lật, rất thuận tiện cho việc chụp ảnh ở các vị trí khó. Màn hình của PEN Olympus E-P3 là loại OLED 3-inch, không nghiêng lật, nhưng lại là một màn hình cảm ứng, một bổ sung hữu ích khi bạn có thể chạm tay trên màn hình để lấy nét, hoặc thực hiện các tùy chọn trên menu một cách đơn giản và dễ dàng.

Màn hình của Nikon V1 tuy cũng có ích thước 3-inch, song chỉ là loại TFT LCD, không nghiêng lật được, cũng chẳng phải loại cảm ứng. Đây là một chút thất vọng với người tiêu dùng, bởi Nikon thường xuyên sử dụng màn hình cảm ứng cho các máy ảnh compact dòng Coolpix của mình.

Các ống kính đi kèm và khả năng tương thích

Nikon đã phát minh ra một dòng ống kính mới cho các model máy ảnh không gương lật Nikon 1 của mình với tên gọi "Range 1" (ngàm 1), cùng với đó là loạt ống kính mới, bao gồm bộ ống tiêu chuẩn 10-30mm (f/3.5-5.6) đi kèm máy, 30-110mm f/3.8-5.6 và tele 10-100mm (f/4.5-5.6) được thiết kế đặc biệt cho quay video.

 

 

Tại thời điểm này, V1 có khá ít ống kính để lựa chọn, nhưng nếu bạn sử dụng bộ chuyển đổi (tùy chọn) sẽ có thêm nhiều lựa chọn mở rộng hơn với hệ thống ống kính F-mount của Nikon.

Trong số các ống kính mới được giới thiệu dành cho Nikon V1, không có ống nào có khẩu độ rộng hơn so với f/2.8, do đó những người chuyên chụp ảnh chân dung hoặc chụp trong môi trường ánh sáng thấp sẽ cảm thấy hơi chút thất vọng. Tuy nhiên, Nikon hứa hẹn sẽ xuất xưởng nhiều ống kính hơn trong thời gian tới.

Ngược lại, đối thủ E-P3 có khả năng tương thích với ống kính Four Thirds, bao gồm cả ống kính chụp chân dung 45 mm f/1.8 và ống kính góc rộng 12 mm f/2.0. Loại ống kính ngàm E (E-mount) của Sony NEX-7 cũng khá linh hoạt, bao gồm ống kính chụp chân dung 50 mm f/1.8 và ống kính macro 30 mm f/3.5. Ngoài ra, E-P3 còn có khả năng tương thích với loạt ống kính G-series của Panasonic, cũng sử dụng chuẩn gắn ống kính Four Thirds. Điều này có nghĩa là, người dùng E-P3 có thể sử dụng cả các hệ thống "power zoom" 14-42 mm và ống kính 3D mới của Panasonic. Cả NEX-7 và E-P3 đều có thể mở rộng để sử dụng các ống kính ngàm A nếu sử dụng một bộ chuyển đổi.

Tốc độ

Tại thời điểm ra mắt, cả Nikon và Olympus đều tuyên bố máy ảnh của mình có khả năng lấy nét tự động nhanh nhất trong bất kỳ máy ảnh ống kính rời nào trên thế giới.

Tuy nhiên, có vẻ như Nikon V1 đạt vị trí quán quân ở lĩnh vực này. V1 sở hữu bộ xử lý mới EXPEED 3, mà Nikon tuyên bố là cho tốc độ xử lý nhanh hơn so với máy DSLR D3X. Nikon V1 có thể chụp ảnh tĩnh với tốc độ 60 khung hình mỗi giây, vượt xa tốc độ 10 hình/giây của NEX-7 và 3 hình/giây của PEN E-P3.

Chất lượng hình ảnh

Hiện chưa có kết quả so sánh về chiếc máy ảnh cho chất lượng hình ảnh tốt nhất tại thời điểm này, song đánh giá sơ bộ của trang Techradar cho thấy, kết quả chụp ảnh thử nghiệm trên NEX-7 và V1 rất tốt.

Giá

Cuối cùng, câu hỏi quan trọng nhất là giá cả. Sony NEX-7 là model đắt tiền nhất trong ba máy ảnh, với một mức giá khởi điểm là 1130 USD với bộ ống kính, trong khi giá khởi điểm của Nikon V1 là 899,95 USD (kèm kit ống kính) và PEN E-P3 là khoảng 849,99 USD (kèm kit ống kính).

Bảng so sánh thông số của ba model

 

Tính năng

Nikon V1

Olympus PEN E-P3

 

Sony NEX-7

 - Tốc độ chụp ảnh

60 fps

3 fps

10 fps

- Quay video tốc độ cao

1,200 fps

None

None

- Tốc độ lấy nét

Phase detection

Contrast detection

Contrast detection

- Tốc độ lấy nét video

Phase detection

Contrast detection

Contrast detection

- Kính ngắm

Kính ngắm điện tử

Không có

Kính ngắm điện tử

- Hỗ trợ số điểm lấy nét

135

35

 

- Độ phân giải màn hình

921.000 dots

614.000 dots

 921.000 dots

- Tốc độ màn trập

1/16000s

1/4000s

1/4000s

- Trọng lượng

294 g

369 g

350g

- Dải ISO hỗ trợ

3.200 ISO

1.600 ISO

16.000 ISO

- Jack cắm mic ngoài

không

- Màn hình

 TFT LCD

OLED, cảm ứng

LCD, nghiêng lật được

Kích thước cảm biến

1" 13.2x8.8mm

Four thirds 17.3x13.0mm

APS-C 23.5x15.6mm

- Thời lượng pin

230 shots

330 shots

430 shots

- Độ phân giải hiệu dụng

10 MP

12.2 MP

24 MP

- Kích thước

113x76x43 mm

122x69x34 mm

111x59x38 mm

- Số ống kính tương thích

4 ống

Nhiều ống

8 ống

 

Chọn model nào?

Thật khó để lựa chọn giữa ba model máy ảnh không gương lật này, khi mỗi máy có một ưu thế nhất định. Nếu bạn chọn một máy ảnh có cảm biến lớn cùng khả năng mở rộng ống kính tốt, tính năng cũng rất ổn, thì bạn phải chấp nhận trả thêm khá nhiều tiền để sở hữu NEX-7, so với hai model còn lại. Nikon V1 chưa mạnh về cảm biến và khả năng thay đổi ống kính, kích cỡ cũng chưa phải là nhỏ nhất, nhưng các tính năng tích hợp trong máy có thể nói là tiên tiến nhất, với tốc độ chụp ảnh và quay video siêu nhanh, giá ở mức vừa phải. Trong khi đó, E-P3 là sự dung hòa, vừa đủ cho các yêu cầu với một máy ảnh ống kính rời và nhỏ gọn. Máy có khả năng tương thích với nhiều loại ống kính, và được trang bị nhiều tính năng tiện lợi như màn hình cảm ứng, trong khi lại có mức giá tốt nhất trong ba máy. Ở thời điểm này, có lẽ E-P3 là lựa chọn hợp lý hơn cả.

Thanh Huyền

Chủ đề khác